Nghệ sĩ kiếm tiền tỷ từ YouTube

Vũ Trần 11/08/2017 09:10

Chưa có thống kê chính xác và công khai về số tiền mỗi nghệ sĩ kiếm được trên YouTube nhưng theo truyền miệng, con số này có thể lên đến hàng tỷ. Sự thực thế nào?

Cho đến nay, tất cả những tính toán hay con số nói trên các đối tác của YouTube tại Việt Nam đềugiữ kín vì liên quan đến bảo mật hợp đồng giữa các bên. Khi được hỏi về con số này, đại diện FAPtv – nhóm hài đã đạt nút Play vàng của YouTube chia sẻ: “Nhóm chỉ xin tiết lộ số tiền YouTube chi trả không đáp ứng được 100% chi phí sản xuất mà cần phải có sự đồng hành của các nhà tài trợ. Nhưng có 1 điều tự hào là năm 2016, kênh FAPtv là 1 trong 5 kênh tại Việt Nam nhận được hỗ trợ từ Google để phát triển thị trường Việt Nam tốt hơn. Điều này tạo điều kiện cũng như động lực về mặt tinh thần để nhóm gắn bó hơn với đam mê của mình”.

Trong lĩnh vực này, một công cụ tính toán cũng được xem xét đó là trang mạng Socialblade. So sánh những con số: ngày gia nhập YouTube, số lượt theo dõi, lượt view mà trang này thống kê hoàn toàn tương thích với con số đang hiện hữu trên YouTube. Khi tìm kiếm nhóm nhạc 365 vào ngày 16-6, họ được đánh giá loại A- đứng thứ 8949 về lượt người theo dõi 3779 về lượt xem video. Ở cột hiển thị số tiền kiếm được, số tiền mà nhóm này kiếm được mỗi tháng dao động từ 104.000 đến 650.000 USD và một năm, họ có thể kiếm được cao nhất là 1,3 triệu USD (tương đương gần 30 tỷ đồng).

Trong khi đó, dù có số lượt người theo dõi và lượt xem ở vị trí khá cao nhưng trang của Sơn Tùng MTP chỉ được xếp loại B+ với số tiền hàng năm kiếm được khoảng 1,1 triệu USD (hơn 20 tỷ đồng).

Trang của ca sĩ Mỹ Tâm – đối tác chính thức của YouTube ước tính kiếm được khoảng 244.000 USD/năm.

Michelle Phan - cô gái Mỹ gốc Việt nổi đình đám trên YouTube với những Video Clip hướng dẫn trang điểm cũng được trang này thống kê với số tiền mỗi năm kiếm được dao động từ 1 triệu đến 14,7 triệu USD.

Hiện, có những nghệ sĩ hay người sáng tạo thu nhập của họ hoàn toàn dựa trên YouTube. Tuy nhiên, theo nhiều người trong cuộc từ YouTube, điều đáng nói hơn là cơ hội mở ra để họ bước ra thế giới thực.

Nhiều người sau đó đã lấn sân vào nghệ thuật: làm đạo diễn, ca sĩ, diễn viên, người mẫu... hay các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Từ YouTube họ có thêm những điều kiện để phát triển bản thân, số tiền kiếm được thậm chí còn nhiều hơn rất nhiều.

“Việc nổi tiếng trên mạng xã hội hỗ trợ rất nhiều cho nhóm nhận được tài trợ, cũng như cuộc sống cá nhân của các bạn diễn viên và thành viên của nhóm ổn định hơn để tập trung vào sản xuất”- đại diện FAPtv chia sẻ.

Một cách hiểu thông thường hiện nay, số tiền mỗi nghệ sĩ kiếm được trên YouTube là dựa vào lượt view cho mỗi sản phẩm họ đăng tải. Có nghĩa là, video đó có lượng người xem càng cao, số tiền họ nhận được càng nhiều. Cách hiểu phổ thông này chưa hẳn đúng và đầy đủ.

Theo đại diện một đối tác của YouTube tại Việt Nam, để có thể kiếm tiền từ trang chia sẻ video trực tuyến lớn nhất hiện nay bạn phải có tài khoản riêng và thiết lập chức năng kiếm tiền với YouTube, trở thành thành viên mạng lưới quảng cáo của họ.

Và, cách tính tiền được vị đại diện này giải thích khá rõ ràng: “Số tiền mà YouTube trả cho bạn không phụ thuộc vào lượt view mà phải là quảng cáo. Quảng cáo gì, bao nhiêu quảng cáo, tần suất xuất hiện bao lâu YouTube sẽ tính toán và chia sẻ lợi nhuận đó cho người dùng. Và sau cùng, cùng với số lượt xem video đó sẽ cho ra số tiền cuối cùng”.

Theo giải thích này, lượt xem chiếm vị trí thứ 2 chứ không hẳn đầu tiên. Tuy nhiên, lợi thế của các kênh và video có lượt xem lớn là sẽ được các nhãn hàng quảng cáo ưu tiên tiếp cận nhiều hơn do đó, khả năng kiếm được tiền cao hơn. Đây là một phương trình tỷ lệ thuận.

Hiện nay, chưa có một công cụ chính xác và công khai nào cho công thức số view = số tiền mà các kênh kiếm được. Một số tính toán cho biết, YouTube trả 0,3 USD cho mỗi CPM (Cost per 1000 impressions - Giá cho mỗi 1.000 lần hiển thị). Nếu theo công thức đó và nhân một cách cơ học, số tiền cho những MV đạt 200 triệu view như “Bống bống bang bang” có thể đạt đến con số hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, tính xác thực của công thức này chưa được làm rõ.

Một điều khác cũng cần được làm rõ, doanh thu quảng cáo đến từ lượt xem ở các vị trí địa lý khác nhau sẽ quyết định mức độ cao thấp của doanh thu. Do đó không có một mức trung bình tỷ lệ CPM của YouTube dành cho tất cả mọi nơi. Theo ghi nhận, thị trường Mỹ thường đắt đỏ hơn so với Mexico. Thị trường Việt Nam được đánh giá mức trả cũng khá thấp, 0,3USD so với mức 0,7 hay 1 USD tại các thị trường nước ngoài.

Có thể khẳng định, YouTube là miếng mồi béo bở nhưng không dễ kiếm tiền và càng không thể ngộ nhận. “YouTube là kênh có thể tận dụng dễ dàng để kiếm tiền bằng cách tạo chiêu trò thu hút nhưng về lâu dài, xây dựng được các nội dung chất lượng, có lượt xem cao và bền vững mới là điều quan trọng”- một người tham gia trong lĩnh vực này chia sẻ.

Vũ Trần