Sai phép và không phép
Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự xây dựng 7 tháng năm 2017 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, do UBND thành phố tổ chức mới đây, những con số và cách lý giải về việc nhà xây dựng sai phép, không phép khiến nhiều người giật mình. Việc xây nhà sai phép, không phép vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức. Chính quyền biết nhưng vẫn chưa có “thuốc đặc trị”.
Nhiều công trình xây cao quá phép nhưng không được xử lý triệt để.
Ông Lý Thanh Long- Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM cho biết, trong 7 tháng của năm nay, Thanh tra Sở đã kiểm tra tại 24.449 công trình đang xây dựng, phát hiện 1.925 trường hợp vi phạm, tăng 216 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016; trong đó xây dựng không phép chiếm 49,7%, tập trung nhiều nhất ở huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, quận 9, huyện Cần Giờ và quận 12.
Như vậy là số vụ xây dựng sai phép và xây dựng không phép là ngang nhau. Và ở đây cũng rất cần phân biệt giữa “sai phép” và “không phép”. Chỉ có tách bạch được một cách rõ ràng thì mới có thể xử lý dứt rạt.
Xây dựng sai phép có cả trong những công trình nhỏ của từng hộ, nhưng đáng quan ngại lại ở chỗ các “đại gia” lĩnh vực xây dựng. Vẫn theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM, trong vòng 7 tháng, xây dựng sai phép có 599 trường hợp; trong đó xây dựng sai phép trong dự án quy hoạch chi tiết 1/500 có 195 trường hợp. Huyện Hóc Môn dẫn đầu với 119 trường hợp, tiếp theo là quận 9 với 71 trường hợp, quận 7 với 64 trường hợp…
Sai phép là biết sai những vẫn cố tình làm, xin phép một đằng làm một nẻo. Chính vì thế mới xuất hiện những khu chung cư cao tầng không có trường học, không có công trình công cộng mà ken đặc nhà là nhà. Không ít nơi xin phép ngần này tầng nhưng lại xây “vống” lên thêm vài ba tầng nữa, cũng chỉ là nhằm vào lợi nhuận của chủ đầu tư. Trong trường hợp xây nhà sai phép, “ăn gian”, chính quyền rất cần thẳng tay xử lý. Không chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính rồi vẫn để cho tồn tại. Cách xử lý ấy sẽ dẫn đến nhờn luật, người này sai được thì người khác cũng làm được, có nghĩa là “được làm sai”.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong trường hợp xây dựng sai phép, việc kiểm tra, xử lý khá lỏng lẻo. Con số được đưa ra là: Trong tổng số những trường hợp xây dựng sai phép nêu trên thì Sở Xây dựng chỉ mới ban hành kỷ luật 5 trường hợp thanh tra địa bàn, phê bình rút kinh nghiệm 28 trường hợp và đang xem xét kỷ luật 49 trường hợp.
Đối với việc xây dựng không phép, thực tế cho thấy chỉ tập trung ở các hộ dân. Người dân có nhiều lý do để biện minh cho hành động của mình, nhưng dẫu sao không phép vẫn cứ là không phép, vẫn sai. Tại quận Bình Chánh TP HCM, nơi tập trung nhiều lao động nhập cư dẫn đến gia tăng nhu cầu xây dựng nhà ở, buộc người dân phải mua đất bằng giấy viết tay rồi lẳng lặng xây nhà không xin phép. Cũng như vậy, tại Q.9, do có nhiều dân nhập cư nên nhu cầu dựng nhà rất lớn. Nhưng ở đây còn vướng “dự án treo” - cụ thể là Dự án Trung tâm hành chính quận gần 20 năm (quy mô 56 ha) chưa triển khai được.
Vì thế, những nhà dân xung quanh cũng “gặp họa”. Họ muốn sửa chữa nhà, nhưng khi tháo ra thì nhà sập, còn việc đăng ký xây mới thì lại không được cấp phép. Theo lãnh đạo Q.9, chiếm đến 50% trường hợp vi phạm xây dựng là người nhập cư, còn lại là các hộ nghèo ở trong khu quy hoạch quá lâu. Quận đã tính đến biện pháp cưỡng chế với những trường hợp này.
Nhưng cưỡng chế có phải là biện pháp hợp lý nhất khi mà người dân “lén lút” xây nhà cũng có cái lý của họ. Vì dự án chậm trễ khiến họ không thể xây được nhà lại là lỗi ở họ sao?
Đáng chú ý, cũng tại Hội nghị kể trên, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã thẳng thắn cho rằng: Quy hoạch đô thị thành phố đang có vấn đề, cần phải tính toán lại, nếu không xác định được cơ cấu kinh tế mà làm quy hoạch thì sẽ dẫn đến vi phạm trật tự xây dựng, đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch.
Đây mới là mấu chốt của vấn đề, vướng mắc từ gốc, có nghĩa là ở khâu quy hoạch. Ông Tuyến cho rằng có tiêu cực ở lĩnh vực này do thủ tục cấp phép xây dựng còn phiền hà, cán bộ gây khó khăn cho dân. Nói như ông Tuyến thì cán bộ quản lý trật tự xây dựng tiếp tay cho việc xây dựng trái phép, không phép, thậm chí có không ít cán bộ có tâm lý “cố đấm ăn xôi”, nhận tiền, sẵn sàng nghỉ việc (được hiểu là sau khi đã nhận được một khoản lót tay lớn).
Như vậy đã rõ, nếu không có việc gây khó dễ để “đòi ăn” từ những cán bộ được giao nhiệm vụ, thì sẽ hạn chế được chuyện xây dựng sai phép, không phép. Rà soát lại cơ chế quản lý cán bộ, kể cả việc kiểm soát, răn đe và xử lý đối tượng chủ thi công vì thế là vấn đề rất cần thiết. Người dân khi xây nhà, chữa nhà đều biết rõ ai là người cầm tiền để làm ngơ, nhưng vì khao khát có một ngôi nhà, một chỗ ở thuận tiện hơn nên thường thì họ không tố giác, không phản ứng. Nắm bắt được tâm lý này, nên những cán bộ tha hóa đã “đục nước béo cò”.
Thật đáng buồn khi người dân xây nhà chỉ để gạch choán lối đi, lập tức cán bộ phường đến “làm việc” ngay. Nhưng với những tòa nhà xây vượt quá vài tầng, hay là chủ đầu tư không chịu xây trường, làm hạ tầng thì không thấy ai đến cả. Một đống gạch lập tức phát hiện, nhưng vài tầng nhà thì lại không thấy. Vấn đề ở đây là gì? Thực tế thì cả trong hai trường hợp, cán bộ thụ lý vụ việc đều trục lợi cá nhân. Vậy nên mới dẫn đến việc xây dựng sai phép, không phép.
Vì vậy, người dân đang mong đợi đến cuối tháng 10 năm nay các quận huyện của TP HCM sẽ xây dựng xong dịch vụ trực tuyến cấp phép xây dựng, tạo thuận tiện cho người dân. Nếu việc này tiến hành tốt thì cũng chính là cải cách thủ tục hành chính tốt. Vì rằng thủ tục hành chính là để phục vụ dân chứ không phải là để hành dân.
Trong xu hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa và mật độ dân số cao ở các đô thị, việc xây dựng nhà ở còn diễn ra mạnh mẽ hơn. Vì vậy, cải cách thủ tục hành chính, đưa ra khỏi đội ngũ những cán bộ công quyền thoái hóa, biến chất trong lĩnh vực cấp phép xây dựng phải được xem là việc cần làm ngay.
Thật đáng buồn khi người dân xây nhà chỉ để gạch choán lối đi, lập tức cán bộ phường đến “làm việc” ngay. Nhưng với những tòa nhà xây vượt quá vài tầng, hay là chủ đầu tư không chịu xây trường, làm hạ tầng thì không thấy ai đến cả. Một đống gạch lập tức phát hiện, nhưng vài tầng nhà thì lại không thấy. Vấn đề ở đây là gì? |