Cảnh giác với dịch bệnh sau mưa lũ
Sau bão lũ, nhiều dịch bệnh có thể xảy ra, trong đó thường thấy là các bệnh như sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm... Dù trận lũ từ ngày 2 đến 6-8 tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã qua, nhưng khu vực này lại tiếp tục đón đợt mưa mới, kéo dài trên diện rộng, với lượng mưa lớn dao động từ 150mm đến 300mm. Nguy cơ xảy ra lũ lại tiếp tục, và dịch bệnh theo đó cũng trở nên căng thẳng hơn.
Chủ động làm sạch nguồn nước sinh hoạt sau mưa lũ.
Ý thức của người dân và trách nhiệm của y tế, chính quyền
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong những tháng mưa bão người dân cần triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, nhất là những ngày sau mưa lũ. Đặc biệt, vai trò của y tế xã, chính quyền xã là rất quan trọng. Cùng với việc tuyên truyền, giải thích thì cần phải huy động các lực lượng trên địa bàn làm vệ sinh môi trường sau mưa lũ, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Cùng đó là phải tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm. Nhân viên y tế cần chủ động, tích cực phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Công tác giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão cũng cần được nhân viên y tế coi trọng. Nhất là với các dịch bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm. Khi phát hiện các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…thì cần phối hợp với chính quyền cơ sở tìm cách khoanh vùng, cách li.
Như vậy là cùng với ý thức của từng người dân, thì trách nhiệm của y tế và chính quyền địa phương cơ sở- nơi có mưa lũ- là hết sức quan trọng. Với người dân, khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng đưa ra là: ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Tiến hành thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
Thời điểm dịch bệnh dễ bùng phát, lây lan
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp và vùng hội tụ gió trên cao vẫn hoạt động mạnh, nên các tỉnh Bắc Bộ vẫn có mưa vừa, mưa to trong thời gian tới. Cụ thể, từ ngày 13 đến hết 18/8, các tỉnh miền núi phía Bắc có mưa to đến rất to, từ 150mm đến 300mm. Mưa lớn bao phủ các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái..., mở rộng tới các huyện miền núi Lạng Sơn, Quảng Ninh. Đợt mưa được dự báo còn lớn hơn đợt trước. Vẫn theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong năm nay, có khoảng từ 13-15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, trong đó sẽ có khoảng 5-6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Cùng với những thiệt hại về người, tài sản thì những trận bão, lũ, mưa lớn còn khiến mầm bệnh phát sinh và bùng phát thành dịch bệnh, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Lượng nước lớn cuốn theo nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… lan rộng, làm môi trường ô nhiễm, đồng thời tăng khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm. Trong đó, rác thải và xác động vật chết làm hỏng nguồn nước sinh hoạt, dẫn đến các loại dịch bệnh như tiêu chảy, đau mắt đỏ, tả, lỵ, thương hàn... và các bệnh về da.
Theo TS Lâm Quốc Hùng (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) thì sau mưa lũ nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn khan hiếm; đồ ăn dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, từ đó sinh độc tố. Cùng đó, người dân mất sức sau những ngày chống chọi với mưa lũ nên sức khỏe suy giảm, các tác nhân truyền bệnh dễ phát sinh.
Còn theo PGS.TS Bùi Khắc Hậu, thực tế cho thấy ở các vùng, miền sau mưa, lũ, lụt, bệnh về đường ruột thường tăng lên một cách đáng kể và có nguy cơ làm lây lan mầm bệnh tạo thành dịch nguy hiểm. Theo đó, bệnh đường ruột hay gặp nhất là bệnh tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy cấp tính. Nguồn nước có vi khuẩn tả thì cực kỳ nguy hiểm vì chúng có khả năng lây lan nhanh chóng. Bệnh tiêu chảy gây ra do virus mùa mưa, lũ có nhiều loại khác nhau, nhưng thường gặp là Rotavirus, tác động mạnh tới trẻ em do nguồn nước dùng không hợp vệ sinh. Trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus tạo ra khả năng lây lan mạnh.
PGS.TS Bùi Khắc Hậu cũng cho rằng, cùng với việc nguồn nước ngoài bị nhiễm vi khuẩn, virus thì cũng bị ô nhiễm ký sinh trùng, trong đó nhiễm ký sinh trùng amíp (gây bệnh lỵ amíp), các loại giun sán... cũng gây bệnh cho con người.
Ngoài ra, trong những dịch bệnh sau mưa lũ còn phải kể đến bệnh sốt vàng da chảy máu (xuất huyết) do vi khuẩn Leptospira gây ra có liên quan trực tiếp đến nước tiểu của các loài chuột mang mầm bệnh Leptospira. Chuột đào thải vi khuẩn này theo nước tiểu ra môi trường bên ngoài trôi vào dòng nước. Trong và sau mưa, lũ, lụt, nếu con người ngâm mình, chân tay với thời gian lâu trong nước thì vi khuẩn Leptospira rất dễ dàng chui qua da và niêm mạc để vào trong cơ thể con người.
Vì vậy, việc chủ động phòng tránh dịch bệnh sau mưa lũ là hết sức quan trọng, cần phải được tiến hành triệt để trước khi quá muộn.
Một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Journal of the Royal Society Interface, của nhóm chuyên gia đến từ Viện Công nghệ Massachusttes (Mỹ) và Đại học Liege (Bỉ) đã cho rằng những giọt mưa bắn tóe trên lá cây có phủ lớp chất lỏng nhiễm bẩn. Các lá cây không thể chống đỡ một lớp màng mỏng, mà thay vào đó hình thành các giọt trên bề mặt của chúng. Các mầm bệnh trú ngụ trong các giọt nước, rồi lây mầm bệnh sang cây bên cạnh. Nhiều loại nấm ký sinh theo nước mưa tiềm tàng nguy cơ phá hủy mùa màng. |