Từ Á sang Phi...
Tới tận bây giờ, nhiều bộ tộc trên thế giới vẫn duy trì tập tục sinh hoạt rất độc đáo. Cuộc sống bên ngoài hầu như không tác động gì tới họ. Và chính điều đó đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Người Maasai.
1. Ở châu Á, bên dãy Himalaya hùng vĩ, có nhiều tộc người mà cuộc sống của họ được coi là “không tưởng”. Nhiếp ảnh gia Cat Vinton đã nhiều lần quay lại vùng này, cô đã sống chung với người Chang Tang-pa trên dãy Himalaya tuyết phủ. Gần 2 tháng không phải là quá dài nhưng cũng đủ để Vinton ghi lại được nhiều hình ảnh mô tả cuộc sống của người dân nơi này. Gia đình ông Gaysto (năm nay 55 tuổi) là những người đầu tiên đã chào đón Vinton.
Họ sống trong một túp lều mà khi trời lạnh gió lùa buốt giá. Con gái của Gaysto, cô Sonam là người hướng dẫn cho Vinton đi khắp làng. Vợ ông Gaysto - bà Yangyen hàng ngày nấu cơm cho Vinton cùng cả nhà.
“Bà như một cái bóng vậy, hầu như cả ngày không nói câu nào. Nhưng ánh mắt của bà cũng như những bữa ăn do bà nấu cho thấy bà là người nhân hậu”- Vinton kể.
Cậu con trai của ông Gaysto- Karrma thì khá nghịch ngợm. “Cậu bé không đi học do làng ở quá cách biệt, nhưng nó là một thằng bé thông minh, sẵn lòng giúp đỡ người khác” - Vinton đưa ra nhận xét và nói thêm rằng, cô chưa bao giờ chứng kiến một gia đình nào hạnh phúc như gia đình Gaysto, cho dù họ rất nghèo nàn về vật chất. Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá ngoài mấy tấm da dê.
Cùng với cô bé Sonam, nhiếp ảnh gia Vinton đi theo những người chăn dê. Sáng sớm, họ lùa dê vượt qua triền núi cao để đến một thung lũng đỡ lạnh hơn, ít tuyết hơn cho chúng gặm cỏ. Có hôm, vào buổi chiều âm u, khi người dân bắt đầu lùa dê về thì trời tuyết ập đến.
- Không thể hình dung được nhiệt độ lại xuống thấp nhanh như vậy. Chúng tôi chạy hết sức trong làn tuyết cốt là để cho người ấm lên. Tôi có cảm giác nếu ngừng chạy máu trong người sẽ đông cứng lại ngay. Vinton nhớ lại và nhấn mạnh rằng con người là sinh vật “khó chết nhất”, bằng chứng là người làng Chang Tang-pa vẫn sống vui vẻ trong những ngày âm 30 độ C, trong khi đàn gia súc thì lăn ra chết.
Một gia đình người Chang Tang-pa.
2. Tại châu Phi, trong những cánh rừng rậm nhiệt đới, phía thượng nguồn của những dòng sông nước xiết, còn nhiều bộ tộc du canh du cư. Trong mỗi chuyến đi, họ lại mang theo trọn vẹn cung cách sống, cách ứng xử của bộ tộc.
Với bộ tộc Wodaabe sống du canh du cư ở Nigeria, Cameroon, Chad... Khi mùa thu đến, bên hồ Chad, người Wodaabe tổ chức lễ hội dành cho người du mục- gọi là hội Cure Salee. Cũng giống như các bộ lạc khác, người Woddabe thể hiện hết mình trong những điệu nhảy mang tính cộng đồng cao.
Nhưng điều thú vị trong lễ hội này là cuộc thi sắc đẹp dành cho các chàng trai. Họ mặc trang phục lộng lẫy nhất, trang điểm và đeo trang sức, chờ các cô gái đánh giá. Bộ răng của nam giới người Wodaabe được đánh giá cao, thể hiện sức khỏe và sự can trường, do đó trước khi thi họ ra công “tút” lại cho nó trắng bóng. Cùng đó, nụ cười luôn thường trực để... khoe hàm răng.
Người được xếp hạng cao của cuộc thi “mỹ nam” có quyền chọn cho mình một cô gái nổi bật nhất để làm vợ, và cô gái luôn sẵn lòng đáp ứng vì đó là một vinh dự không chỉ của riêng cô mà còn là của cả gia đình.
Còn bộ tộc Mursi (Ethiopia), trong những cuộc thi sắc đẹp bao giờ cũng tạo cho môi dưới của mình hình thù rất khác biệt bằng cách lồng một chiếc đĩa gốm vào. Đĩa càng lớn lại càng đẹp. Chính vì điều này mà ngay khi còn nhỏ, các bé gái Mursi đã được mẹ đục lỗ ở môi dưới, cho đĩa vào. Chiếc đĩa lớn dần theo thời gian và sức chịu đựng của cô gái, cho đến khi ưng ý nhất thì đi dự thi trong lễ hội.
Vẻ đẹp người Hamar.
Nhiếp ảnh gia Sosyal Bilimler trong một lần đến Namibia đã vô cùng ngạc nhiên trước vẻ đẹp của những cô gái bộ lạc Himba. Tóc và làn da của họ luôn có ánh đỏ do bôi otjize- một hỗn hợp gồm bơ, mỡ và đất đỏ lên tóc và da hàng ngày. Lúc đầu, Sosyal tưởng họ bôi bùn lên cơ thể để tránh côn trùng, nhưng khi tiếp xúc mới biết bị nhầm.
Cùng với tay máy Frans Lanting, Sosyal đã ghi lại nhiều hình ảnh độc đáo của những cô gái Himba. Họ còn tới Ethiopia để chụp ảnh những chàng trai của bộ tộc Hamar trong một lễ hội nhảy bò- đánh dấu sự trưởng thành. Mỗi người sẽ phải nhảy trên lưng những con bò bốn lượt để được công nhận quyền lấy vợ.
“Chỉ cần trượt chân là họ có thể bị thương. Nhưng may mắn thay không ai bị gì cả. Đây là một nghi thức có một không hai”- Sosyal nói.
Còn với những chàng trai bộ tộc Xhosa (Nam Phi) thì khi đến tuổi trưởng thành họ sẽ phải rời khỏi làng với khuôn mặt bôi đất sét trắng, trùm chăn và đem theo ít đồ dùng thiết yếu, để vào rừng tự sống trong hai tháng.Chỉ đến khi trở về họ mới được công nhận là trưởng thành và lúc đó mới được phép lấy vợ.
Những em bé Himba.
Một bộ lạc hết sức độc độc đáo nữa ở lục địa Đen là Maasai. Bộ tộc này thuộc chủng tộc Nilotic bán du mục sinh sống ở Kenya và phía Bắc Tanzania. Họ là những người cao lớn vượt trội so với người của bộ lạc khác.
Cách đây hơn 3 thế kỷ họ đã chiếm được trọn vẹn thung lũng Great Rift và vùng đất liền kề từ phía Bắc Mount Marsabit đến phía Nam Dodoma. Tới nay, bộ lạc Maasai có gần 1 triệu người, sống trong những ngôi làng có hình vòng tròn. Phần trung tâm của làng là nơi nuôi dưỡng đàn gia súc. Nhà của họ làm bằng đất sét, kết nối với nhau tạo thành những vòng khép kín.
Đây là một bộ tộc rất đoàn kết, với khoảng từ 8 đến 10 gia đình, họ sống gần như chung nhau, chia sẻ từ bát cơm tới tấm áo. Người Maasai vừa giỏi chăn nuôi gia súc nhưng đồng thời cũng là những thợ săn tài ba. Điểm đáng chú ý đối với phụ nữ Maasai là khi 9 tuổi họ bắt đầu cạo trọc đầu. Kể cả những người cao tuổi nhất trong bộ lạc cũng không lý giải được vì sao như vậy, nhưng tập tục đó vẫn được giữ một cách tuyệt đối cho tới ngày nay.