Điểm nghẽn việc làm

Lam Hồng - Đại Dương 10/08/2017 08:55

Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước, đây đang được xem là một trong những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển.

Cần đầu tư nâng cao chất lượng cho lao động trong nước.

Gần đây, chuyện đưa 57.000 cử nhân thất nghiệp đi xuất khẩu lao động đang đưa ra một cảnh báo lớn cho lao động của chúng ta.

Có thể đó không phải là một thực trạng chung cho tất cả lao động Việt ở nước ngoài, nhưng đáng để lưu tâm về chất lượng lao động, khi mà Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) đang đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu lao động từ nguồn lao động là các cử nhân đang thất nghiệp.

Bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ LĐTB&XH cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật, tính kỷ luật của người lao động Việt Nam phải cần tiếp tục cải thiện.

Cũng nên nhắc lại, cách đây đúng 2 năm, tháng 7/2015, gần 4.000 lao động Việt Nam làm việc ở lĩnh vực bảo vệ, vệ sĩ tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) bị chấm dứt hợp đồng trước hạn mà nguyên nhân chính được cho là hay tụ tập nhậu nhẹt rồi đánh nhau, gây mất trật tự công cộng.

TS Lê Đăng Minh (Đại học Văn Hiến) cũng đưa ra nhận định, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như tâm lý để sẵn sàng sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt chưa cao.

Ngoài vấn đề ý thức kỷ luật thì kém về ngoại ngữ cũng đang là thực trạng của lao động nước ta. TS Minh cho biết, khả năng sử dụng tiếng Anh của các ứng viên Việt Nam có điểm trung bình là 5.78 (Hệ thống kiểm tra sự thành thạo tiếng Anh quốc tế thang điểm từ 0-9 theo Tổ chức thực hiện thi IELTS) thuộc nhóm trung bình thấp, đứng sau Malaysia (6.64), Philippines (6.53), Indonesia (5.79).

Dù hàng năm, hơn 500.000 lao động xuất khẩu gửi về nước khoảng 1,7 đến 2 tỷ USD, nhưng bên cạnh đó còn là nỗi cấn cá khi trình độ chuyên môn kỹ thuật của họ vẫn còn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn.

Và hiện nay, vấn đề xuất khẩu lao động lại trở nên “nóng” với đề án hơn 1.300 tỷ đồng của Bộ LĐTB&XH để đưa khoảng 57.000 cử nhân thất nghiệp đi lao động ở nước ngoài từ nay tới năm 2025.

Tuy vậy, vẫn có nhiều băn khoăn về chất lượng đội ngũ cử nhân thất nghiệp khi đưa đi xuất khẩu lao động. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng từng bày tỏ lo ngại sẽ không dễ gì đẩy các cử nhân thiếu trình độ này ra nước ngoài vì sau khi phỏng vấn hay trắc nghiệm, liệu họ có được nhận ngay hay phải đào tạo lại?

Ngay như những ý kiến đề xuất xuất khẩu tiến sĩ và thạc sĩ của Việt Nam sang các nước làm việc, GS Hưng cũng cho rằng đó là một tình huống oái ăm.

Trong báo cáo nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế Việt Nam của Ban Kinh tế Trung ương, khi bàn về vốn nhân lực, có cho biết trong số 31 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đứng thứ 6 về vốn nhân lực.

Trong hai lĩnh vực là giáo dục và việc làm, thứ hạng về giáo dục của Việt Nam xếp cao hơn so với việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có kỹ năng trung bình và thấp ở Việt Nam khá cao so với các quốc gia cùng trình độ phát triển kinh tế, chính điều này làm giảm chất lượng vốn nhân lực của Việt Nam.

Trong vấn đề “mất giá” của xuất khẩu lao động Việt, giới chuyên gia khuyến nghị rằng, giải pháp căn bản và lâu dài nhất là phải đầu tư nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực.

Và điểm mấu chốt là lao động Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện khác ngoài kỹ năng chuyên môn đó là: Phải phá vỡ rào cản ngôn ngữ.

Lam Hồng - Đại Dương