Cần giữ đạo đức, nhân cách ứng xử người làm báo trên mạng xã hội
Lợi dụng mạng xã hội để bày tỏ những quan điểm chủ quan về chủ trương chính sách, tham gia tranh cãi ồn ào về một vấn đề nóng đang diễn ra để thu hút sự chú ý từ cộng đồng, hay công kích, suy diễn thiếu chính xác về cá nhân lãnh đạo, đồng nghiệp đang là hành vi của một số không ít người làm báo. Chính vì vậy ra chính sách riêng về việc các phóng viên bày tỏ quan điểm, phát ngôn trên mạng xã hội là việc làm cần thiết của các cơ quan báo chí.
Cho rằng trang mạng xã hội là nơi bày tỏ những quan điểm cá nhân, nhiều nhà báo đang đi quá ngưỡng. Từ việc suy diễn, áp đặt, công kích các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, bình luận thiếu thiện chí về cá nhân lãnh đạo cấp cao của đất nước đến việc cụ thể nơi đang công tác cũng không ngần ngại chỉ trích, bôi nhọ đồng nghiệp.
Tận dụng tư cách là một nhà báo đang công tác tại một tòa soạn xác định, để rõ ràng tên tuổi, nhiều nhà báo với những thông tin chưa kiểm chứng, phát ngôn thiếu chính xác, vô căn cứ, thái độ tiêu cực, lời lẽ mạt sát đã không chỉ làm tổn hại đến uy tín bản thân, đồng nghiệp, lãnh đạo cũng như tòa soạn đang công tác mà những phát ngôn ấy hoàn toàn có thể là bằng chứng cho việc vi phạm pháp luật.
"Như tôi đã nói, nghề báo là nghề đặc thù. Dù sử dụng mạng xã hội dưới danh nghĩa cá nhân nhưng khi phát ngôn trên mạng xã hội, cộng đồng sẽ hiểu đấy là quan điểm của nhà báo, và ít nhiều là quan điểm của cơ quan báo chí nơi nhà báo đó đang làm việc, độ tin cậy của thông tin sẽ cao hơn.
Chính vì vậy, những phát ngôn của nhà báo trên mạng xã hội rất dễ vi phạm tính chính trực và nguyên tắc quan trọng của nghề báo là khách quan, trung thực". Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông, ông Trương Minh Tuấn đã bày tỏ về vấn đề nhà báo sử dụng mạng xã hôi ra sao bên lề Hội nghị Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá 10 tại TP HCM.
Khi các nhà báo tham gia mạng xã hội, rõ ràng họ không còn là một công dân bình thường khi luôn có trong tay đa dạng các nguồn thông tin để khai thác. Đồng thời, thông tin mà nhà báo đưa ra dù thế nào vẫn tạo được yếu tố tin cậy từ người theo dõi. Vì vậy, cần rõ ràng, thống nhất giữa quan điểm chủ quan của nhà báo trên mạng xã hội với tờ báo họ đang làm việc khi đăng tải cùng một vấn đề, về tư cách cá nhân nhà báo trên mạng xã hội với tư cách nhà báo đang tác nghiệp trong một tòa soạn.
Bên cạnh đó, những bất mãn nảy sinh khi va chạm với đồng nghiệp, quan điểm của tòa soạn hoặc không đồng ý với sự thống nhất của chỉ đạo từ cấp trên, không tìm cách giải quyết những mâu thuẫn đang tồn tại, một số nhà báo chọn cách mang ra “lu loa” chốn công cộng như mạng xã hội, kéo theo phía dưới nhiều bình luận ác ý, vô văn hóa. Điều này làm tổn hại uy tín danh dự người bị nêu tên, đi ngược lại lợi ích tòa soạn, vi phạm nghiêm trọng quy chế tòa soạn, đạo đức người làm báo, và như nhà báo Trương Anh Ngọc nói, đó là biểu hiện “không ổn về nhân cách”.
Do không có nội quy rõ ràng như chế tài xử phạt nghiêm minh dành riêng cho việc nhà báo/ phóng viên phát ngôn trên mạng, nhiều cơ quan báo chí đã khó có thể xử lý những vi phạm này, vì thế số nhà báo này vẫn tiếp tục làm việc tại cơ quan mà họ không ngừng “bêu xấu”, điều này tạo ra những bức xúc, ảnh hưởng tiêu cực đến các đồng nghiệp khác và sự rạn nứt khối đại đoàn kết chung của tòa soạn.
“…Tình trạng lạm dụng mạng xã hội để phát ngôn tự do thoải mái của một số nhà báo hiện nay đang đến mức báo động. (…) Chúng ta không cấm sử dụng mạng xã hội nhưng cần phải có chính sách, quy tắc ứng xử chung vì một xã hội thông tin lành mạnh” Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn nói.
Chính từ những báo động về nhân cách người làm báo trên mạng xã hội, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố 10 quy định đạo đức, nguyên tắc nghề nghiệp người làm báo có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, trong đó điều 2 ghi rõ: Người làm báo “Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác” và điều 5: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.