Vì sao dân Hàn Quốc thờ ơ trước mối đe dọa Triều Tiên?
Trong bối cảnh tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên sôi sục hơn bao giờ hết, thậm chí khiến nhiều người nhắc tới khả năng về một cuộc chiến có thể bùng nổ, thì người dân Hàn Quốc, những người đã sống trong tình trạng chiến tranh suốt nhiều thập kỷ qua, chả mảy may quan tâm về mối đe dọa này.
Một người dân Hàn Quốc xem tin tức về Triều Tiên trên màn hình lớn tại một trạm xe lửa ở thủ đô Seoul. (Nguồn: AP).
Trong lúc mà người dân Mỹ ở trên đảo Guam và cả ở New York đang tỏ ra hết sức quan ngại vì khả năng Mỹ sẽ tham gia vào một cuộc chiến hạt nhân với CHDCND Triều Tiên... thì hàng triệu người dân Hàn Quốc đang sống ngay trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên lại chả mấy lo lắng về điều đó. Cuộc sống thường nhật của họ vẫn đều đặn tiếp diễn.
Trong hôm 10-8, cuộc sống ở thủ đô Seoul vẫn diễn ra bình thường. Những tuyến tàu hỏa vận hành và những chuyến bay vẫn cất cánh, Tổng thống phát biểu về cải cách chăm sóc y tế và các hãng truyền thông thì tập trung vào thông tin vụ bê bối tham nhũng liên quan tới người thừa kế tập đoàn Samsung.
Sàn giao dịch cổ phiếu chính của Hàn Quốc vẫn tăng đều và đã tăng tới 300 điểm tính từ đầu năm đến nay. Những nhân viên làm việc tại một tiệm tạp hóa và những tài xế xe buýt cười lớn khi được hỏi liệu họ đã sẵn sàng để đối mặt với chiến tranh?
Trên thực tế thì, những lời cảnh báo lạnh gáy mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - gay gắt hơn cả những đe dọa của Triều Tiên - là tiêu điểm của nhiều tờ báo Hàn Quốc trong sáng hôm 10/8.
"Trump nói Triều Tiên sẽ nếm lửa và thịnh nộ, Triều Tiên dọa tấn công Guam", một tít dẫn đăng tải trên trang mặt của tờ Chosun Ilbo.
Người dân Hàn Quốc dường như đã "chai sạn" trước những lời đe dọa từ Triều Tiên, bởi thực tế là họ đã sống trong tình trạng chiến tranh suốt 6 thập kỷ qua, đã từng nhận phải vô số lời đe dọa và thậm chí cả những thiệt hại thực tế do một số cuộc đụng độ.
Năm 2015, 2 binh sỹ của Hàn Quốc đã bị trọng thương do đạp phải mìn ở khu vực phi quân sự (DMZ) chia cách hai miền Triều Tiên. Năm 2010, 50 binh sỹ Hàn Quốc tử vong trong 2 vụ việc khác nhau: Vụ đánh bom một chiến hạm hải quân và vụ Triều Tiên pháo kích một hòn đảo của Hàn Quốc.
Truyền hình Hàn Quốc trong hôm 10-8 cũng dẫn lại một số bài viết mà giới truyền thông Mỹ đăng tải trong đó mô tả về "sự bình tĩnh đáng ngạc nhiên" của người dân Hàn Quốc trong lúc phải đối mặt với tất cả những mối đe dọa này.
Cuộc "khủng hoảng" hiện tại, như được báo giới Mỹ mô tả, dường như không tồn tại ở Hàn Quốc. Và nếu có bất cứ điều gì khiến người dân nước này phải lo ngại, rủi ro đến từ chính vị Tổng thống Mỹ khó lường chứ không phải là từ Triều Tiên.
Haeryun Kang, biên tập viên tạp chí Korea Exposé sống ở Seoul, nơi khoảng một nửa trong số 51 triệu dân Hàn Quốc sinh sống, theo Guardian.
Bà sống cách thủ đô Bình Nhưỡng chưa đầy 200 km và cách Yonbyon, cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, chưa đầy 300 km. Nói cách khác, theo Kang, Seoul nằm gọn trong tầm bắn của tên lửa hạt nhân và đạn đạo Triều Tiên. Tuy nhiên, khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm xa hôm 28-7 vừa qua, đa số người Hàn Quốc chẳng để ý.
Người Hàn Quốc có bạn bè ở nước ngoài thường nói vui rằng, thế giới bên ngoài sợ tên lửa Triều Tiên còn hơn ở Hàn Quốc, nơi người dân có nguy cơ bị xóa sổ nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh tấn công hạt nhân.
Theo Kang, người Hàn Quốc bình tĩnh, thậm chí có phần thờ ơ, bởi họ cảm thấy quá mệt mỏi khi Triều Tiên liên tục đe dọa. Ngoài ra, mối đe dọa về Triều Tiên tại Hàn Quốc luôn được thổi phồng bởi các đảng phái chính trị.
Tại Hàn Quốc, người dân bình thường rất khó tiếp cận với những tài liệu về Triều Tiên. Các website Triều Tiên bị chặn, thư viện Triều Tiên duy nhất tại Seoul cấm người dùng chia sẻ tư liệu ra ngoài. Người dân bị nhà nước kiểm duyệt, bị trục xuất, bị bỏ tù, vì "nói sai".
Trong năm 2015, một phụ nữ là công dân mang hai quốc tịch Mỹ-Hàn đã bị nước này trục xuất vì thể hiện quan điểm mềm mỏng với Triều Tiên.
"Ẩn đằng sau sự thờ ơ của người dân Hàn Quốc là nhiều năm liền sống trong sợ hãi, và thậm chí ăn sâu vào tiềm thức họ, sự thiếu thốn thông tin về điều gì thực sự đang diễn ra" - bà Kang viết trên tờ Guardian.
Hiện nay, một số tờ báo lớn của Hàn Quốc còn đang kêu gọi người dân nước này cần phải nhận thức rõ hơn về sự cấp thiết của vấn đề Triều Tiên.
"Không cần thiết phải thổi phồng một cuộc khủng hoảng, nhưng các bạn không nên phớt lờ nó" - tờ JoongAng Ilbo, một trong ba tờ báo lớn nhất Hàn Quốc, viết trong một bài xã luận hôm 10/8 - "Để có thể ngăn chặn một cơn bão sắp xảy đến, chúng ta cần phải có một quan điểm đoàn kết. Chính phủ cần phải đặt mình vào tư thế sẵn sàng đối diện với khủng hoảng".