Trung Quốc tuyên bố cấm nhập hàng từ Triều Tiên
Trung Quốc hôm 14/8 cho hay họ sẽ ngừng nhập khẩu các mặt hàng sắt, quặng sắt và hải sản từ CHDCND Triều Tiên bắt đầu từ hôm thứ Ba, tiếp nối các lệnh trừng phạt mới mà LHQ đưa ra sau khi Mỹ gây sức ép để chính quyền Bắc Kinh đưa ra các biện pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn chương trình hạt nhân của bình Nhưỡng.
Lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc đối với Triều Tiên có hiệu lực từ ngày 15/8. (Nguồn: AP).
Cắt nhập khẩu sắt, hải sản
Quyết định trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi diễn biến trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng do cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, làm dấy lên những cảnh báo của cộng đồng quốc tế về cuộc khủng hoảng này.
Chính quyền Bắc Kinh đã cam kết sẽ thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt mới áp đặt với Bình Nhưỡng sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc chưa đủ nỗ lực để kiềm chế quốc gia láng giềng của họ, vốn dựa dẫm chủ yếu vào nền kinh tế lớn nhất châu Á trong lĩnh vực kinh tế.
Trong hôm đầu tuần, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo trên website chính thức rằng tất cả mặt hàng nhập khẩu than, sắt, quặng sắt và hải sản từ Triều Tiên sẽ bị "cấm hoàn toàn" kể từ hôm thứ Ba tuần này. Bắc Kinh cũng từng tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên trong tháng 2 vừa qua.
Hội đồng Bảo an LHQ, bao gồm cả Trung Quốc với tư cách thành viên thường trực, đã thông qua nghị quyết gồm các lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có nhằm vào Triều Tiên trong hôm 6-8 vừa qua, một biện pháp có thể khiến nền kinh tế của Triều Tiên thiệt hại khoảng 1 tỷ USD một năm.
Các lệnh trừng phạt trên được đưa ra nhằm đáp trả 2 vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Triều Tiên thực hiện trong tháng trước, sau khi lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố rằng tên lửa của họ giờ có thể tấn công bất kỳ khu vực nào trên lãnh thổ của nước Mỹ.
Sau khi các lệnh trừng phạt của LHQ được thông qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cam kết rằng đất nước ông "chắc chắn sẽ thực thi 100% nghị quyết mới một cách đầy đủ và nghiêm túc". Ngoài ra, Trung Quốc cũng kêu gọi các bên nối lại vòng đàm phán 6 bên về vấn đề giải giáp hạt nhân để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Ngoài việc kêu gọi Triều Tiên ngừng các hành động khiêu khích gây căng thẳng, chính quyền Bắc Kinh cũng kêu gọi Mỹ ngừng các cuộc tập trận thường niên với các đồng minh trong khu vực, điều mà Bình Nhưỡng xem là một chính sách thù địch của Washington đối với họ.
Tình hình tạm lắng
Cũng trong hôm đầu tuần, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã có dấu hiệu dịu trở lại sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người từng đưa ra quan điểm nối lại đàm phán với Triều Tiên, tuyên bố rằng việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên cần phải được thực hiện một cách hòa bình, trong khi một số quan chức Mỹ cũng hạ giọng về khả năng xảy ra cuộc chiến với Triều Tiên.
"Không được có thêm một cuộc chiến nào nữa trên bán đảo Triều Tiên. Dù chúng ta phải đối mặt với điều gì, thì vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng cần phải được giải quyết một cách hòa bình" - Tổng thống Moon nói trong cuộc gặp với các cố vấn - "Tôi chắc chắn rằng Mỹ sẽ phản ứng với tình hình hiện tại một cách bình tĩnh và trách nhiệm, giống như quan điểm của chúng ta".
Các thị trường ở khu vực châu Á cũng tăng trở lại trong hôm đầu tuần khi các nhà đầu tư cảm thấy an tâm hơn khi các bên không còn đưa ra nhiều luận điệu thách thức nhau. Trước đó thì các thị trường tài chính trong khu vực đã trở nên hỗn loạn và sụt giảm ghê gớm do khẩu chiến giữa Bình Nhưỡng và Washington, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Dong-yeon cho hay.
"Ảnh hưởng từ tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đối với các thị trường tài chính đã gây nên tình trạng bất an trên toàn cầu và chúng tôi không thể loại trừ khả năng thị trương bất ổn sẽ tiếp tục kéo dài" - ông Kim nói.
Được biết ông Kim Dong-yeon sẽ có cuộc gặp với Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc trong hôm 16/8 tới để thảo luận về rủi ro đối với các thị trường và các biện pháp bình ổn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford hiện đang có chuyến thăm tới Hàn Quốc để thảo luận về tình hình căng thẳng hiện nay, ngay trước khi cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn diễn ra theo kế hoạch vào cuối tháng này.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn quốc Lee Jin-woo cho hay cuộc tập trận này - từ lâu đã là nguồn cơn khiến cho chính quyền Bình Nhưỡng tức giận và có hành động phản ứng - sẽ tiếp diễn đúng theo kế hoạch.
"Chúng là các cuộc tập trận hợp pháp, thường niên và chỉ tập trung vào khả năng tự vệ chứ không phải để đối phó với các hành động khiêu khích của Triều Tiên" - ông Lee nói trong một cuộc thông báo vắn tại Seoul.