Hội Phụ nữ Quản Bạ đẩy mạnh công tác xóa mù chữ
“Trên đời có nhiều cái khổ, nhưng với mình thấy không biết chữ là khổ nhất. Có lần mình bị lạc đường vì không đọc được biển chỉ dẫn và lên nhầm xe khách. Mỗi lần đi chợ bán hàng, mình phải rủ con đi theo để nó tính tiền, lên xã làm giấy tờ thì không hiểu gì. Nhưng đó là trước kia, giờ được xóa mù chữ (XMC) nên mình biết chữ, đi đâu cũng mạnh dạn, không bị lạc đường, biết tính tiền rồi, khó bị lừa...” – Đó là chia sẻ của chị Vàng Thị Dí ở thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ).
Nhờ được học xóa mù chữ, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi chim bồ câu nhốt của phụ nữ thôn Na Quang, xã Bát Đại Sơn.
Những năm gần đây, được sự chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, Hội LHPN huyện Quản Bạ đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện tổ chức các lớp XMC cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS), tạo điều kiện cho chị em nâng cao nhận thức, tham gia vào các tổ chức Hội, cải thiện cuộc sống.
Hội LHPN huyện Quản Bạ hiện có 13 cơ sở Hội, 107 Chi hội với trên 13.000 hội viên. Trước đây, nhiều chị em phụ nữ DTTS không biết chữ, cán bộ Hội LHPN huyện gặp không ít khó khăn trong việc triển khai các chương trình, phong trào của Hội tới các chị em. Trước thực trạng đó, hàng năm, Hội LHPN huyện đã tích cực phối hợp với các đoàn thể, thôn, bản để tuyên truyền cho nhân dân nhận thức về tầm quan trọng của việc XMC cho phụ nữ và trực tiếp xuống các Chi hội tuyên truyền, vận động chị em hiểu lợi ích của việc biết chữ để tích cực, tự giác tới lớp, nhằm giảm nhanh số phụ nữ không biết chữ, không biết đọc, biết viết, biết tính toán. Phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện mở các lớp XMC cho cán bộ, hội viên.
Hiện, huyện Quản Bạ có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đo, dân tộc Kinh chỉ chiếm khoảng 400/13.000 hội viên (0,03%), dân tộc Mông chiếm trên 60%, còn lại là các dân tộc khác như Nùng, Giáy... Tỷ lệ phụ nữ DTTS rất đông.
Năm 2016, thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông”, Hội Phụ nữ các cấp đã tiến hành rà soát, thống kê số phụ nữ mù chữ, không biết tiếng phổ thông của huyện là 1.778 chị, phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng và các nhà trường tổ chức mở được 12 lớp XMC, tái MC với 275/330 chị tham gia học đạt 83% nghị quyết; thành lập được 45 cặp mẹ con học chữ và nói tiếng phổ thông.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, phối hợp khai giảng được 4 lớp XMC; đến ngày 10.6, duy trì được 3 lớp; trong đo, có 41 hội viên phụ nữ tham gia tại các xã Đông Hà, Tùng Vài, Lùng Tám. Các lớp học XMC hàng năm được tổ chức chủ yếu vào ngày nông nhàn, khi hết vụ Mùa trong năm. Mỗi lớp học có khoảng 20 - 30 người tham gia. Lớp được tổ chức cả 7 ngày trong tuần vào buổi tối từ 19 - 21 giờ. Thời gian học 3 tháng/lớp XMC với chương trình phổ cập Tiểu học, do giáo viên một số trườngtrên địa bàn giảng dạy; học viên của các lớp XMC là đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn huyện.
Đặc biệt từ năm 2010, BCH Hội LHPN tỉnh đã thống nhất phát động Cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông” và quyết định chọn xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ thực hiện điểm về XMC để rút kinh nghiệm và nhân diện rộng. Lớp XMC tại Lùng Tám được thực hiện từ năm 2011, được chia nhóm tự học theo địa bàn dân cư từ 3 – 5 chị/nhóm hoặc nhóm mẹ - con. Hình thức đa dạng: Học qua giao tiếp với chồng, con, bạn bè, cộng đồng; học tại các nơi đông người như khi đi chợ, đi làm nương, họp thôn, sinh hoạt Hội...
Hội Phụ nữ xã Lùng Tám đã tiến hành khảo sát kết quả năm 2011: Có 337/460 hội viên mù chữ, 303 chị/460 hội viên không biết tiếng phổ thông, chỉ đạo cho các Chi hội trưởng sinh hoạt Chi hội để phân ra các nhóm tự học. Trong đó, nhóm cặp mẹ con có 124 nhóm gồm thôn Lùng Tám Thấp có 18 cặp mẹ con (từ lớp 6 - 8); thôn Lùng Tám Cao có 28 cặp mẹ con (từ lớp 3 - 9)...
Kết quả sau gần 10 tháng học XMC trong năm 2011 tại xã điểm Lùng Tám có 70/124 cặp mẹ con đã biết nói tiếng phổ thông. Tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động có các chị: Sùng Thị Xúa, Giàng Thị Mua, Vừ Thị Mo, Cư Thị Máy (thôn Hợp Tiến), chị Giàng Thị Chợ (thôn Lùng Tám Cao), chị Lù Thị Hiền, Đặng Thị Hương (thôn Tùng Nùn)... Các lớp XMC hiện nay vẫn duy trì hoạt động tốt và đã nhân rộng ra các xã trên địa bàn huyện.
Chị Nhữ Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Quản Bạ cho biết: “Việc triển khai mở các lớp XMC trên địa bàn huyện cũng còn gặp nhiều khó khăn, do địa hình phức tạp, nhiều hộ cách xa nhau, dân cư không tập trung, học viên đi lại khó khăn. Phần lớn các chị là lao động chính trong gia đình nên không có thời gian dành cho việc học nên khó vận động XMC”.
Việc mở lớp XMC cho hội viên của Hội LHPN huyện Quản Bạ là chương trình xã hội mang ý nghĩa nhân văn với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và nhận thức của phụ nữ DTTS.