Trị bệnh vô cảm
Mới đây, tại xã An Bình, Nam Sách, Hải Dương một cô gái sau khi tốt nghiệp đại học xin đi làm đã bị Phó chủ tịch UBND xã xác nhận trên lý lịch gây khó, với lý do gia đình chưa đóng tiền làm đường- đã gây bức xúc dư luận. Câu chuyện chưa kịp lắng xuống thì sự việc tương tự lại xảy ra ngay giữa Thủ đô Hà Nội. Vẫn lại là chuyện phê lý lịch. Nhưng tiếc thay, điều đó không chỉ có ở hai địa phương nêu trên.
Một tân sinh viên muốn hoàn thiện hồ sơ nhập học, em phải có sự xác nhận của chính quyền địa phương đó là xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Tuy nhiên, hồ sơ của em lại được phê rằng: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương”. Cái sự “không chấp hành chủ trương, chính sách” kia chỉ nằm ở việc gia đình em chưa đóng tiền xây dựng nông thôn mới, gồm tiền làm đường 300 nghìn đồng/khẩu, tiền điện chiếu sáng 130 nghìn đồng/khẩu. Thì ra, lý lịch của tân sinh viên kia sẽ được phê tốt nếu gia đình em đóng đủ, có hóa đơn thu của thôn thì xã mới xác nhận.
Phê lý lịch gây khó cho công dân thực ra liên quan đến các khoản đóng góp mang tính tự nguyện. Hóa ra, các khoản đóng góp ở địa phương tưởng là tự nguyện nhưng lại mang tính ràng buộc chặt chẽ. Người dân có thể có quyền không đóng góp, nếu xác định chẳng bao giờ đến cửa quan. Và tất nhiên, chẳng có hộ gia đình nào trong đời lại không cần đến cửa quan để xác nhận một vấn đề A,B,C nào đó.
Thực tế thì người dân có thể có hàng trăm lý do để chậm đóng tiền cho xã, bởi các khoản phí mà nhiều nơi vẽ ra đã khiến họ oằn lưng, không thể cõng nổi, và cũng bởi họ còn có những việc khác phải lo, hay là họ thấy khoản đóng góp ấy là chưa hợp lý... Ấy thế nhưng “quan xã” không cần biết, cứ “khái quát hóa” việc không đóng góp của gia đình nhà ấy lên bằng một dòng vô cảm và lạnh lùng: “bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương”.
Một dòng ghi vào lý lịch như thế, là một dòng kết luận thiếu nhân văn, một quy kết rất nặng. Ai biết đâu nội tình nhà ấy chỉ thiếu nợ xã một khoản phí “độc đáo” nào đó mà xã nghĩ ra, đọc vào người ta hẳn sẽ thấy bản thân công dân và gia đình ấy chắc là thuộc diện “bất hảo”, ghê gớm lắm đây nên mới bị ghi vào lý lịch. Mang cái lý lịch ấy mà đi học, đi xin việc, ai dám nhận công dân này?
Rõ ràng cán bộ thừa biết bản thân họ phê thiếu thiện chí vào lý lịch của công dân có thể cánh cửa cuộc đời sẽ khép lại với người bị phê. Nhưng vì sao cán bộ xã vẫn đặt bút phê như vậy? Điều này chỉ có thể lý giải bằng bệnh vô cảm và lạm quyền.
Vì sao lại cho rằng, phê lý lịch của quan xã ở Duyên Hà và Nam Sách thể hiện sự vô cảm của cán bộ là bởi, cán bộ phê lý lịch đã thờ ơ trước nỗi đau của người khác. Vì lợi ích tưởng mang danh nghĩa tập thể nhưng đó là sự lạm quyền cá nhân sẵn sàng xâm phạm lợi ích của người khác. Biết sai, biết là làm khổ người khác mà vẫn làm... Đây là dạng hành xử “có ý thức”, là kết quả của một quá trình trượt dài về ý thức cán bộ công quyền cùng với thói coi thường người dân.
Câu chuyện cán bộ vô cảm, lạm quyền không chỉ là chuyện bút phê vào lý lịch mà có mặt ở nhiều lĩnh vực. Có thể coi đỉnh điểm của sự vô cảm chính là vụ cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu (Hà Nội). Người dân bức xúc ở chính thái độ, cung cách phục vụ của công bộc. Lý ra, nghĩa tử là nghĩa tận, anh cán bộ nhận thủ tục là người cùng tổ dân phố với tang gia. Nếu anh giải quyết công việc không trên tâm thế “cán bộ cửa quyền”; nếu thay vì phát ra cái giấy hẹn, anh chia sẻ công việc như một người hàng xóm thì có lẽ người dân cũng sẽ không bức xúc, cho dù công việc có chút chậm trễ.
Một trong những đặc trưng của hoạt động công vụ là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước (nhân danh nhà nước) do các công chức, viên chức nhà nước tiến hành. Do đó, trong nhiều trường hợp, nếu tâm không sáng, trách nhiệm không cao sẽ dẫn đến lạm quyền, gây tổn hại cho dân, cho xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt”. Vì vậy, giáo dục đạo đức công vụ, chấn chỉnh thói vô cảm không chỉ là công việc của bản thân công chức mà là một phần trách nhiệm của chủ thể quản lý công chức.
Hơn lúc nào hết, cần một đợt chấn chỉnh mạnh mẽ thái độ, tác phong thực thi công vụ của công chức, để không còn những sự phàn nàn, thậm chí là phẫn nộ từ dư luận.Chính phủ liêm chính, chính quyền phục vụ, công dân là thượng đế điều này không thể là lý thuyết suông mà nó phải được thực hiện một cách mạnh mẽ. Muốn như vậy, phải có những đơn thuốc đặc trị, trị dứt bệnh vô cảm, lạm quyền ở chốn cửa công.
Rõ ràng biết rằng bản thân họ phê thiếu thiện chí vào lý lịch của một ai đó có thể cánh cửa cuộc đời sẽ khép lại với người bị phê. Nhưng vì sao cán bộ xã vẫn đặt bút phê như vậy? Điều này chỉ có thể lý giải bằng bệnh vô cảm và lạm quyền đã nặng lắm rồi ở nhiều chốn công quyền. Kiểu phê này thể hiện sự vô cảm là bởi người có quyền nhận xét về người khác đã lợi dụng danh nghĩa tập thể để lạm quyền, sẵn sàng xâm phạm lợi ích của người khác. Biết sai, biết là làm khổ người khác mà vẫn làm…Đây là dạng hành xử “có ý thức”, là kết quả của một quá trình trượt dài về ý thức cán bộ công quyền cùng với thói coi thường người dân. |