Nhà báo Trương Anh Ngọc: Tôn trọng người khác là tôn trọng mình

Việt Quỳnh (thực hiện) 11/08/2017 08:05

Là một bình luận viên uy tín về bóng đá, là tác giả của những cuốn sách du khảo bán chạy, đồng thời cũng là một “hot facebooker” đạt 100.000 người theo dõi, với mỗi bài viết thường có hàng ngàn lượt người ưa thích, nhà báo Trương Anh Ngọc (hiện đang công tác tại báo Thể Thao & Văn Hóa - TTX Việt Nam) chia sẻ trong Chuyên đề THV về nhà báo nên sử dụng mạng xã hội ra sao.

Nhà báo Trương Anh Ngọc. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

PV: Trong quá trình tham gia mạng xã hội, anh thấy mạng xã hội mang lại điều tích cực và tiêu cực ra sao đến công việc và cuộc sống của anh?

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Tôi tham gia các mạng xã hội muộn, và chỉ tham gia khi nhận thấy nó có thể giúp mình rất nhiều trong việc tìm kiếm thông tin, kết nối với các mối quan hệ mới cùng hoặc khác sở thích, quan điểm, thăm dò các xu hướng và quan điểm về nhiều vấn đề... Tóm lại, tôi nhận thấy các mạng xã hội có thể cho tôi một góc nhìn về con người, cách sống, quan điểm về một giai đoạn nào đó của cuộc đời mà tôi đang sống. Đương nhiên, mạng xã hội lấy đi của tôi không ít thời gian và thậm chí có lúc ảnh hưởng đến cả tâm tính của mình, nhưng là một người làm báo, từng học về truyền thông ở nước ngoài và rất biết cách lấy được cân bằng về tâm lí, tôi cũng làm chủ được mọi chuyện và khai thác tốt nhất những gì mạng xã hội đem lại.

Là một nhà báo tham gia mạng xã hội, ngoài việc là một bình luận viên bóng đá được công chúng ưa thích, một tác giả được bạn đọc quý mến, nhưng rõ ràng vẫn không phải là đủ để các “status” của anh luôn ở mức “ngàn like”?

- (cười) Tôi không đếm like bao giờ, mà chỉ quan tâm đến việc thực ra thì những gì mình viết ra trên mạng xã hội được quan tâm ở mức nào. Số lượng like hay chia sẻ nhiều thực ra không phản ánh hết những gì mà tôi muốn gửi gắm trong đó, bởi có nhiều điều tôi viết ít ai hiểu được, bởi cũng có nhiều điều tôi đề cập đến không theo số đông, không theo "trend". Tôi thích tạo ra những chủ đề mà mình là người nắm thế chủ động dẫn dắt độc giả, thích đưa ra những góc nhìn mới mẻ về một vấn đề không mới, và điều đặc biệt quan trọng là hoặc cảnh báo độc giả về một vấn đề gì đó hoặc nói về những câu chuyện mang tính tích cực của cuộc sống.

Tôi rất không thích kiểu lên trên mạng xã hội kêu than về một điều gì đó mang tính cá nhân, không thích tạo ra các bi kịch, làm các chiêu trò này nọ để kiếm view theo kiểu tạo ra một câu chuyện rẻ tiền nào đó, lại càng tránh những sự dung tục và tự nhiên chủ nghĩa. Tôi cũng không ngại các cuộc tranh luận, nhưng cuộc tranh luận thường kết thúc ngay nếu tôi cảm thấy không được tôn trọng, khi người tranh luận dùng các lời lẽ thô tục hoặc khiêu khích. Viết trên mạng xã hôi thế nào thể hiện con người của mình, trình độ văn hóa và học vấn của mình. Thành ra, tôi thường cân nhắc câu chữ và hình ảnh rất kĩ mỗi khi nói hoặc viết điều gì đó trên mạng xã hội.

Xu hướng đưa ra những điều tích cực, những hành động tốt, những người tốt và tử tế là điều tôi đã theo đuổi từ rất lâu, để rồi luôn đưa ra các câu chuyện liên quan đến điều này, và rất mong muốn có sự lan tỏa trong cộng đồng. Thường thì người ta thích chia sẻ những điều tiêu cực, những chuyện hóng hớt, những điều li kì mà đôi khi không kiểm chứng, không quan tâm đến mức độ ảnh hưởng tiêu cực của nó đến người khác. Tôi không theo xu hướng ấy, mà muốn sử dụng mạng xã hội vì các mục tiêu tích cực hơn, hướng đến cộng đồng.

Tôi muốn mọi người nhìn thấy những điều tích cực của cuộc sống, và nếu nhìn vào các điều tiêu cực, thì là để không quên chúng, và có ý thức để thay đổi.

Mạng xã hội rõ ràng có ích đối với nghề báo nhưng tình trạng lạm dụng mạng xã hội để phát ngôn tự do thoải mái của một số nhà báo hiện nay anh thấy ra sao?

- Mạng xã hội dễ tạo ra một ảo tưởng về sức mạnh, ở đây là về ngôn từ, và điều này trên thực tế ảnh hưởng đến không chỉ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội mà còn cả những người dùng rất bình thường. Họ không ý thức được tác động xấu của những phát ngôn mang tính tiêu cực hoặc quá thoải mái, hoặc đơn giản họ nghĩ rằng, mạng xã hội giống như một quán nước vỉa hè, nói gì cũng được và không quan tâm đến những người khác nghĩ gì. Họ quên cả những phép tắc cơ bản của việc phát ngôn, như cần phải lịch sự, thậm chí là viết đúng chính tả nữa. Tôi nghĩ, chuyện này xảy ra là do họ không ý thức được ảnh hưởng tiêu cực từ những điều họ đã làm trên mạng xã hội.

Người làm báo thực ra có thể coi mạng xã hội mà họ sử dụng là một diễn đàn công khai, nơi họ thể hiện các quan điểm của họ về cuộc sống hay công việc, tùy theo góc độ nhận thức của mình. Nhưng một khi đã nói trên mạng xã hội thì vẫn cần giữ thái độ đúng mực, lịch sự và tôn trọng người khác. Tôn trọng người khác chính là tôn trọng mình. Việc tôn trọng ấy phải được thể hiện cả ở ngoài đời lẫn trong môi trường xã hội mạng, mà mạng xã hội thực ra không hề ảo như ta nghĩ, bởi các quan hệ trong thế giới đó đều là giữa người thực với người thực. Người làm báo khi “hoạt động” trên mạng xã hội không nên quên rằng, họ cũng không hẳn là một cá nhân đơn lẻ ngồi trước bàn phím, mà có trách nhiệm xã hội rất rõ ràng.

Hiện tại, rất nhiều nhà báo đã không còn ranh giới giữa việc bảo mật thông tin nội bộ, họ sẵn sàng sử dụng facebook để công kích đồng nghiệp hay công khai các vấn đề nội bộ tòa soạn làm bản thân họ bức xúc. Là một người ở cương vị quản lý, anh nghĩ sao về điều này?

- Thực ra, ta không thể đòi hỏi một người làm báo lúc nào cũng phải chỉn chu, phải đàng hoàng trong cuộc sống bên ngoài cũng như trên mạng xã hội, nhưng việc để lộ các thông tin nội bộ hoặc sử dụng mạng xã hội để công kích đồng nghiệp, chỉ trích “sếp” thực ra không hay ho gì, bởi không phải chuyện nào cũng có thể đem lên mạng xã hội để nói và bàn luận. Các chuyện ấy được đưa lên mạng xã hội cho thấy sự thất bại của đối thoại thẳng thắn và trực tiếp giữa người đó và người bị công kích, cho thấy mạng xã hội được dùng như một công cụ để gây áp lực, gây sức ép người khác, một cách làm mà theo tôi là không ổn về nhân cách.

Theo anh, làm sao để xử lý những cá nhân đưa các thông tin nội bộ tòa soạn công khai trên mạng xã hội hay làm lộ bí mật đề tài bản thân đang tác nghiệp làm ảnh hưởng đến uy tín chính tòa soạn mình đang làm việc?

- Về vấn đề này thì các cơ quan nói chung và các tòa soạn báo nói riêng cần có các quy chế liên quan đến việc phát ngôn của nhân viên của mình. Cụ thể là các quy định giới hạn các điều có thể được nói, viết trên mạng xã hội. Quy định này có thể là ngầm quy ước hoặc bằng văn bản.

Xin cảm ơn anh!

Việt Quỳnh (thực hiện)