Lấn cấn với quy định kê khai giá sữa
Ngày 10/8, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị phổ biến Thông tư 08 của Bộ Công thương về việc đăng ký, kê khai giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Tại Hội nghị nhiều ý kiến quan ngại về thời gian thực hiện việc kê khai ngắn, cách thức thực hiện chưa hợp lý.
Từ 10/8 thực hiện kê khai giá sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, Thông tư 08 đảm bảo hài hoà quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, từ đó đưa ra định giá phù hợp cho các sản phẩm. Doanh nghiệp phải thực hiện kê khai giá. Theo Bộ Công thương, thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa đăng ký giá bán lẻ khuyến nghị và có trách nhiệm thông báo kịp thời mức bán lẻ khuyến nghị đã đăng ký đối với hệ thống thương nhân phân phối sản phẩm của mình. Mức bán lẻ của các thương nhân phải được niêm yết, không vượt quá mức giá bán lẻ đã đăng ký.
Đánh giá cao quy định đăng ký và kê khai giá sữa, thực phẩm chứng năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, ông Khuất Quang Hưng, Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng (NFG) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, Thông tư 08 đề ra một hướng quản lý mới, tập trung vào quản lý hệ thống phân phối và giá bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng sẽ giúp đạt được mục tiêu quản lý của Nhà nước.
“Quy định về kê khai giá đảm bảo được sự minh bạch của thị trường và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp và các nguyên tắc cơ bản khác của nền kinh tế thị trường. ” - ông Khuất Quang Hưng nhận định. Tuy nhiên một số doanh nghiệp nhận định, Thông tư 08 vẫn còn nhiều điểm chưa thông suốt.
Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế quan ngại: “Chỉ có 5 ngày thực hiện kê khai giá kể từ ngày tiếp nhận biểu mẫu là khoảng thời gian quá ngắn, nên thực hiện dài ngày hơn. Chắc chắn sẽ có một lượng lớn hồ sơ đăng ký kê khai giá “đổ về” cơ quan quản lý. Trường hợp cơ quan quản lý xử lý không kịp thì hồ sơ sẽ “bị trôi”.
Bởi vì, do ngoài sản phẩm sữa còn có thực phẩm chức năng, rồi có nhiều sản phẩm sữa nhưng không phải là sữa khi đó thương nhân muốn bán giá nào thì bán”. Ngoài băn khoăn về thời gian tiếp nhận biểu mẫu kê khai giá sữa, cơ quan quản lý ở các địa phương lo ngại về quy định xét duyệt chấp nhận giá doanh nghiệp kê khai. Ngành công thương các tỉnh cho rằng, Thông tư 08 chưa thật sự cụ thể để làm căn cứ thực hiện. Sở Công thương tỉnh Bình Phước đề xuất, cần có giá cơ sở để xem xét vì thương nhân sản xuất, nhập khẩu sữa có thể thực hiện đăng ký các mức giá bán lẻ khuyến nghị phù hợp với từng khu vực địa lý nhất định.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương lý giải, quy định kê khai giá bán lẻ khuyến nghị là mức giá mà người tiêu dùng được tiếp cận nhằm bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời giúp cơ quan nhà nước quản lý tốt hơn đối với giá những mặt hàng nhạy cảm này. Đặc biệt, đối với các loại hình phân phối có chi phí bán hàng cao, thương nhân bán lẻ có thể kê khai giá của mình với cơ quan chức năng theo phân cấp nhưng phải giải trình đầy đủ.
Bộ Công thương cho biết thêm, ngoài quản lý giá bán của hàng hóa, sẽ yêu cầu doanh nghiệp khai báo về hệ thống phân phối sản phẩm để giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc thực hiện giá bán trên thị trường. Từ đó gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với chất lượng và giá hàng hóa của mình đến người tiêu dùng cuối cùng. Trong phạm vi điều chỉnh giá bán với biên độ (dưới 05%), doanh nghiệp vẫn được giữ quyền chủ động về việc thay đổi giá nhưng có sự giám sát thông qua việc doanh nghiệp gửi thông báo điều chỉnh giá cho cơ quan nhà nước.
Bộ Công thương hy vọng, thời gian tới giá các sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được thực hiện theo đúng quy định nhằm đảm bảo lợi ích giữa doanh nghiệp – người tiêu dùng.
Liên quan đến việc thực hiện kê khai giá các sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, ông Phạm Đình Thưởng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công thương cho rằng, trước đây áp dụng biện pháp hành chính định giá đối với mặt hàng sữa, từ 10/8, chuyển biện pháp hành chính định giá sang biện pháp kê khai giá (thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước không cần phản hồi). Doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc thì được áp dụng, còn không có thể lại quay lại hình thức định giá.