Cải cách tổ chức bộ máy hành chính: 'Lửa' chưa bùng cháy

Việt Thắng 08/08/2017 05:00

Ngày 7/8, đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 3, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Thu gọn đầu mối còn chậm

Dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 cho thấy, việc sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối còn chậm như: chưa phân định rạch ròi, đầy đủ những việc mang tính chất quản ý hành chính; có tính chất công vụ và những việc thuần tuý mang tính sự nghiệp để đề xuất mô hình tổ chức bộ máy cho phù hợp.

Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ máy hành chính nhà nước tăng lên và chưa có xu hướng giảm. Tổng số đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập đến nay là khoảng 80.000 đơn vị. Theo báo cáo, trong 5 năm, số đơn vị chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có giảm, nhưng số đơn vị sự nghiêp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đang tăng đáng kể. Đặc biệt có sự mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức tham mưu do cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có quá nhiều đầu mối.

Thống nhất với báo cáo của đoàn giám sát, ông Lê mạnh Hà- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, chưa có sự thu gọn đầu mối tại các bộ, các địa phương, nhân dân vẫn bị phiền hà. Xu hướng các đầu mối tăng lên, khi tăng lên thì nhân sự lại tăng lên. Ví dụ như các Sở Du lịch tách ra, thực ra du lịch với văn hoá nên gắn làm một. Do đó nên làm rõ thêm vấn đề địa phương, sở ngành có lãnh đạo lại nhiều hơn chuyên viên

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau), tính khả thi trong việc tổ chức bộ máy hành chính chưa cao, sức ỳ còn lớn, xác định trách nhiệm của cơ quan, bộ máy tổ chức cá nhân cần cụ thể hơn. Nhất là cần xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những bất cập, hạn chế trong việc cải cách tổ chức, bài học đồng bộ giữa cải cách hành chính gắn với phân cấp, phân quyền, chất lượng cán bộ. Từ đó ông Vân đề nghị, cần đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, gắn với kiểm tra giám sát, đặc biệt là giám sát, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.

Lúng túng trong mô hình quản lý

Ông Phan Trung Lý- nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, bộ máy nhà nước không những cồng kềnh mà còn rất rườm rà, còn lúng túng trong mô hình quản lý Nhà nước. Ở một số cấp hiện nay, cơ cấu tổ chức cấp huyện còn lúng túng. Trong khi đó một số đánh giá phần được nhiều quá, lạc quan còn phần hạn chế vẫn chưa rõ. “Điểm yếu nhất của cán bộ công chức hiện nay là thiếu động lực làm việc, không có sự cạnh tranh”- ông Lý nhìn nhận.

Còn GS. Trần Ngọc Đường- Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, chất lượng và đạo đức công vụ cần đánh giá sâu thêm. Trong báo cáo đánh giá chưa rõ, mới nhấn mạnh nhiều về số lượng, nhưng chất lượng thế nào cần đánh giá sâu thêm. “Một trong những tồn tại nổi lên là vấn đề vị trí việc làm còn lúng túng, chưa dựa trên cơ sở lao động nào. Đánh giá về xác định việc làm có mâu thuẫn. Bài học kinh nghiệm và nguyên nhân trách nhiệm còn sự lẫn lộn, cần có tính khái quát hơn, sâu hơn. Quyết tâm còn hạn chế, làm không mạnh mẽ, quyết liệt, một số vấn đề mới vừa nhận thức không đầy đủ, vừa níu kéo của tư duy mới nên chưa thoát ra được”- ông Đường nói.

PGS Lê Minh Thông- Trợ lý Chủ tịch Quốc hội thì cho rằng, một trong những lí do chúng ta thực hiện chưa nghiêm là chất lượng của các chính sách pháp luật. Đánh giá rất khéo, tròn, nhưng “lửa” chưa bùng cháy lắm. Chúng ta hội nhập nhưng chưa thay đổi nhiều, thế giới phát triển nhưng chúng ta vẫn mô hình truyền thống như thế này thì không ổn. Do đó, bộ máy chính quyền địa phương cần phải thay đổi để đáp ứng được sự phát triển. Vấn đề công chức thiên về đánh giá số lượng, vậy hiện nay là bao nhiêu? Tinh giản được bao nhiêu? Do đó phải cơ cấu lại vị trí việc làm phù hợp với tính chất nền hành chính mới- ông Thông bày tỏ.

Việt Thắng