Băn khoăn về điểm ưu tiên
Thống kê từ đợt xét tuyển ĐH đầu tiên năm 2017 đã cho thấy, có tới hơn 80% thí sinh đỗ Y đa khoa ĐH Y Hà Nội nhờ điểm cộng. Trong 476 thí sinh đỗ Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội, chỉ có 91 em không nhờ điểm cộng ưu tiên hay khuyến khích.
Cụ thể, theo danh sách trúng tuyển năm 2017 của ĐH Y Hà Nội, cả trường với 1.175 thí sinh đỗ, có 110 em thuộc khu vực ba (nội thành các thành phố trực thuộc trung ương), chiếm 9,36%. 100 em trong số này không có bất cứ điểm cộng ưu tiên hay khuyến khích nào.
Khoa “hot” nhất ĐH Y Hà Nội là Y đa khoa. Trong 476 thí sinh đỗ ngành này có 91 em đạt tổng điểm ba môn từ 29,25 điểm trở lên, tức đỗ vào trường mà không nhờ điểm cộng (trong đó 24 thí sinh khu vực ba). 385 thí sinh còn lại (chiếm 80,8%) trúng tuyển nhờ cộng điểm ưu tiên, khuyến khích.
Tương tự, ĐH Y Dược TPHCM có rất ít thí sinh khu vực ba đỗ vào trường. Ngành Bác sĩ đa khoa có 404 em trúng tuyển thì 32 trường hợp (chiếm 7,9%) không được cộng điểm ưu tiên khu vực. Số còn lại đều được cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, việc cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực từ 0,5 đến 3,5 là quá cao trong một kỳ thi thí sinh phải cạnh tranh nhau từng 0,05 điểm. Do đó, Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh, thậm chí bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực khi tuyển sinh đại học.
Nhìn rộng ra về câu chuyện điểm ưu tiên áp dụng lâu nay, GS Văn Như Cương chia sẻ trên trang cá nhân: Trường Lương Thế Vinh có hai địa điểm học để thuận tiện cho học sinh đi lại. Một là ở Quận Cầu Giấy, hai là ở huyện Thanh Trí. 2 địa điểm cách nhau dăm cây số. Thế nhưng trong kì thi tốt nghiệp quốc gia vừa qua em nào học ở Thanh Trì thì được cộng thêm 0,5 điểm ưu tiên, các em học ở Cầu Giấy thì không phải cộng. Trong khi phần lớn học sinh học ở Thanh Trì đều ở nội thành cả, thành ra các em đó bị cộng điểm “oan”, cũng không lấy gì làm vui vẻ cho lắm. Phải xét lại vấn đề cộng điểu ưu tiên cho hợp lí!
Vậy có nên bỏ điểm ưu tiên đang gây tranh cãi hay không? TS Giáp Văn Dương cho rằng, không nên bỏ điểm ưu tiên, nhưng có thể điều chỉnh lại một chút cho phù hợp hơn. Ví dụ: chỉ được hưởng một mức ưu tiên cao nhất thay vì cộng dồn tất cả các ưu tiên, lên đến 3,5 điểm. Chính sách cộng điểm ưu tiên hay không ưu tiên là lựa chọn chính sách của quốc gia. Đã là lựa chọn chính sách thì phải tính đến kết quả tối ưu cho toàn cục. Khi đó, có thể là bất công với một nhóm nào đó, nhưng sẽ tối ưu cho tổng thể.
Còn bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, cách đây 2 năm, khi vấn đề điểm ưu tiên gây tranh cãi trong dư luận, Bộ GD&ĐT đã chủ động họp với các Bộ, ngành liên quan để nhìn nhận, đánh giá. Cuối cùng, tất cả ý kiến toàn diện nhất đều đưa đến kết luận chưa bỏ được điểm ưu tiên. Tuy nhiên, không phải điểm ưu tiên sẽ được giữ nguyên trong các kỳ thi tới. Bộ GD&ĐT đang lắng nghe ý kiến sẽ có những nghiên cứu sâu hơn qua những khảo sát, thống kê về chỉ số chênh lệch điều kiện vùng miền trong học tập, nhằm mục đích xác định điểm ưu tiên sao cho phù hợp.
Về vấn đề này, mới đây nhất Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Quy định cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực trong tuyển sinh đã được thực hiện từ rất nhiều năm nay. Quy định này cụ thể hóa các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với người có công, con em dân tộc, thí sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn… có điều kiện sống, điều kiện học tập khó khăn hơn rất nhiều so với thí sinh sống ở thành phố. Khi chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước thay đổi thì quy chế tuyển sinh cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp.
Ví dụ những địa phương trước đây thuộc khu vực khó khăn, nay điều kiện kinh tế xã hội đã được cải thiện, không còn nằm trong danh sách các địa phương khó khăn thì việc cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh cũng sẽ được điều chỉnh giảm.
Trước nhiều ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về việc làm tròn 0,25 điểm tổng 3 môn thi có thể dẫn đến bất hợp lý đối với thí sinh bằng điểm nhau ở cuối danh sách xét tuyển, ông Ga cho rằng, việc làm tròn 0,25 điểm hay không làm tròn mà lấy điểm 2 số thập phân cũng đã được thảo luận nhiều khi soạn thảo quy chế tuyển sinh. Nếu không làm tròn thì chênh lệch mức điểm là 0,01 đối với tổng 3 môn thi. Mức chênh lệch quá bé như vậy rất khó phân biệt chính xác trình độ thí sinh.
Vì thế, quy chế giao cho các trường đưa ra các tiêu chí phụ, ví dụ trường có thể chọn thí sinh tổng 3 môn thấp hơn 0,01 điểm nhưng có điểm Toán cao hơn nếu thấy rằng kiến thức môn Toán cần thiết cho ngành học… Tuy nhiên, trong thiết kế phần mềm, Bộ GD&ĐT vẫn đưa ra tiêu chí phụ đối với trường hợp thí sinh bằng điểm nhau sau khi đã làm tròn 0,25 ở cuối danh sách thì trường có thể quay về điểm gốc trước khi làm tròn để xét tuyển (tức lấy 2 số thập phân). Các trường sẽ tự quyết định có chọn tiêu chí phụ này hay không.
Như thế, nếu các trường chưa xác định được rõ ràng các tiêu chí phụ, e nỗi băn khoăn về việc cộng điểm ưu tiên sẽ còn kéo dài ở nhiều mùa tuyển sinh sau.