Trạng nguyên Nguyễn Trực: Trị nước phải lấy nhân tài làm gốc
Tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” đã được nhiều người, nhiều thế hệ nhắc đi nhắc lại đến quen thuộc. Nhưng tư tưởng “Trị nước phải lấy nhân tài làm gốc” thì ít người biết tới. Làm sao để có nhiều nhân tài làm gốc, chứ không phải “người nhà làm gốc”?. Trong hàng trăm bài văn thi Đình còn lại đến ngày nay, bài thi Đình của Trạng nguyên Nguyễn Trực lý luận rất hay về mối quan hệ này. Trong bài văn có câu khá táo bạo như: “Vua có nhân, không ai không có nhân; Vua có nghĩa, không ai không có nghĩa; Vua
Nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực, xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. (Ảnh: P.NCST).
Trạng nguyên đầu tiên trên bia Văn Miếu
Nguyễn Trực (1417-1474) hiệu là Hu Liêu, tự là Công Dĩnh. Ông sinh ra và lớn lên ở thôn Đĩnh Tú, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai, Hà Nội) nhưng quê gốc ở Bối Khê, xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội). Vì vậy, khi ông mất, triều đình cho dựng hai đền thờ ông ở hai địa phương trên. Nay đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực ở Bối Khê được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia còn đền thờ ở Đĩnh Tú được công nhận di tích lịch sử văn hóa thành phố.
Theo cuốn gia phả ghi 21 đời của dòng họ Nguyễn Trực được sao lại cho biết: Dòng họ Nguyễn Trực có truyền thống hiếu học và thành đạt trong văn chương học thuật. Cụ nội Nguyễn Trực - Nguyễn Tử Hữu làm Hàn lâm viện thị giảng, Thiêm tri hình viện sự triều Trần. Ông nội Nguyễn Trực là Nguyễn Bính đỗ tiến sĩ, làm Nho học huấn đạo phủ Ứng Thiên. Cha Nguyễn Trực là Nguyễn Thì Trung đỗ tiến sĩ làm Quốc tử giám giáo thụ. Mẹ là bà Đỗ Thị Chứng. Nguyễn Trực là con trưởng, em trai là Nguyễn Chân làm Quốc Tử giám tòng sự phủ Quốc Oai. Con trai Nguyễn Trực là Nguyễn Lực Hành làm Trung thư giám Sùng Văn Quán nho sinh, Nguyễn Tử Triệt đỗ Nho sinh tú lâm cục… Hầu như đời nào, dòng họ này cũng có người làm Huấn đạo, Giáo thụ.
Tương truyền, chưa đầy 10 tuổi, ông đã nổi tiếng thần đồng, 12 tuổi đã thích làm thơ và làu thông kinh sử. Đến tuổi thành niên, kiến thức Nguyễn Trực đã làm cho nhiều vị danh nho phải khâm phục.
Năm 18 tuổi, Nguyễn Trực đỗ thi hương. Và 25 tuổi đỗ Trạng Nguyên khoa Nhâm Tuất (1442) trở thành Trạng nguyên đầu tiên nhà hậu Lê. Khoa thi này, đích thân vua Lê Thái tông ra đề, quan Hành khiển Hàn lâm viện thừa chỉ Nguyễn Trãi chấm thi.
Năm 1484, vua Lê Thánh Tông sai Phụng trực đại phu, Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn bia ghi danh tiến sĩ khoa thi 1442. Đây chính là tấm bia đầu tiên được dựng tại Văn miếu Quốc tử giám. Bài văn bia này nổi tiếng với câu văn truyền đời: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Và cũng là điều trùng hợp ngẫu nhiên khi Nguyễn Trực lại là người chấm thi ở khoa thi Kỷ sửu 1469, khoa thi Thân Nhân Trung đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Vừa thi đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Trực đã phải chịu tang cha. Mấy năm sau lại chịu tang mẹ. Cuộc đời làm quan của ông đều đều không có vinh thăng tột bậc, nhưng cũng không bị giáng cấp. Chủ yếu là gắn với các chức quan “từ hàn” như: Quốc tử giám tế tửu, Hàn lâm viện thị giảng, Thiếu trung đại phu, Hàn lâm thiêm tri nhập thị học sĩ, Ngự tiền học sinh nhị cục...
Khi sứ nhà Minh là Hoàng Gián sang, vua Lê sai ông nghênh tiếp, thù tạc. Sứ giả hết mực ca ngợi tài năng của Nguyễn Trực. Vua cũng sai thợ vẽ truyền thần ông treo trong cung để luôn nhớ tới vị quan tài năng. Giai thoại kể rằng, trong dịp đi sứ nhà Minh, Nguyễn Trực và Trịnh Thiết Tràng còn thi đỗ Trạng Nguyên và Bảng Nhãn.
Sau khi lên ngôi (1460), vua Lê Thánh Tông trọng dụng Nguyễn Trực. Vua sai đem bộ “Thiên nam dư hạ tập” do các nhà khoa bảng, văn quan đại thần như Thân Nhân Trung, Quách Đình Bảo, Đào Cử, Đàm Văn Lễ soạn đưa tới cho Nguyễn Trực phẩm bình.
Bài văn bất hủ
Nhiều văn bản ghi lại những bài văn hay của các ông nghè, ông cử làm trong các dịp thi hội, thi hương, thi đình còn lưu lại trong kho tàng Viện Hán nôm. Đa phần, loại văn thơ thi cử, làm theo một khuôn khổ gò bó, ít sáng tạo lớn. Bây giờ nếu đọc dễ gây cho độc giả sự nhàm chán. Đột khởi trong số đó, bài văn sách nói về đường lối xây dựng đất nước đương thời của Nguyễn Trực lại khiến ta tâm đắc, có giá trị nhiều thời.
Khoa thi đình 1442, đích thân vua Lê Thái tông ra đề. Sau khi dẫn chứng về đường lối cai trị của thời Đường, Ngu, vua Nghiêu vua Thuấn, tìm kiếm nhân tài, hạn chế tiểu nhân, vua đặt vấn đề: “Đức Thái tổ Cao hoàng đế ta lấy được thiên hạ, nhiều phen xuống chiếu cầu hiền mà không có một ai trúng tuyển, trong khi ấy thì bọn Hãn, bọn Xảo ngầm nuôi mưu gian. Trẫm từ khi lên ngôi tới nay, gắng sức trị nước, thế mà việc chọn nhân tài vẫn mịt mờ thăm thẳm; bọn Ngân, bọn Sát lại gian ngoan chúa ác. Sao người quân từ khó tìm, kẻ tiểu nhân khó biết như vậy?”. Vua tha thiết: Các ngươi hãy đem hết hiểu biết của mình trả lời, trẫm sẽ đích thân xem xét.
Cùng đỗ ở kỳ thi 1442, nhưng sử sách không thấy nhắc đến bài văn của Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, Thám hoa Lương Như Hộc, hay của Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân Ngô Sĩ Liên (sau đó là nhà sử học nổi tiếng) mà chỉ nhắc tới bài văn của Nguyễn Trực.
Bài văn của Nguyễn Trực vào đề rất khéo. Ông viết: “Xưa nay, bậc thánh nhân trị nước, dẫu sự nghiệp có khác nhau, nhưng tấm lòng của họ, trước sau vẫn là một. Tiến cử người quân tử, lui bỏ kẻ tiểu nhân, ấy là bản tâm của bậc thánh nhân trị nước. Còn như người quân tử bị lui bỏ, mà kẻ tiểu nhân được tiến cử thì đâu phải là nguyện vọng của Thánh nhân”. Nhưng tại sao người quân tử bị lui bỏ, tiểu nhân được tiến cử?. Nguyễn Trực đã phân tích rất hay điều này can hệ trực tiếp qua đạo trị nước của bậc quân chủ. Tại sao vua Thái tổ (chỉ vua Lê Lợi) ban chiếu cầu hiền mà không được?.
Nguyễn Trực viết: “Là bởi tự mình chọn người, là đạo người làm vua, nhưng tiến cử tài năng cho đất nước, lại là chức trách của bậc đại thần. Bọn Hãn, bọn Xảo ngầm nuôi mưu gian ghen ghét hiền tài cất nhắc bè lũ. Bản thân chúng đã chả ra gì, thì làm sao tiến cử được nhân tài! Xem thế, dẫu Thái tổ Cao hoàng đế có nguyện vọng cầu hiền, nhưng bị bọn Hãn, Xảo che lấp hiền tài, nên không tìm được. Người xưa có câu: Ai tiến cử nhân tài, sẽ được ban thưởng mức cao nhất. Kẻ nào che lấp tài năng, phải bị trị tội nặng. Vì thế, bọn Hãn, Xảo đã không thoát khỏi sự trừng phạt của Thái tổ Cao hoàng đế”. Bọn Hãn, Xảo ở đây chính là Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo, những bậc đại thần khai quốc. Tuy nhiên vì bị vu khống dựng chuyện mưu toan thí nghịch nên hai bậc đại thần đều bị xử trảm.
Vào thời điểm lịch sử này, khi Nguyễn Trực viết những dòng văn như vậy, không biết ông có hiểu rõ chân tướng của vụ án không, hay phải viết vì nương theo ý vua?. Dù vậy, ông cũng chỉ viết “qua loa”, “vu” cho hai vị đại thần che lấp hiền tài chứ không “bịa” ra tội trạng cụ thể. Vì ông tôn trọng sự thật mình biết. Nhưng đối với Lê Sát, Lê Ngân, những đại thần khai quốc khuynh loát nghiêng ngả triều đình vì hàng loạt âm mưu, hành động tàn ác thì ông viết rõ: “Bọn Ngân, bọn Sát lừa dối bề trên, hãm hại hiền tài, lấy bọn theo mình làm giỏi, lấy bọn múa mép làm tài, mua quan bán tước, hối lộ ngang nhiên, đầy Cầm Hổ ra chân xa, bãi chức quan của Thiên Tước. Những việc như vậy, đâu phải vì nước tiến cử nhân tài, vì vua lựa chọn bề tôi? Do vậy mà người quân tử khó tìm, kẻ tiểu nhân khó biết”.
Luận về đạo quân, tiểu nhân, Nguyễn Trực viết: “Ôi, quân tử và tiểu nhân hoàn toàn trái ngược nhau. Đạo quân tử mạnh thì đạo tiểu nhân suy; đạo quân tử suy thì đạo tiểu nhân mạnh. Như âm với dương, như ngày với đêm không thể cùng song song vận hành; như nước với lửa, như thơm với thối, không thể cùng chứa trong một rọ. Cho nên bậc bề trên, mỗi lúc dùng người phải bình tĩnh, phải chuyên tâm, phải thử thách, phải thận trọng mới được”.
Đặc biệt, trong bài thi, Nguyễn Trực thẳng thắn chỉ ra đạo trị quốc là cách dùng người. Ông viết: “Bệ hạ muốn quân tử tiến, tiểu nhân lùi thì không gì bằng gần gũi bề tôi khí tiết, sử dụng kẻ sĩ chính trực để họ đưa vua đi đúng đường đặt vua vào chỗ không lầm lỗi. Cho nên, Mạnh Tử nói: Không thể chỉ trách cứ người mình dùng, không thể chỉ chê bai việc chính sự. Duy bậc Đại nhân mới biết sửa lỗi lầm của vua. Vua có nhân, không ai không có nhân; Vua có nghĩa, không ai không có nghĩa; Vua chân chính, không ai không chân chính. Trước hết, vua chân chính rồi cả nước sẽ bình yên”.