Giải cứu ao làng

Tuệ Phương 12/08/2017 09:15

Việc “giải cứu”, hồi sinh ao hồ bị ô nhiễm đang là vấn đề cấp bách được huyện Gia Lâm, Hà Nội triển khai theo hướng kêu gọi xã hội hóa đầu tư, trong đó vai trò của người dân, của cộng đồng được đặc biệt coi trọng.

Vẻ đẹp ao làng. (Ảnh: Viết Mạnh).

Gần đây mọi người thường hay nhắc tới việc cải tạo ao làng bị ô nhiễm tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức thành một bể bơi khổng lồ cho cả xã sử dụng. Việc làm này đã khơi dậy ý thức giữ gìn ao làng của người dân nơi đây cũng như người dân ở nhiều nơi khác. Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống sông, hồ, mới đây huyện Gia Lâm đã đưa ra chiến dịch “giải cứu” ao hồ đang bị ô nhiễm trên địa bàn huyện và lên kế hoạch cải tạo để trả lại màu xanh vốn có của nó.

Bà Nguyễn Thị Lý, người dân thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn cho biết, trước đây, ao ở trong làng có rất nhiều và nguồn nước nơi đây luôn sạch sẽ. Vào những ngày hè oi ả, ao làng được xem như “máy điều hòa” làm giảm bớt bầu không khí ngột ngạt ngày hè. Tuy nhiên, khi xã hội càng phát triển thì ao làng lại được xem như “vật chứng” của sự ô nhiễm. Hàng ngày các nguồn nước từ chăn nuôi, giết mổ được xả thải trực tiếp xuống đây đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không chỉ ao hồ bị xâm hại, 19 vườn hoa trên địa bàn huyện Gia Lâm cũng trở thành nơi tập kết rác thải…

Hiện tại huyện Gia Lâm có tổng số 283 ao hồ, với tổng diện tích gần 180ha trên địa bàn thì có tới 22 ao hồ ở 10 xã bị ô nhiễm nghiêm trọng; 47 ao hồ ở 8 xã bị lấn chiếm một phần diện tích để xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, đổ phế thải, vật liệu xây dựng. Nhiều ao hồ bỗng chốc trở thành bãi tập kết rác thải, gây ra ô nhiễm môi trường ở nhiều khu dân cư.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại các ao làng ngày càng nghiêm trọng, khó kiểm soát, chính quyền, MTTQ huyện Gia Lâm đã đưa ra nhiều giải pháp để nhằm “giải cứu” ao hồ, vườn hoa...

Ông Vũ Văn Muôn, trưởng xóm Ba, thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn cho biết: Việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ao hồ đã được chính quyền địa phương hết sức coi trọng.Vào mỗi dịp họp thôn, họp xóm những nội quy bảo vệ môi trường ao hồ lại được lồng nghép với nhiều hoạt động khác nhằm nâng cao nhận thức của người dân. “Mưa dầm thấm lâu”, giờ đây người dân Linh Quy Bắc đã hiểu giá trị, tầm quan trọng của ao hồ đối với cuộc sống của chính gia đình mình. Nhờ đó, bà con đã cùng nhau vận động, quyên góp được gần 250 triệu đồng nạo vét, xây bờ kè, làm đường bê tông xung quanh…,tạo cảnh quan môi trường lý tưởng cho bà con nhân dân quanh vùng.

Từ cách làm điểm của xóm Ba đến nay các ao làng khác trên địa bàn thôn Linh Quy Bắc như ao Cổng Tuần cũng đã được hồi sinh và đang có nhiều gia đình đăng ký tặng đèn trang trí, đèn chiếu sáng, ghế đá, cây xanh… với quyết tâm biến nơi đây thành điểm văn hóa của nhân dân.

Nói về “chiến dịch giải cứu hồ”, theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân: “Huyện đang xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực để thực hiện Đề án “Đầu tư, quản lý vườn hoa, sân chơi, ao hồ trên địa bàn giai đoạn 2017-2020”. Để thực hiện được đề án này, huyện Gia Lâm sẽ kêu gọi xã hội hóa để đầu tư xây dựng 19 vườn hoa, 99 sân chơi, 122 ao hồ với kinh phí dự kiến khoảng 1.585 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách Nhà nước khoảng 62 tỷ đồng, còn lại khoảng 1.528 tỷ đồng sẽ huy động sự đóng góp của cộng đồng. Tuy nhiên, để đề án này thuận tiện khi thực hiện, huyện Gia Lâm đã và đang tích cực rà soát quy hoạch chung, đề xuất những vị trí phù hợp quy hoạch vườn hoa, công viên, hồ nước quy mô lớn để kiến nghị UBND thành phố cho phép kêu gọi đầu tư.

“Khi đề án này hoàn thành sẽ giúp địa phương giải quyết triệt để tình trạng ngập úng cục bộ trong khu dân cư, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, cảnh quan kiến trúc đô thị đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, hộ dân trong việc giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường sống của người dân địa phương”, ông Quân nói.

Tuệ Phương