Làm gì cho tàu vỏ thép ra khơi?

Văn Nhất 15/08/2017 07:35

Số báo 226, ra ngày 14/8/2017, ĐĐK đã đăng bài viết: “Tàu vỏ thép lớn nhất Ninh Thuận phải nằm bờ”. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có trao đổi với các cơ quan chuyên môn về vấn đề này.

Tàu vỏ thép ngư dân Dương Văn Thắng ngày càng xuống cấp.

Lỗi do ai?

Theo ông Đặng Văn Tín - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, nói như anh Thắng là không đúng sự thật, đó chỉ là các lý do của ngư dân đưa ra để không vươn khơi nữa.

Ông Tín cho biết, dưới góc độ của một ngư dân đi biển lâu năm, tàu này không thể vươn khơi có 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, trình độ tiếp nhận và vận hành tàu vỏ sắt của ngư dân chưa tốt; Thứ hai, chủ tàu không đủ các tàu để bán hải sản cho mình, vì trước kia đi thu mua tàu vỏ gỗ, công suất nhỏ thì ít người bán cũng đủ, nhưng giờ tàu lớn rồi cần nhiều hơn những người khác bán để đủ số lượng; Thứ 3, đi tàu nhỏ thì vốn lưu động ít, nhưng tàu vỏ thép thì cần số vồn nhiều hơn và buôn bán ngoài biển thì tiền trao cháo múc nên chủ tàu không đủ tài chính.

Trong đơn anh Thắng nói tàu vỏ thép mà nước chảy vào tàu nhiều, nhưng khi đoàn kiểm tra đi thực tế thì không phải vào nước mà là do chủ tàu và các ngư dân dùng nước sinh hoạt “rơi xuống” dưới đáy tàu.

Bên cạnh đấy còn có nguyên nhân nữa là do khu vực trục láp (chân vịt) trong quá trình vận hành thì nước nó rỉ vào. Về phản ánh anh Thắng không có vốn lưu động đi thu mua, khi lên làm việc với ngân hàng do Chi cục làm đầu mối thì quá trình mua bán và kiểm soát dòng tiền, anh Thắng không đáp ứng được các điều kiện của Nghị định 67 nên ngân không cho vay được.

Về đơn phản ánh tàu rung lắc, sau khi có sự chỉ đạo của UBND tỉnh thì Chi Cục đã mời đoàn công tác gồm thành viên là Đại học Nha Trang, Cơ quan Đăng kiểm và lãnh đạo các sở ngành để tiến hành kiểm tra, thử tàu.

Theo ông Tín, nơi thử tàu là những nơi sóng gió nhất của tỉnh Ninh Thuận và đỉnh điểm là lúc cơn bão Nock–Ten vừa đi vào biển Đông và vừa đi qua Phillippines. Tuy nhiên, sau 2 chuyến khi kiểm tra thực tế kết luận việc rung lắc không như chủ tàu phản ánh.

Khi được phóng viên hỏi nếu tàu không lắc thì tại sao tàu không thể vươn khơi, ông Tín cho rằng, hai vật liệu khác nhau thì biên độ dao động cũng sẽ khác nhau.

Anh Thắng đóng tàu vỏ thép nhưng các đối tượng của anh lại là tàu vỏ gỗ, tầng số lao động cũng khác nhau, riêng tàu vỏ composit cặp vào tàu vỏ gỗ đã khó huống gì tàu thép.

Bởi vì, biên độ lao động của tàu vỏ thép sẽ chậm đi mà tàu vỏ gỗ lại nhanh hơn và do 2 con tàu không cùng chu kỳ lắc, khi sóng lên xuống vô hình dung thì sườn của tàu vỏ thép trở thành cái máy chém con tàu vỏ gỗ.

“Với một ngư dân hơn 20 năm đi biển, tôi khẳng định các tàu vỏ gỗ không bao giờ cập vào tàu vỏ thép để chuyển các sản phẩm qua được, trừ đi vào các đảo và sóng lặng”, ông Tín nói.

Xung quanh việc này, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng nói: “Ngoài Trung ương đã vào kiểm tra về thiết kế rồi. Con tàu không có vấn đề gì đâu. Vì sao chủ tàu không đi biển? Cứ lấy lý do không đủ người đi, rồi điều kiện gia đình không có để không đi biển. Hiện nay, chủ tàu cứ lấy lý do như vậy nên các ngành liên quan đã họp, đề xuất tìm một đơn vị, hộ nào đó nhượng lại cho họ”.

Ngư dân bức xúc

Trước những ý kiến trên, ngư dân Dương Văn Thắng rất bức xúc: “Nói tàu nhiều nước là do chúng tôi dùng nước sinh hoạt đổ xuống là không đúng. Mặt nước trong tàu lúc nào cũng nhiều vậy, chứ đâu phải lúc có lúc không đâu? Chẳng lẽ trên boong tàu bị thủng?”

Còn vấn đề vốn lưu động, anh Thắng nói: “Ngân hàng đã không tạo điều kiện. Khi nhận tàu về, chuẩn bị đi biển, chúng tôi lên gặp ngân hàng xin vay vốn nhưng họ trả lời anh cứ đi, về chúng tôi sẽ cho vay sau. Nhưng lần nào cũng vậy, chuyến nào đi về họ cũng hứa, nhưng sau 4 chuyến đi biển chúng tôi cũng không nhận được 1 đồng nào”.

Cũng theo anh Thắng, vì ngân hàng hứa cho vay nên gia đình đã vay mượn bên ngoài để đi biển. Nhưng sau 4 chuyến bị thua lỗ do tàu gặp nhiều sự cố và ngân hàng cũng không cho vay nên gia đình đành ngậm ngùi bán một căn nhà của bố mẹ hơn 1 tỷ để trả nợ và nuôi con tàu “bệnh”.

Khi tàu vừa nằm bờ, gia đình vẫn còn nhà cửa, tiền bạc. Nhưng từ đó đến nay, nuôi con tàu nằm bờ giờ không còn một cái gì. Chiếc nhà thứ hai cũng bán để bảo dưỡng, nuôi tàu. Giờ không còn cái gì mà bán được nữa.

Nói về kết luận tàu không lắc, anh Thắng cho biết: “Đi thì cả đoàn, chỉ có ông đăng kiểm ở lại và chủ trì. Tàu nó lắc thì tôi nói nó lắc chứ đóng tàu ai thích để tàu nằm bờ mà bán nhà nuôi nó. Nói như ông Tín là tàu vỏ sắt đóng ra mà không đi thu mua được thì kêu ngư dân đóng để làm gì…”.

Được biết vừa qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có báo cáo gửi Bộ NN&PTNT có nêu: “Các thiết kế tàu vỏ sắt chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm của tàu khai thác hải sản, còn nhiều tồn tại nhược điểm so với tàu cá vỏ gỗ, do đó ảnh hưởng hưởng đến sản xuất.

Điều này đã được bộc lộ qua quá trình hoạt động của tàu cá đã đi vào hoạt động (bố trí buồng máy chật hẹp, tàu bị rung lắc trong điều kiện sóng gió cấp 5…) Trên địa bàn tỉnh có 1 con tàu vỏ thép, tuy nhiên trong quá trình hoạt động, trang thiết bị trên tàu hư hỏng nhiều…”.

Văn Nhất