Bi kịch của những đứa con phiến quân IS
Mới đây, một cậu bé 4 tuổi người Chechnya đã được mang trở về nước Nga sau khi phải sống với người cha phiến quân của mình, kẻ đã chiến đấu cho phiến quân IS ở Mosul. Chính quyền Nga cùng nhiều nước khác hiện đang tìm cách đưa hàng chục trẻ em từ các trại trẻ mồ côi ở Iraq về nước.
Thành phố Mosusl (Iraq) tan hoang sau khi được giải phóng từ tay IS. (Nguồn: Reuters).
Mẹ của cậu bé Bilal Tagirov chưa được gặp cậu trong suốt 2 năm qua. Vào tháng 10/2015, cậu bé bị chính người cha ruột người gốc Chechnya tên Khasan Tagirov, bắt cóc và sau đó gia nhập hàng ngũ phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đầu tiên là ở Syria, rồi đến Iraq.
"Suốt 2 năm qua, tôi vẫn nuôi hy vọng rằng con trai mình sẽ trở về" - mẹ của bilal, và Zalikha Ashakhanova, 24 tuổi, nói - "Đã có rất nhiều nỗ lực để mang con tôi trở về, và giờ giấc mơ đã thành sự thực".
Sau 2 năm tìm kiếm trong vô vọng, bà Zalikha cuối cùng đã bắt gặp con trai mình trong một đoạn video chiếu cảnh thành phố Mosul (Iraq) sau khi được giải phóng trên Internet.
"Sau khi xem đoạn băng có con tôi, tôi đã bị sốc. Tôi chưa từng trông thấy nó trong 2 năm, nhưng ngay lập tức nhận ra con mình. Nó gần như không thay đổi. Trong đoạn băng còn có cả cha của nó ở đằng sau. Mọi người đều nhận ra anh ta, cả mẹ tôi và họ hàng nhà anh ta" - bà Zalikha nói.
Người phụ nữ nọ ngay lập tức tìm tới sự trợ giúp của Văn phòng công tố. Người đứng đầu nước Cộng hòa Chechnya, Ramzan Kadyrov, đã giúp tổ chức cuộc tìm kiếm và giải cứu cậu bé này. Và đến tuần trước, Bilal cuối cùng đã từ Baghdad (Iraq) trở về nhà ở Grozny.
"Cậu bé đã trải qua những ngày tháng kinh hoàng. Mosul giờ đang trong đống đổ nát. Bilal cùng cha của cậu bé được tìm thấy trong tình trạng cần được hỗ trợ khẩn cấp ở Mosusl" - ông Kadyrov viết trên mạng xã hội Instagram.
Giờ đây, chính quyền Nga đang nỗ lực mang trở về thêm nhiều đứa trẻ từ thành phố Mosul. Theo một quan chức Jordan, ông Samih Beno, hiện có khoảng 48 trẻ em được xác định là công dân Nga, đang sống trong các trại tạm trên khắp Iraq.
Để đưa những đứa trẻ này về nước, chúng cần phải được xác nhận là công dân của Nga, điều không hề dễ dàng bởi thiếu các hồ sơ cần thiết để nhận dạng. Theo ông Beno, những đứa trẻ này sẽ phải trải qua một cuộc xét nghiệm DNA để chứng tỏ có quan hệ huyết thống với những người cha hoặc mẹ chúng đang ở Nga.
Bộ trưởng Lao động và An sinh xã hội Iraq, Mohamed Shiaa Al-Sudani, nói với hãng tin RT của Nga rằng một số đứa trẻ đã tới đất nước này cùng với những chiến binh nước ngoài, số khác được sinh ra ở Iraq. Cơ quan này cũng triển khai một chương trình để chăm sóc những đứa trẻ đến từ các khu vực mới được giải phóng khỏi tay phiến quân IS, hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế khác như UNICEF.
"Chúng tôi đã tiếp nhận một số lượng lớn trẻ em đến từ tỉnh Nineveh. Rất nhiều. Một số trẻ em còn không rõ nguồn gốc, số khác bị cha mẹ bỏ rơi vì nhiều lý do" - ông Abeer Mahde Alchalabi, Giám đốc Ủy ban Chăm sóc Trẻ em Iraq, nói với hãng RT.
Trước khi được phát hiện và chuyển tới các trung tâm chăm sóc, trẻ em thuộc diện này thường có tình trạng sức khỏe hết sức tồi tệ. Chúng chịu các chấn thương về cả tâm lý và sức khỏe do phải ở trong các trại tập trung của IS trong khoảng thời gian dài. Một số bị gãy tay hoặc chân. Trong số này có trẻ em người Iraq, Chechnya, Trung Quốc và cả 1 trẻ em người Pháp.
Bộ Ngoại giao Nga, Bộ Ngoại giao Chechnya, Jordan cùng giới chức Iraq hiện đang tham gia vào quá trình đàm phán để mang những đứa trẻ này về nước. Trước khi đoàn tụ với gia đình, một số trẻ em sẽ phải trải qua quá tình chăm sóc sức khỏe và phục hồi tâm lý tại các cơ sở đặc biệt.
Hồi tháng trước, Mosul đã được giải phóng khỏi phiến quân IS. Các lực lượng vũ trang mà Iraq và Mỹ dẫn đầu đã đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề từ các tổ chức nhân quyền và cộng đồng quốc tế vì chiến dịch kéo dài 8 tháng để tái chiếm thành phố này, bởi nó gây ra nhiều cái chết của thường dân, cùng sự hủy hoại cơ sở hạ tầng.
Tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW) hồi trung tuần tháng 7 vừa qua còn nói rằng việc ép buộc các gia đình của phiến quân IS tới các "trại tái hòa nhập" ở Iraq là một hành động mang tính chất trừng phạt.
HRW cho hay có ít nhất 170 gia đình của phiến quân IS, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã bị bắt ép tới một trại tái hòa nhập khép kín ở Bartalla, cách thành phố Mosul 14 km về phía Đông. Belkis Willie, một nhà nghiên cứu kỳ cựu của HRW khu vực Iraq và Qatar, cho hay bà đã đến thăm khu trại này và thấy tình trạng rất khủng khiếp.
"Gần như không có một hoạt động nhân đạo nào ở đó, hàng trăm gia đình gồm phụ nữ, trẻ em tại đó không rõ liệu họ sẽ bị cầm tù ở đó đến khi nào" - bà Willie nói.