Ngành sư phạm cần chính sách mới
Trái ngược với thực trạng điểm chuẩn cao ngất ngưởng của các trường khối công an, quân đội, y-dược, năm nay các trường sư phạm - cái nôi đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai cho ngành giáo dục lại có điểm chuẩn không thể thấp hơn.
Đào tạo giáo viên phải đi trước một bước (Ảnh minh họa).
Đơn cử, trừ 2 Trường ĐHSP Hà Nội và TP HCM có điểm đầu vào năm 2017 ở mức ổn định so với các năm trước, trên 20 điểm, còn đa phần các trường khác đều có điểm chuẩn rất thấp so với mặt bằng chung.
Trường ĐHSP Huế, nhiều mã ngành của trường lấy bằng điểm sàn quy đổi, chỉ ở mức 15,5 điểm. ĐH Hồng Đức (Thanh Hoá) 10/10 ngành SP hệ đại học lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5 điểm. Đáng lưu ý, tại đa số trường cao đẳng sư phạm địa phương, thí sinh chỉ cần đạt 9-10 điểm thi THPT quốc gia là đã có thể đỗ...
Đã thành nghịch lý nhiều năm nay, dù điểm đầu vào thấp, nhưng nhiều trường sư phạm vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Tỉ lệ chọi thấp, thậm chí không đủ chỉ tiêu dẫn đến hệ lụy hiển nhiên là khó có nhiều sinh viên, thầy cô giáo giỏi được đào tạo nghề và bước vào nghề. Lý do của thực trạng này là do nhiều năm qua, hàng vạn sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc làm.
Theo TS Giáp Văn Dương, chất lượng giáo viên hiện nay đang ở mức báo động. Lẽ ra giáo viên phải là những người giỏi nhất, tự hào về bản thân và nghề nghiệp của mình, thì ở ta rất nhiều giáo viên lại đang bị đánh giá là những người thất bại.
Do đó, ông đề xuất, các trường sư phạm nên “phanh” lại một vài năm, không đánh đổi chất lượng với số lượng, không tuyển người có năng lực học tập quá yếu vào trường.
Theo một thống kê năm 2016, nếu cứ tiếp tục tuyển dụng sinh viên SP như hiện nay thì đến năm 2020 sẽ có 70.000 sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp.
Năm 2014, cả nước thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT. Những con số nói trên đã thấy rõ số lượng rất lớn giáo viên thừa và nhu cầu tuyển dụng hầu như là con số không. Một câu hỏi đặt ra là: Có nên đào tạo ngành SP với quy mô và số lượng như hiện tại nữa hay là không?
Vì thế, ý kiến cho rằng ngành SP cũng có thể đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên, đào tạo chuyển đổi giáo viên THCS và THPT thừa sang giáo viên mầm non đang thiếu theo kế hoạch điều chuyển giáo viên thừa - thiếu ở từng địa phương… cũng không phải là vô lý.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho rằng, thí sinh có quyền tự do lựa chọn. Không phải là để mức điểm cao thì người có điểm cao sẽ lựa chọn vào học, mà phải có chính sách để thu hút. Nếu không có chính sách thu hút, ngành SP không hấp dẫn.
Theo bà Phụng, chúng ta đã từng có chính sách miễn học phí để thu hút học sinh giỏi. Nhưng hiện nay, học phí không còn là khó khăn của đa số học sinh nữa.
Chính sách miễn học phí không phát huy được tác dụng trong thời gian này. Bên cạnh đó, ngành SP có chính sách ưu đãi nghề, ưu đãi thâm niên…, nhưng có lẽ không đủ mạnh để cạnh tranh với các ngành khác.
Còn GS TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: Phải có chính sách để đào tạo giáo viên xong không để họ thất nghiệp, bố trí việc làm ngay thì mới tạo ra được lòng tin cho giới trẻ.
Mặt khác, theo ông Dong, trường sư phạm phải đi đầu trong các công nghệ, cần đổi mới quyết liệt về chương trình, chính sách và phải có đầu tư thích đáng. Nếu để như hiện nay thì ngành SP khó có thể “ngóc” lên được.