Cao Bằng: Giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, dân tộc thiểu số
Việc thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ nông thôn, dân tộc thiểu số ở Cao Bằng vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết
Nhiều năm qua, Cao Bằng luôn nỗ lực nâng cao bình đẳng giới cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số.
Thực hiện Luật Bình đẳng giới, tỉnh Cao Bằng đã thành lập Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Theo đó, thời gian qua, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Cao Bằng có nhiều hoạt động thiết thực và bình đẳng giới được nâng cao, tình trạng bạo lực gia đình đã thuyên giảm; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe sinh sản được quan tâm, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái được ngăn chặn.Tuy vậy, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết.
Theo nhận xét, ông Nông Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi... Còn nhiều trường hợp phụ nữ sinh con tại nhà, do đó dẫn đến không đảm bảo an toàn y tế và có nguy cơ mắc bệnh, biến chứng, tử vong.
Hằng năm, huyện Nguyên Bình đều tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp cho phụ nữ nhưng việc áp dụng vào sản xuất còn hạn chế vì phụ nữ không phải chủ hộ, ở nhiều gia đình người chồng không đồng ý áp dụng phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế… Vì vậy, để thực hiện bình đẳng giới, ngành chức năng, địa phương cần quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ dân tộc ít người; xây dựng các chương trình xóa mù chữ cho phụ nữ.
Còn ông Đỗ Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng cho rằng: Định kiến về giới vẫn tồn tại trong nhiều cơ quan đơn vị gây thiệt thòi cho phụ nữ. Việc cử cán bộ nữ tham gia các hoạt động bồi dưỡng đào tạo rất hạn chế do đặc thù giới, họ thường phải sinh con, chăm sóc gia đình nên cơ hội học tập và thăng tiến ít hơn nam giới. Do vậy, để thực hiện bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ nữ cần có nhiều chính sách linh hoạt, thiết thực và phù hợp hơn nữa.
Bà Đặng Thị Duyên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng nhận định: Tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái qua biên giới đã giảm, tuy nhiên, tình trạng phụ nữ ở tỉnh Cao Bằng vượt biên làm thuê trái phép vẫn diễn ra khá nhiều. Hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro rất cao, khó kiểm soát. Do vậy để thực hiện bình đẳng giới cần có giải pháp phát triển kinh tế xã hội, tạo sinh kế ổn định, bền vững cho phụ nữ để họ có thể yên tâm lao động sản xuất, không tự ý ra nước ngoài lao động bất hợp pháp.
Nhân dịp này, tỉnh Cao Bằng kiến nghị Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ bố trí kinh phí hằng năm cho hoạt động của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp; cung cấp các sản phẩm truyền thông, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt các cấp và cán bộ làm công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ; quan tâm và có chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số; hỗ trợ nguồn lực xóa mù chữ cho phụ nữ dân tộc thiểu số…
Ngày 2-8, tại Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, tại tỉnh Cao Bằng, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam lưu ý: Cao Bằng cần tiếp tục quan tâm dạy nghề, giải quyết việc làm, nâng cao bình đẳng giới cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số; tăng cường vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.