Chưa đủ điều kiện, hãy dừng!

Hương Lê 09/08/2017 10:30

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 bậc Tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo mới tổ chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định: Dừng triển khai VNEN nếu trường học chưa đủ điều kiện. Dù rằng đây là một phương pháp học tập tốt nhưng do chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nên dẫn tới việc triển khai không đạt yêu cầu.

Một lớp học theo mô hình VNEN.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, VNEN thời gian qua tạo ra những luồng dư luận băn khoăn, phản đối là bởi khi áp dụng vào thực tiễn, một số trường đã không dành đủ thời gian để tập huấn giáo viên, giúp họ có sự chuẩn bị tốt cả về chuyên môn và phương pháp, chưa tính toán thấu đáo quy mô trường lớp, sỹ số học sinh cho phù hợp với phương pháp mới. Vì vậy Bộ trưởng yêu cầu các Sở GDĐT phải rà soát lại, nếu trường nào chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thì dừng triển khai VNEN. Không được mở rộng nếu chưa đáp ứng được yêu cầu về giáo viên, cơ sở vật chất theo phương pháp dạy/học mới này.

Vậy VNEN thực chất là gì? Có phải là chương trình đổi mới giáo dục phổ thông? Hay là chương trình giáo dục thực nghiệm thí điểm? Nó có liên quan gì đến chương trình GDPT mới đang được bàn tới những ngày qua?

Thực chất thì đây là mô hình trường học mới được khởi nguồn từ Côlômbia từ những năm 1995-2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy - học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lí lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy - học…

Theo một thống kê mới nhất, hiện 5 triệu trẻ em toàn cầu đang được dạy học theo mô hình này. Đối tượng trẻ em nông thôn, miền núi ghép độ tuổi, trình độ khác nhau, sĩ số lớp ít, không quá 25 học sinh/lớp.

Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education - Viet Nam Escuela Nueva) là một dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Triển khai từ năm học 2012- 2013, được gọi là VNEN áp dụng ở cả thành phố lẫn nông thôn, với 54 tỉnh thành phố, 2.365 trường tiểu học, 1.000 trường THCS... nhưng qua 5 năm thực hiện thí điểm, rõ ràng VNEN đã bộc lộ nhiều bất cập; gặp nhiều ý kiến trái chiều.

Lý do chính được đưa ra là thay vì phát huy khả năng tự học của học sinh thì nhiều nơi diễn ra tình trạng học sinh chỉ ngồi nói chuyện, không học nên không nắm được bài. Chương trình học, theo nhiều giáo viên phản ánh là cắt xén, chắp vá dựa trên SGK hiện hành, không đảm bảo chất lượng. Nhiều trường có số học sinh quá tải nên không đảm bảo điều kiện tối thiểu của mô hình là mỗi lớp không quá 30 học sinh.Còn phía phụ huynh thì phàn nàn giá SGK cùa chương trình VNEN quá cao.

Ở năm học trước, các địa phương đã tuyên bố dừng chương trình giáo dục VNEN gồm: Hà Giang, Hà Tĩnh, Bà Rịa-Vũng Tàu... đã gây ra một cuộc tranh luận quyết liệt. Bộ GDĐT cho hay, số trường đăng ký triển khai mô hình trường học mới VNEN năm học 2017-2018 tăng hơn so với năm 2016. Nhưng ngay trước thềm năm học mới này, có thêm tỉnh Hà Tĩnh quyết định dừng triển khai chương trình VNEN ở cấp THCS, trở lại học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành của Bộ GDĐT, không triển khai thêm các lớp học mới VNEN đối với bậc Tiểu học.

Cũng ở năm học trước đó, khi bàn về chương trình giáo dục VNEN, những hạn chế trong triển khai mô hình được chính Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận là nhiều nơi triển khai hình thức, lấy thành tích mà theo ông là “do nhận thức của cán bộ GV chưa thay đổi, áp lực từ xã hội, từ phụ huynh, khiến nhiều nhà trường phải tìm cách dung hòa giữa mô hình trường học mới và truyền thống”. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, quan điểm chính thức của Bộ GDĐT là đã đổi mới thì chấp nhận có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt. Theo đó, Bộ GDĐT sẽ điều chỉnh để các địa phương khai thác tối đa mặt tốt, phù hợp với điều kiện của mình. Nói dừng lại thì không phải vì sẽ ngược lại với chủ trương đổi mới.

Đến thời điểm này, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GDĐT, hẳn sẽ phải có một cuộc rà soát tổng thể về chương trình giáo dục VNEN. Nhưng, có thể thấy chắc chắn rằng đây sẽ không thể là một chương trình giáo dục áp dụng đại trà.

Hương Lê