Thành phố Hồ̀ Chí Minh: Tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông
Bùng nổ xe cá nhân, hạ tầng đô thị quá tải, kẹt xe liên miên là những vấn đề đòi hỏi TP Hồ Chí Minh phải tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn đô thị. Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và nghiên cứu cấm xe tải nhẹ lưu thông ban ngày được cho là những giải pháp trước mắt để kiểm soát, hạn chế phương tiện cá nhân, tiến tới kéo giảm ùn tắc giao thông.
TP HCM đề xuất cấm xe tải nhẹ lưu thông ban ngày.
Nghiên cứu cấm xe tải nhẹ lưu thông ban ngày
Do tình trạng ùn tắc kẹt xe ngày càng gia tăng, diễn ra ở hầu hết các tuyến đường và các khung giờ khác nhau, ngành giao thông thành phố đã bước đầu đề xuất cấm các loại xe tải nhẹ (dưới 2.500kg) ở khung giờ từ 6-20h. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT cho biết, do số lượng xe tải tăng nhanh trong thời gian ngắn nên việc ban hành lệnh cấm xe ở các tuyến đường nội ô, thuộc khu vực quận 1, quận 3, quận 5, Phú Nhuận... đã được UBND thành phố đề xuất thực hiện. Trước đây, thành phố cũng đã có lệnh cấm xe tải nhẹ ở nhiều tuyến đường và hiện nay, một vài tuyến đường cũng đang cấm xe tải nhẹ lưu thông. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp vận tải nên sở sẽ cân nhắc trước khi quyết định.
Trong khi đó, một lãnh đạo Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM cho rằng, đề xuất cấm xe tải nhẹ hiện nay chưa phù hợp. “Thực tế thì các loại xe tải nặng, xe container đã bị cấm lưu thông nhiều tuyến đường, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, lưu thông của các doanh nghiệp, đẩy chi phí vận tải tăng cao. Nếu tiếp tục cấm xe tải nhẹ sẽ dẫn đến việc ùn ứ hàng hóa, ngưng trệ nhiều khâu lưu thông, sản xuất và đẩy các chi phí khác phát sinh bởi phần lớn nhu cầu hàng hóa đều vào ban ngày.
Hơn nữa, hệ thống hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường vành đai ở TP HCM nhiều năm qua chưa hoàn thiện, các doanh nghiệp vận tải buộc phải sử dụng các tuyến đường qua khu trung tâm nội ô thành phố nếu muốn đi từ quận huyện này sang quận huyện khác. Nếu bây giờ cấm tiếp thì sẽ không có đường để lưu thông. Ngoài ra, khi đưa một phương tiện vận tải vào hoạt động, doanh nghiệp phải chịu nhiều mức thuế phí, trong đó có cả phí đường bộ hàng năm. Vì thế, nếu tiếp tục phải đóng nhiều loại thuế phí mà không có đường để sử dụng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn lớn”, người này giãi bày.
Trong khi đó, một chuyên gia về giao thông hạ tầng cho biết, việc đề xuất cấm các loại xe tải nhẹ có nhiều lỗ hổng. Ngoài ra, vị chuyên gia này còn nhấn mạnh, hiện nay “thủ phạm” gây kẹt xe, ùn tắc không chỉ có các xe tải nhẹ mà còn rất nhiều phương tiện xe ô tô, xe máy cá nhân hay thậm chí cả các phương tiện công cộng như taxi (gồm taxi truyền thống và công nghệ) không được kiểm soát.
Đẩy mạnh phát triển xe buýt
Trước tình trạng kẹt xe liên miên ở thành phố, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được xác định là một trong những giải pháp căn cơ để kiểm soát, hạn chế phương tiện xe cá nhân; nhờ đó, giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn. Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2030 vận tải hành khách công cộng trong đó có xe buýt sẽ đảm nhận 30% nhu cầu đi lại của người dân thay vì chỉ đáp ứng khoảng 9% như hiện nay.
Suốt thời gian dài, tại TP Hồ Chí Minh, lượng hành khách sử dụng xe buýt liên tục sụt giảm. Trong khi đó, mỗi năm thành phố chi hàng trăm, thậm chí lên đến cả ngàn tỷ đồng trợ giá vé xe buýt. Gần đây, một tín hiệu vui đối với vận tải hành khách công cộng là người dân đã bắt đầu quay trở lại với xe buýt.
Theo ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2017, số lượt người sử dụng vận tải công cộng đạt 272 triệu lượt, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 45,4% so với kế hoạch năm 2017 (600 triệu lượt hành khách); trong đó khối lượng vận chuyển bằng xe buýt đạt 163,3 triệu lượt, chiếm 59,9%, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trung bình mỗi ngày xe buýt vận chuyển được gần 907.000 lượt hành khách.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, để thu hút người dân sử dụng xe buýt, Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc đầu tư thay thế phương tiện xe buýt cũ trước đây sang xe sử dụng nhiên liệu sạch bằng khí nén thiên nhiên (CNG), điều chỉnh luồng tuyến hợp lý hơn đồng thời mở rộng thêm 5 tuyến mới.
Để đảm bảo trật tự an toàn cho hành khách, Trung tâm đã ký kết với Phòng Cảnh sát điều tra và phòng chống tội phạm về trật tự xã hội (PC45) – Công an thành phố thông qua việc cung cấp đường dây nóng và trích xuất dữ liệu camera tiếp nhận nhanh, kịp thời và chuẩn xác các phản ánh của người dân.
Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải thành phố, tính đến tháng 5-2017, thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó chiếm đến gần 7,5 triệu là xe máy. Về xe buýt, thành phố có khoảng 3.000 xe buýt hoạt động trên 141 tuyến; trong đó có 2.500 xe thuộc diện có trợ giá. |