Lương và mức sống tối thiểu: Cuộc rượt đuổi chưa có hồi kết
Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, 11h ngày 7/8, 14 thành viên của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đi đến thống nhất chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 ở con số tăng 6,5%. Với mức đề xuất này, cả đại diện người lao động và chủ sử dụng lao động đều cho rằng vẫn chưa thể đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động.
Người lao động chờ đợi được tăng lương để trang trải cuộc sống. Ảnh: TL.
Chốt mức tăng đề xuất 6,5%
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Doãn Mậu Diệp, bước vào phiên họp phiên thứ 3, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức tăng là 8% và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- VCCI đại diện cho chủ sử dụng lao động đề xuất mức tăng 5%. Tuy nhiên sau quá trình thương lượng, các bên đề xuất 2 mức tăng 7% và 6,5%. Theo đó, Hội đồng đã đưa ra hai phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là tăng trung bình 6,5% và 7% để bỏ phiếu.
“Kết quả bỏ phiếu có 6/14 thành viên hội đồng chọn phương án tăng 7%, 8/14 thành viên hội đồng chọn phương án tăng 6,5%. Do đó, hội đồng quyết định lựa chọn phương án tăng 6,5% để trình lên Chính phủ”- ông Doãn Mậu Diệp nói.
Cũng theo ông Diệp, Hội đồng Tiền lương ghi nhận 2 bên đại diện doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) bước vào phiên họp với “thiện chí tuyệt vời, cân nhắc nhiều mặt, đảm bảo mức sống tối thiểu NLĐ. Đồng thời, cân nhắc tới sự phát triển và khả năng chi trả của DN, để DN có tích lũy, có đầu tư và phát triển cao hơn”.
Nhận xét về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%, ông Mai Đức Chính- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: “Đưa ra mức tăng lương tối thiểu 7% là đã có sự cân nhắc, chia sẻ với DN, kết quả đa số bỏ phiếu 6,5% nên chúng tôi không hài lòng, nhưng theo quy chế, chúng tôi chấp nhận kết quả này”.
Còn đại diện phía DN, ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch VCCI thì cho rằng, mức tăng lương 6,5% là sự chia sẻ của DN với NLĐ vì thực tế điều kiện kinh doanh của DN vẫn còn rất khó khăn. Qua 7 tháng đầu năm 2017, hơn 73.000 DN được thành lập mới và cũng có 50.000 DN giải thể hoặc tạm dừng hoạt động. Như vậy tính trung bình cứ 3 DN thành lập mới thì có 2 DN giải thể. “Chúng tôi không muốn câu chuyện này tái diễn và gia tăng”- ông Phòng nói.
Năm ngoái, sau hai phiên họp căng thẳng, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới thống nhất được mức tăng lương tối thiểu vùng. Trong đó, vùng I từ 3,5 lên 3,75 triệu đồng, các vùng II, III và IV tương ứng là 3,32 triệu đồng, 2,9 triệu đồng và 2,58 triệu đồng. Theo tính toán của bộ phận kỹ thuật, mức tăng này đáp ứng được khoảng 93% mức sống tối thiểu của NLĐ.
Họp báo công bố mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, ngày 7/8. Ảnh: VGP.
Không nên trông chờ vào lương tối thiểu
Theo tính toán của Hội đồng Tiền lương quốc gia với mức đề xuất tăng 6,5% lương tối thiểu mới đáp ứng từ 92-96% mức sống tối thiểu. Trước băn khoăn của báo chí về lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu, ông Mai Đức Chính cho biết, với mức tăng đề xuất 6,5% mục tiêu tăng lương tối thiểu 8,4% vào năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội sẽ phải “lùi thời điểm này lại”.
Ở góc độ khác, ông Hoàng Quang Phòng thẳng thắn cho rằng: NLĐ không nên trông chờ vào lương tối thiểu mà cần phải phấn đấu hơn trong công việc, nâng cao trình độ tay nghề, kỷ luật lao động và năng suất lao động. Qua đó có thêm tiền thưởng về năng suất lao động, thưởng cải tiến kỹ thuật, chế độ phúc lợi xã hội khác mà chủ DN mang lại. Chỉ có sự cố gắng của 2 bên thì mức sống của NLĐ mới có thể tăng lên được.
Đồng tình với quan điểm mức sống NLĐ chỉ có thể tăng khi có sự cố gắng của 2 bên, song nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay khi phần lớn NLĐ sống bằng lương thì việc xác định mức lương tối thiểu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh là sàn đáp ứng mức sống tối thiểu, còn phải đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Nước nào có điều kiện kinh tế-xã hội tốt thì mức lương tối thiểu thường cao hơn những nước kinh tế-xã hội kém phát triển.
“Nhóm lao động hưởng lương thấp còn nhiều. Do đó, vai trò của lương tối thiểu vẫn quan trọng, có vai trò chống bần cùng hoá và là “lưới an toàn cuối cùng” để bảo vệ người lao động. “Đặc biệt ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lương tối thiểu vẫn được sử dụng để xây dựng hệ thống tiền lương nói chung, đặc biệt là việc trả lương cho nhóm lao động thực hiện công việc kỹ thuật”- bà Nguyễn Thị Lan Hương- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTBXH) nói.
Theo điều 91 Luật Lao động hiện hành, mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tuy vậy, định nghĩa và cách tính mức sống tối thiểu như hiện nay vẫn chưa rõ ràng, vì dù có tương đối đầy đủ các khoản mục nhu cầu thiết yếu thì chất lượng của các khoản mục này vẫn còn bỏ ngỏ. Về vấn đề này, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng, việc xác định mức sống tối thiểu cần dựa trên nhu cầu lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm. Hai bên đều có phương án tính toán về mức sống tối thiểu riêng của mình. Với phương án tăng lương trung bình 6,5% thì lương tối thiểu đáp ứng từ 92-96% mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu là vấn đề chung của các quốc gia. Ngay cả ở châu Mỹ, lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu”.
Thực tế nếu nhìn vào con số tăng lương tối thiểu vùng hàng năm, rất nhiều người cho rằng tốc độ tăng lương tối thiểu vùng tại Việt Nam thuộc top cao, nhưng với mức 131 USD lương tối thiểu của Việt Nam còn thấp hơn cả Campuchia (140 USD) hay Lào (174 USD). Như vậy, Việt Nam là một trong những nước có lương tối thiểu thấp. Song dù vậy với DN tăng lương tối thiểu vùng vẫn luôn là gánh nặng, chính vì vậy dù năm 2020 sắp cận kề, câu chuyện lương và mức sống tối thiểu vẫn chưa có hồi kết.
Mức tăng lương tối thiểu vùng (đơn vị tính đồng):
|