Không nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải: Trách nhiệm thẩm định đến đâu?

Hoài Vũ (thực hiện) 11/08/2017 09:05

Ngày 9/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bình Thuận, cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan đã có văn bản thỏa thuận, thống nhất không nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên vấn đề được đặt ra là trách nhiệm của các cơ quan có liên quan như thế nào trong việc thẩm định, cấp phép? Bởi vụ việc chỉ dừng sau khi có ý kiến của dư luận.

PGS.TS Bùi Thị An.

PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội đã trao đổi với PV ĐĐK về vấn đề này.

PV:Thưa bà, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bình Thuận, cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan đã có văn bản thỏa thuận, thống nhất không nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận. Tuy nhiên, bà nghĩ sao khi vụ việc chỉ dừng khi có ý kiến của dư luận trong thời gian dài?

PGS.TS Bùi Thị An: - Đầu tiên phải nói quyết định được đưa ra là đáng khen ngợi. Hoan nghênh Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lắng nghe một cách cầu thị có phân tích và cuối cùng quyết định không nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát nạo vét xuống biển. Đó là quyết định hợp lòng dân và hoàn cảnh thực tiễn. Còn về quy trình thẩm định đã được xây dựng từ lâu. Tất cả các vấn đề trước khi quyết định cấp phép đều phải thông qua Hội đồng Thẩm định.

Về chính thức, Hội đồng Thẩm định phải chịu trách nhiệm với Nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể ở đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường về quyết định của mình. Dù Hội đồng chỉ là tư vấn trong một giai đoạn nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm. Cho nên từ giờ trở đi chúng ta cần thận trọng trong thành lập Hội đồng Thẩm định. Bởi tất cả đều do con người, cách con người lựa chọn thế nào? Để Hội đồng Thẩm định thực sự tiêu biểu, là những nhà khoa học giỏi chuyên môn và kinh qua thực tiễn, nhưng phải rất công tâm.

Bà nghĩ sao khi một quy trình thẩm định, cấp phép với các khâu chặt chẽ nhưng bất cập vẫn xảy ra?

- Trong 100 công việc thì bao giờ cũng có sơ suất, đó là điều đương nhiên. Nhưng để tránh sự sơ suất xảy ra, trong quy trình thấy những khâu nào quan trọng nhất, đặc biệt là khâu thẩm định thì phải làm cẩn trọng. Ví dụ như hồ sơ thẩm định là quyết định quan trọng trong vấn đề có cho phép hay không cho phép? Đó là khâu quyết định cho nên phải thành lập Hội đồng Thẩm định theo đúng tiêu chí được đặt ra, và lựa chọn những nhà khoa học thực sự tiêu biểu có chuyên môn sâu. Nhưng cơ quan quản lý cũng phải theo dõi giám sát Hội đồng.

Theo tôi trách nhiệm chính là việc lựa chọn Hội đồng Thẩm định. Đó là khâu chính chứ không phải khâu đã quyết rồi, từ lựa chọn thành lập Hội đồng thế nào? Lựa chọn ai? Thậm chí trong quá trình thẩm định ý kiến của cơ quan quản lý cũng phải trao đổi trực tiếp. Chúng ta tôn trọng tính độc lập của Hội đồng nhưng nếu thấy chưa tin tưởng hoàn toàn thì phải tranh luận để đi đến kết luận một cách chuẩn xác.

Chúng ta hay nói đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quyết định cấp phép? Vậy phải chăng trong vụ việc trên có sự thiếu sâu sát?

- Trong Hội đồng Thẩm định chắc chắn phải có người của cơ quan quản lý nhà nước. Bây giờ phải lưu ý đặc biệt trong quá trình thành lập Hội đồng Thẩm định.

Từ vụ việc này bà có kiến nghị gì để rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc thành lập các Hội đồng Thẩm định liên quan đến những vấn đề lớn của đất nước?

- Kết luận của Hội đồng Thẩm định có tác dụng rất quan trọng. Cho nên, một lần nữa, tôi đề nghị lưu tâm khi thành lập Hội đồng Thẩm định, chọn ai phải có trình độ chuyên môn nhưng cũng phải khách quan, có tâm, có tầm để quyết định đúng, chuẩn cho đất nước phát triển bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Cách chức giám đốc dự án “Nhận chìm 1 triệu m3 vật chất”

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, chiều ngày 10/8, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp Bộ Công thương đã ban hành quyết định về việc kỷ luật viên chức quản lý đối với ông Hà Quốc Quân. Theo đó, ông Hà Quốc Quân bị kỷ luật bằng hình thức cách chức vì đã có hành vi vi phạm pháp luật là thành lập doanh nghiệp tư nhân; tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp tư nhân; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, không đầy đủ; các hành vi nêu trên đã vi phạm các quy định về những việc viên chức không được làm và quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với viên chức.

Trước đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Hà Quốc Quân để kiểm điểm, làm rõ các vi phạm và sẽ xem xét xử lý kỷ luật vì có liên quan đến dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển Bình Thuận. Ông Quân cũng đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam, là đơn vị tư vấn cho dự án này. Quyết định này được thi hành kể từ ngày 10/8.

Từ kết quả xác minh của Tổ công tác do Bộ Công thương thành lập cho thấy ông Quân vi phạm Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2012; Luật Viên chức. Cụ thể, theo các luật trên, viên chức không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Quân vừa là viên chức của Bộ vừa tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng cảng biển Việt Nam.

M.P.

Hoài Vũ (thực hiện)