Sự thật sau kê khai
Ngày 8/8, sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Uỷ viên Ban Cán sự đảng Bộ Công thương và đề nghị Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Trong số các khuyết điểm của bà Thoa, có việc kê khai tài sản không trung thực. Điều này một lần nữa là lời cảnh báo đối với nhiều người.
Bà Hồ Thị Kim Thoa.
Thực hiện Luật pháp chống tham nhũng, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, và XII, việc kê khai tài sản được triển khai thường xuyên, rộng rãi.
Trong năm 2015, số người phải kê khai tài sản thu nhập là trên 1 triệu người nhưng chỉ có 5 người bị kết luận là không trung thực.
Còn năm 2016, trong số 1 triệu bản kê khai, các cơ quan chức năng tiến hành xác minh 414 người nhưng lại chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Một con số trái ngược với nhận định và thực tế là tình hình tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng. Con số xác minh không phản ánh đúng thực tế khiến dư luận thêm hoài nghi trước việc cán bộ “giàu thần tốc”. Nhưng, thật cũng khó có thể có kết luận khác khi mà kê khai tài sản đang còn là hình thức.
“Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công thương vào năm 2010, đồng chí Hồ Thị Kim Thoa đã có 18 năm công tác tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Từ năm 2000 đến 2005 là Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty và từ 2005 đến 2010 là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của Công ty. Số cổ phần của Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang mà đồng chí Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu là số cổ phần có được từ trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công thương. Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm Thứ trưởng vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng. Trong quá trình công tác tại Bộ của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Bộ Công thương đã chỉ đạo đồng chí Hồ Thị Kim Thoa thực hiện đúng quy định về quản lý cán bộ và kê khai tài sản. Trong các bản kê khai tài sản hàng năm, Thứ trưởng Thoa đều kê khai số lượng cổ phiếu đang nắm giữ tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang”- đó là thông tin gửi tới báo chí của Bộ Công thương sau những phản ánh về tài sản “khủng” gia đình bà Thoa sở hữu. Một sự khẳng định của cơ quan quản lý cán bộ cho một bản kê khai đúng và đầy đủ? Một khẳng định cho việc “hàng năm đều tiến hành kiểm tra kê khai tài sản, thu nhập của các lãnh đạo Bộ, tập đoàn đơn vị và không có dấu hiệu gì bất thường”.
Thế nhưng sự việc đã “lộ sáng” sau khi Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan vào cuộc kiểm tra và làm rõ.
Trong kết luận mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cho ý kiến và kết luận những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa là “nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật”.
Ủy ban Kiểm tra cũng chỉ rõ, “trong thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm”.
Vụ việc bà Thoa chỉ là một ví dụ điển hình trong nhiều trường hợp không ít cán bộ bị đặt dấu hỏi về tài sản bên cạnh những câu hỏi: Việc thực hiện kê khai tài sản cán bộ, quan chức đã được tiến hành như thế nào? Ai giám sát? Đối với hơn 1 triệu bản kê khai nhưng quá ít phát hiện kê khai vi phạm.
Pháp luật đã có những quy định về kê khai, công khai tài sản nhưng trên thực tế thực hiện lại chưa đúng quy định. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012, trong đó nêu rõ: “Việc kê khai tài sản được thực hiện hằng năm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai tài sản làm việc và được hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12.
Người có nghĩa vụ kê khai phải ghi rõ những thay đổi về tài sản so với lần kê khai trước đó. Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc”.
Hay như tại Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó nêu rõ: “Mục đích của việc làm này là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.
Người có nghĩa vụ kê khai tự kê khai các thông tin theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai”.
Nhưng thực tế đã có bao nhiêu bản kê khai được công khai trong khi kiểm tra là “đầu vào” để xác định tài sản đó là minh bạch hay không?
Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; được coi là biện pháp để kiểm soát hành vi, tính liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình làm việc.
Đã đến lúc cần xử lý nghiêm việc kê khai tàn sản không trung thực khi mà “bài học đạo đức”, “giáo dục công dân” không phát huy tác dụng.
Nghiêm khắc để cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc thực sự, tránh bệnh hình thức trong kê khai tài sản. Như vậy, việc ngăn chặn, xử lý hành vi tham ô, tham nhũng mới có hiệu lực thực sự.
Vụ việc bà Hồ Thị Kim Thoa chỉ là một ví dụ điển hình trong nhiều trường hợp không ít cán bộ bị đặt dấu hỏi về tài sản bên cạnh những câu hỏi: Việc thực hiện kê khai tài sản cán bộ, quan chức đã được tiến hành như thế nào? Ai giám sát? Đối với hơn 1 triệu bản kê khai nhưng quá ít phát hiện kê khai vi phạm. Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó nêu rõ: “Mục đích của việc làm này là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng. Người có nghĩa vụ kê khai tự kê khai các thông tin theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai”. Nhưng thực tế đã có bao nhiêu bản kê khai được công khai trong khi kiểm tra là “đầu vào” để xác định tài sản đó là minh bạch hay không? |