Những 'chiêu thức' giúp Qatar xoay xở với cấm vận

Linh Chi 10/08/2017 08:30

Quốc gia nhỏ bé Qatar, trong cơn khủng hoảng vì bị hàng loạt nước láng giềng cắt đứt quan hệ ngoại giao và phong tỏa, đang lội ngược dòng một cách hiệu quả để chống lại các lệnh trừng phạt mà họ đã hứng chịu suốt 2 tháng qua.

Qatar đưa ra hàng loạt biện pháp và cải cách để xoay xở với lệnh trừng phạt của các nước láng giêng. (Nguồn: Reuters).

Arab Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Qatar kể từ đầu tháng 6, cáo buộc nước này ủng hộ chủ nghĩa khủng bố. Qatar đã bác bỏ mọi cáo buộc trên và kể từ đó tự đặt mình vào tình thế thoát khỏi sự lệ thuộc vào các nước láng giềng.

Đã 2 tháng trôi qua kể từ khi bị các nước láng giềng cô lập, quốc gia Vùng Vịnh giàu dầu mỏ đã chi hàng tỷ USD để củng cố nền kinh tế và an ninh.

Họ đã tuyên bố hàng loạt cải cách và tăng cường mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran - động thái có khả năng sẽ định hình lại toàn khu vực và các khối đồng minh trong khu vực trong nhiều năm liền.

Các nỗ lực của Mỹ trong việc hòa giải giữa các đồng minh thân cận của họ đã không thành công, thay vào đó cuộc khủng hoảng này ngày càng gây ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao trong khu vực.

"Cuộc khủng hoảng đã tới giai đoạn khiến cả hai bên đều khó có thể nhượng bộ để tìm giải pháp" - Perry Cammack, chuyên gia phân tích Trung Đông thuộc Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment, nhận định - "Điều này sẽ còn kéo dài".

Khối cấn vận, dẫn đầu bởi Arab Saudi và UAE, từ lâu đã có bất đồng với Qatar liên quan tới mối quan hệ của nước này với Iran và sự ủng hộ của chính quyền Doha đối với tổ chức Anh em Hồi giáo (MB), nhóm Hồi giáo bị nhiều chính phủ các nước trong khối cấm vận coi là mối đe dọa đối với họ. Các nước này đã triệu hồi Đại sứ về nước, yêu cầu công dân rời khỏi Qatar, đóng cửa biên giới, không phận, đường biển và đường bộ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng nhập cuộc với một đoạn bình luận trên Twitter ủng hộ quyết định cấm vận Qatar của các nước Vùng Vịnh.

Nhưng giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nước này sau đó lại cố gắng tháo gỡ căng thẳng - do Qatar là nước có tới 10.000 nhân sự trong quân đội Mỹ đang đóng tại căn cứ không quân Udeid, địa điểm chính để Mỹ thực hiện các chiến dịch không kích tiêu diệt phiến quân IS ở Iraq và Syria.

Hồi tháng 6 vừa qua, khối cấm vận đã đưa ra 13 yêu sách cho Qatar để đổi lấy việc ngừng cô lập nước này, trong đó bao gồm cắt đứt quan hệ với Iran, ngừng ủng hộ tổ chức MB, trục xuất một số cá nhân người Hồi giáo và chi tiền bồi thường cho các nước này.

Đặc biệt hơn, khối cấm vận yêu cầu Qatar đóng cửa Al-Jazeera, hãng truyền thông do chính phủ nước này vận hành có tầm bao phủ toàn khu vực và cả thế giới. Arab Saudi cùng các đồng minh lại coi hãng truyền thông này như một công cụ tuyên truyền cho các nhóm cực đoan mà Qatar hậu thuẫn.

Đến nay, đã có nhiều quốc gia chặn website của hãng truyền thông Al-Jazeera và đóng cửa các văn phòng của nó. Cuối tuần qua, Israel đã tuyên bố dự định đóng cửa các văn phòng của hãng này và cấm cả các nhà báo của họ. Giới chức Qatar đã đưa ra lời chỉ trích với hành động trên.

Cải cách sâu rộng

Qatar, một trong những nước xuất khẩu khí tự nhiên lớn nhất thế giới, đã tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế và cố gắng tìm kiếm sự độc lập khỏi các nước láng giềng về nguồn cung ứng lương thực.

Lương thực nhập khẩu từ Arab Saudi và UAE từng tràn ngập trong các siêu thị ở Qatar, giờ bị thay thế bởi các sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Một doanh nhân nước này mới đây còn nhập khẩu 4.000 con bò về Qatar để sản xuất sữa phục vụ người dân.

Hồi tuần trước, Qatar đã ký kết một thỏa thuận trị giá 262 triệu USD để mang một trong những ngôi sao bóng đá sáng giá nhất hành tinh, Neymar, tới CLB Paris Saint-German, CLB được Qatar đầu tư phát triển.

Bản hợp đồng mua cầu thủ có giá trị cao nhất trong lịch sử chuyển nhượng bóng đá này được xem là khoản đầu tư tốt ngay trước World Cup 2020, sự kiện mà Qatar là nước chủ nhà.

Qatar mới đây cũng công khai một dự luật cho phép một số cá nhân người nước ngoài nhận được quyền công dân vĩnh viễn. Lần đầu tiên, người nước ngoài ở Qatar có thể tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe miễn phí, giáo dục miễn phí và có thể sở hữu đất đai hay vận hành một số hoạt động kinh doanh mà không cần có một đối tác Qatar như trước đây, theo hãng thông tấn nhà nước nước này.

Nếu được phê duyệt, các quyền đối với người nước ngoài trên sẽ là điều chưa từng có tiền lệ đối với khu vực Vùng Vịnh: Các nước dựa phần lớn vào lực lượng nhân công nước ngoài nhưng lại hiếm khi trao quyền công dân vĩnh viễn cho họ. Được biết người nước ngoài chiếm tới 90% dân số 2,7 triệu người của Qatar.

Dự luật trên cũng trao quyền công dân vĩnh viễn đối với những trẻ em có mẹ là người Qatar và cha là người nước ngoài. Theo các bộ luật hiện tại ở Qatar và các nước Vùng Vịnh, trẻ em thường nhận quyền công dân theo cha của chúng.

Biện pháp trên được xem như một biện pháp mà Qatar đưa ra nhằm giảm thiểu các lệnh trừng phạt kinh tế bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi đối với lực lượng lao động để họ ở lại nước này, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư và công ty nước ngoài để lựa chọn Qatar làm điểm đến.

"Một trong những lý do mà họ đưa ra biện pháp này là, họ lo sợ rằng sẽ để mất số lượng lớn người dân trong nước, đặc biệt là nhân công nước ngoài, do cuộc khủng hoảng hiện nay" - Anthony Cordesman, chuyên gia phân tích Trung Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.

"Lý do còn lại là họ đang gửi đi một tín hiệu tới phương Tây, và cả những nước khác, rằng Qatar là đất nước hiện đại hơn và luôn sẵn sàng thực hiện các cuộc cải cách" - ông Cordesman nói thêm.

Xây dựng quan hệ ngoại giao với bên ngoài

Thời gian qua, Qatar cũng hết sức tích cực trong việc chống lại tầm ảnh hưởng của các lệnh cấm vận nhằm vào họ, bằng cách đâm đơn khiếu nại lên Hội đồng Bảo an LHQ và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chính quyền Doha đã thúc giục Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) xem xét sự việc để xem liệu Arab Saudi và các nước đồng minh có vi phạm hiệp ước di chuyển hàng không hay không, khi họ cấm các chuyến bay của Qatar đi vào không phận của mình.

Qatar còn đang tăng cường mối quan hệ với các nước phương Tây để hạn chế tổn thất từ việc bị các nước láng giềng cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Tuần trước, nước này tuyên bố thỏa thuận mua 7 chiến hạm của Italy trị giá 6 tỷ USD, và tháng 6 vừa qua đã mua nhiều phi cơ chiến đấu F-15 của Mỹ với giá 12 tỷ USD.

Hồi cuối tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã tổ chức một cuộc tập trận chung, tín hiệu cho thấy hai bên đang củng cố quan hệ đồng minh. Hồi tháng 6 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ cũng "bật đèn xanh" cho một kế hoạch triển khai vài nghìn binh sỹ tới một căn cứ của họ trên lãnh thổ Qatar, nhằm ủng hộ các nỗ lực chống khủng bố.

Trong bối cảnh khủng hoảng tiếp diễn, giới chức Mỹ ngày càng quan ngại rằng bất đồng ngoại giao có thể làm ảnh hưởng tới các nỗ lực chống phiến quân IS ở Iraq và Syria. Tất cả các nước liên quan tới cuộc khủng hoảng ngoại giao này đều tham gia vào liên minh chống IS của Mỹ.

"Khủng hoảng càng kéo dài, thì càng khó được tháo gỡ, ngay cả khi các bên đạt được thỏa thuận nào đó, cũng khó để họ tin tưởng nhau một lần nữa" - ông Cordesmang nhận định.

Linh Chi