Để người dân thôi phải chạy lũ
Lũ dữ đi qua, người dân các tỉnh Tây Bắc đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Nhưng trong hoạn nạn, người dân nơi đây đang nhận được rất nhiều sự sẻ chia của các tổ chức, cá nhân, với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”.
Lũ ống ở Mù Cang Chải (Yên Bái).
Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, huyện Mù Cang Chải đã huy động hơn 2.000 người, trong đó quân đội 370 chiến sĩ, hơn 1.000 người là thanh niên, dân quân tự vệ, cán bộ các cơ quan đoàn thể, học sinh, giáo viên huy động tại chỗ từ các xã: Khao Mang, Mồ Dề, Kim Nọi, Lao Chải và thị trấn tập trung nạo vét hàng ngàn m3 bùn đất đá, cây cối tại 3 trường học, Trung tâm bồi dưỡng chính trị và Nhà văn hóa…
Theo ông Duy, thời gian tới sẽ tìm những nơi an toàn để xây nhà tái định cư, hiện phải bố trí tạm cho người dân ở các trường học, ở ghép với hộ khác, văn phòng, trụ sở cơ quan nhà nước. Trước mắt tập trung lo cho bà con đủ cơm ăn, áo mặc, tránh cảnh màn trời chiếu đất, đồng thời sửa sang trường học để con trẻ kịp đón năm học mới.
Sơn La cũng vậy. Sau lũ quét, quỹ đất không đủ để sắp xếp dân cư cho một bản có quy mô từ 30 hộ trở lên. Không những thế, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cũng không còn, đã bị đất đá vùi lấp hoàn toàn, không thể cải tạo được, cũng không thể đảm bảo điều kiện sinh kế cho người dân nên rất cần phải tái định cư khẩn cấp khu vực dân cư mới. Hiện tỉnh Sơn La đang đề xuất quy hoạch khẩn cấp 6 bản thuộc xã Nậm Păm sang khu vực mới.
Lò Minh Hùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: “Cả sản xuất, dân cư, hạ tầng làm sao cho đồng bộ, tránh rủi ro do thiên tai. Trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, chúng tôi bắt buộc phải nghiên cứu, phải chọn ra được phương án bố trí, sắp xếp lại dân cư cho phù hợp”.
Tìm nguyên nhân sâu xa của những trận lũ dữ, nhiều ý kiến cho rằng, những cơn lũ như ở Mường La (Sơn La), Mù Cang Chải (Yên Bái) nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà, lấy đi bao mạng người- trước hết cần xem lại quy hoạch ở khu vực miền núi. Từ nỗi đau Mường La, Mù Cang Chải, chợt giật mình soi lại bỗng thấy còn nhiều lắm những nguy cơ đang đe dọa cuộc sống của người dân nếu không có một giải pháp thực sự hữu hiệu.
Liên quan đến công tác phòng chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận: “Người ta hay nói nguyên nhân vì sao có tình trạng ngập lũ nặng nề như thế này. Do chất lượng rừng kém, khả năng giữ nước yếu, hay do cơ sở hạ tầng chưa phù hợp, chưa bảo đảm khả năng thoát nước, trong khi khu vực này thì hạn hán rất gay gắt còn khu vực kia thì mưa lũ thì nặng nề. Chúng ta phải nghiên cứu tổng thể vấn đề này, không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà cho cả về lâu dài, cho con cháu chúng ta”.
Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, lãnh đạo các cấp xem xét nhìn nhận rõ để người ta ở đó có ổn không? Đồng bào thì luôn muốn gắn với nơi chôn rau cắt rốn, đó là đương nhiên. Cơ quan trách nhiệm phải nhìn xa trông rộng, nghiên cứu có chính sách căn cơ để cuộc sống của dân sau này thế nào. Đừng để lũ chồng lên lũ cướp đi sinh mạng, tài sản của dân.
Muốn làm được điều này, phải xem xét tổng thể các vùng có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm, ảnh hưởng đến cuộc sống của dân để cảnh báo cho dân. Đồng thời phải di dân đến nơi an toàn trước khi mưa lũ xảy đến, nếu không đến hẹn ta lại phải chứng kiến những cái chết rất thương tâm.
Ngay cả tìm được quỹ đất tái định cư cũng phải làm sao tuyên truyền cho người dân đồng thuận đến nơi ở mới. Và nơi ở mới phải ít nhất bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Đừng để lặp lại câu chuyện tái định cư thủy điện bởi nơi ở mới rõ ràng không bằng nơi cũ nên người dân mới không ở, mới tìm đường về chốn cũ.
Còn TS Bế Trường Thành - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, tập quán canh tác và văn hóa của đồng báo khiến nhiều người dân thích sống quanh sông suối. Vận động người dân bỏ tập quán này không hề dễ. Muốn tái định cư cho người dân thì phải hiểu được những điều này. Đừng lặp lại vết xe đổ câu chuyện tái định cư ở các công trình thủy điện, ở các khu định canh định cư.
Không phải mình xây cho người ta cái làng mới như ở Tây Nguyên làm nhà rông cho người ta rồi mời người ta đến ở là được. Đừng nghĩ đền bù bằng việc xây xong một cái nhà, làm hạ tầng đường sá như ở dưới đô thị đồng bằng mà phải có yếu tố văn hóa, thậm chí cả yếu tố tâm linh của đời sống đồng bào. Có nghĩa là muốn người dân gắn bó với nơi ở mới phải là tổng hòa các yếu tố chứ không đơn thuần là xây một cái nhà rồi mời bà con đến ở.
Muốn dân không phải lo chạy lũ phải tìm rõ nguyên nhân sâu xa. Đây tưởng là câu chuyện thiên tai nhưng thực ra là nhân tai do con người phá rừng thì phải lĩnh hậu quả thôi. Mất rừng thì lũ lụt. Phải tập trung trồng lại rừng là giải pháp căn cơ, lâu dài chứ không cũng sẽ là chạy từ vùng này sang vùng khác như du canh du cư. Tất nhiên muốn giữ rừng, là phải làm cho người dân sống được nhờ rừng.