Đóng BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản không?

Theo VGP 09/08/2017 15:08

Bà Hoàng Thị Thuấn (tỉnh Thái Nguyên) là cán bộ hợp đồng chờ thi tuyển công chức xã, ký hợp đồng với UBND xã từ tháng 8/2011, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp đến tháng 12/2014. Tháng 1/2015, bà được thông báo hợp đồng của bà không được đóng BHXH bắt buộc.

Bà Thuấn đóng BHXH tự nguyện từ tháng 1/2015 đến nay. Bà Thuấn hỏi, tháng 8/2017 bà sinh con thì có được hưởng chế độ thai sản không? Việc bà không được đóng BHXH bắt buộc được quy định tại văn bản nào?

BHXH tỉnh Thái Nguyên trả lời như sau:

Tại điểm c, mục 3 Công văn 2845/BNV-CCVC ngày 29/7/2014 của Bộ Nội vụ về vướng mắc trong thực hiện BHXH đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có quy định: Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì ở cấp xã không có đối tượng là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động; đối với các trường hợp đã ký hợp đồng lao động với UBND cấp xã trước đây, đề nghị BHXH Việt Nam thực hiện chế độ BHXH cho các đối tượng này như những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP”.

Tại mục 5 Công văn số 4407/BHXH-BT ngày 14/11/2014 của BHXH Việt Nam quy định: Kể từ 1/1/2015, cơ quan BHXH không thu BHXH bắt buộc đối với mọi trường hợp ký hợp đồng lao động với UBND cấp xã. Do đó, trường hợp bà làm việc theo hợp đồng lao động tại UBND cấp xã không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật BHXH số 58/2014, BHXH tự nguyện bao gồm các chế độ sau đây: Hưu trí; tử tuất;

Như vậy, trường hợp của bà Thuấn đang tham gia BHXH tự nguyện sẽ không được chế độ thai sản khi sinh con.

Theo VGP