Người mẹ của 2.000 trẻ khuyết tật

Vũ Minh Phúc 08/08/2017 09:10

Gần 20 năm rồi, bà Nguyễn Thị Vui, ở thôn Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội với lòng vị tha, bao dung đã âm thầm dùng sức lực và lòng nhiệt huyết để cứu giúp hơn 2.000 mảnh đời bất hạnh. Xóm giềng trìu mến gọi bà là “nữ Bồ tát giữa đời thường”.

Bà Nguyễn Thị Vui dạy nghề cho trẻ em khuyết tật.

Đến thôn Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, hỏi nhà bà Vui, ai cũng biết. Sinh năm 1943, tham gia công tác xã hội từ năm hơn 10 tuổi, bà Nguyễn Thị Vui đã có một quãng đời sôi nổi và tràn đầy hoài bão. Giấy tờ, văn bản, tài liệu của tổ chức và địa phương còn lưu giữ ghi nhận: hơn 10 tuổi, Vui đã phụ trách công tác đoàn, rồi làm Xã đội phó, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ nhiệm hợp tác xã, Bí thư Chi bộ thôn...

Giai đoạn 1970 - 1980, bà Vui được phân công làm Chủ nhiệm Hợp tác xã sơn khảm Ngọ Hạ. Cơ ngơi của hợp tác xã vỏn vẹn 100m2 vẫn chỉ lều lán tạm bợ. Chưa hết, khoản nợ 37 triệu đồng từ nhiệm kỳ trước như một gánh nặng đè lên vai người phụ nữ bé nhỏ.

Nhưng cũng từ đó, bà Vui đặc biệt quan tâm cưu mang trẻ em nghèo khổ. Đến nay, HTX sơn khảm Ngọ Hạ do bà làm chủ nhiệm đã nuôi dưỡng, dạy nghề cho hơn 2.000 em nhỏ khuyết tật, con em các gia đình nghèo, gia đình chính sách, giúp các em hòa nhập với cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

Đã biết bao lần Trung tâm dạy nghề gặp khó khăn về tài chính, bà Vui phải chạy vạy khắp nơi. Lúc thì mượn anh em bạn bè, khi thì vay hàng xóm, và không ít lần bà đã phải thế chấp nhà với ngân hàng để có tiền “vực dậy” Trung tâm. Khó khăn là thế nhưng bà Vui không khi nào nản chí. “Vì nếu bỏ cuộc, hơn ai hết, các cháu là những người khổ đầu tiên. Tôi không cam lòng”- bà Vui nói.

Có dịp đến thăm lớp học tình thương dành cho các trẻ em khuyết tật, mới thật sự hiểu giá trị của sức lao động, lòng nhân ái mà bà Vui cùng các giáo viên tại HTX sơn khảm Ngọ Hạ. Học sinh đến đây mỗi em một hoàn cảnh, một số phận riêng: đứa mồ côi cha mẹ, đứa chân tay co quắp, đứa liệt cả hai chân, đứa thiểu năng trí tuệ…

Tất cả đều được chở che, chăm sóc và học nghề để hy vọng thoát nghèo. Từ ngôi nhà tình thương này, đã có biết bao học sinh bất hạnh trở thành những người thợ lành nghề có thu nhập cao. Chẳng hạn, anh Nguyễn Văn Ánh, 35 tuổi, ở thôn Tre, học sinh khóa đầu của HTX, sau khi học nghề đã vào Gia Lai mở xưởng khảm trai lớn với 35 thợ, thu nhập ổn định.

Không chỉ dạy nghề, dạy việc, bà Vui còn như một người mẹ hiền, chăm nom, day dỗ các em từng lời ăn, tiếng nói, cách sống làm người. Chính vì thế bà luôn đau đáu trước những đứa trẻ bỏ xứ về thành phố lang thang cơ nhỡ. “Chúng ta giờ có điều kiện thu gom, quản lý, nuôi dưỡng, dạy nghề cho các cháu hơn bao năm về trước, sao không giải quyết triệt để việc này?”- bà Vui trăn trở. Tâm sự đó của bà Vui có gì trĩu nặng, thật đáng suy nghĩ.

Vũ Minh Phúc