Xa vời nội địa hóa
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ nước nhà đang phát triển khá ì ạch so với nhu cầu nội địa hóa của ngành ô tô Việt, khiến cho mục tiêu nội địa hóa ngành ô tô đang ngày càng trở nên xa vời.
Nội địa hóa ngành ô tô chưa đạt như mong muốn.
Cơ hội có tuột khỏi tay?
Thời điểm này chính là lúc các DN Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, kỹ thuật khả năng quản trị kinh doanh… để có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của các công ty. Từ đó tiến tới ước mơ vươn tới tập đoàn toàn cầu, xuất khẩu sản phẩm, linh kiện ra thế giới và Nhật Bản.
Vấn đề này đã được đưa ra tại Hội thảo “Trang bị tâm thế - nâng cao năng lực kỹ thuật trong lĩnh vực ô tô” do Hiệp Hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Hiệp Hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA), phối hợp với Công ty CP NC Network Việt Nam (NCNV) tổ chức sáng 10/8.
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam rất lớn. Với mức thu nhập của người dân ngày càng cao, nhu cầu sử dụng ô tô của người tiêu dùng ngày một lớn, đây thực sự là những điều kiện để các DN ngành ô tô trong nước đẩy nhanh tốc độ nội địa hóa, sớm mang đến cho người Việt giấc mơ sử dụng ô tô “made in Việt Nam” thành hiện thực.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành công nghiệp hỗ trợ nước nhà đang phát triển khá ì ạch so với nhu cầu nội địa hóa của ngành ô tô Việt, khiến cho mục tiêu nội địa hóa ngành ô tô đang ngày càng trở nên xa vời. Nhiều ý kiến cho rằng, không còn sớm, đây là thời điểm ngành ô tô trong nước cần đẩy mạnh mục tiêu bằng cách nâng cao, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Để thực hiện được yêu cầu đó, điều quan trọng là các DN ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước cần phải nâng cao năng lực sản xuất khả năng quản trị.
Theo ông Otsuka Tetsuhisa, Giám đốc Công ty Cổ phần NC Network Việt Nam, thời điểm hiện nay chính là lúc doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản có thể hợp tác rất bền vững hơn vì đã tiến gần lại những điểm chung cơ bản. Với sự hỗ trợ của các DN Nhật Bản, chắc chắn rất sớm, các DN ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ vươn tới khả năng sản xuất các sản phẩm, linh kiện chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu ngày càng cao của ngành ô tô nước nhà.
Cần nâng cao văn hóa công nghiệp
Ở khía cạnh, vai trò của một nhà quản trị, TS. Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, Viện Quản trị tinh gọn GKM, năng suất lao động của người Việt Nam hiện chỉ bằng 1/10 người Nhật, 1/15 người Singgapore nên chúng ta còn rất nhiều tiềm năng, dữ liệu để nâng cao năng suất lao động. Và một trong những yếu tố tăng năng suất chính là tâm thế. Bởi, tâm thế liên quan nhiều đến ý thức của con người, đó chính là văn hóa DN, hay nói cách khác tâm thế là sức mạnh của DN và mỗi cán bộ nhân viên của một công ty phải xây dựng cũng chính là có ích cho bản thân, rồi đến công ty, cao hơn là có đóng góp trách nhiệm với xã hội.
“Với các DN của Nhật Bản, các DN Việt cần phải học hỏi nhiều, nhất là bổ sung thêm những phương thức quản trị mới, từ những chi tiết rất nhỏ. DN Việt cũng cần phải lưu ý khi làm việc là cho chính bản thân mình, chẳng hạn nhặt rác ở dưới đất là sạch cho mình, cho công ty và tạo ý thức không vứt rác bừa bãi nữa… Những chi tiết nhỏ đó cũng cần phải thay đổi và học hỏi ở người Nhật” – vị chuyên gia lưu ý.
TS. Nguyễn Đăng Minh cũng cho rằng, quản trị tinh gọn xuất phát từ Nhật Bản (Công ty Toyota) lấy DN làm trung tâm để Chính phủ nghiên cứu hỗ trợ. Công tác quản trị cực kì quan trọng đối với việc ra đời của một sản phẩm tốt. Tại Việt Nam, quản trị cần được “Việt Nam hóa” từ các mô hình của Nhật Bản, Mỹ, Đức… để từ đó xây dựng văn hóa quản trị DN mạnh hơn, chuẩn quốc tế hơn.
“Đối với khả năng quản trị, cùng với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các DN quốc tế, bản thân mỗi DN trong nước cũng cần phải tự nỗ lực vươn lên. Trong khi đó, phía các DN Nhật Bản cũng cần hạ thấp tiêu chuẩn xuống để các DN có thể gặp được nhau trong các mối quan hệ hợp tác.” – TS Minh nhấn mạnh.