Mở lối cho nông nghiệp công nghệ cao
Điểm yếu nhất của nông nghiệp Việt Nam là công nghệ; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như thế nào cho hiệu quả dù chủ trương, chính sách, cũng như giải pháp được đưa ra đã khá nhiều?
Ảnh minh họa.
Cùng với làn sóng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (CNC) của doanh nghiệp diễn ra trong quãng thời gian 2 năm trở lại đây, các bộ, ngành, địa phương cũng đang tích cực tháo gỡ những vướng mắc về mặt chính sách, đặc biệt là tháo gỡ về vốn và hạn điền. Hầu hết những dự án lớn hiện nay đều được các địa phương chuẩn bị sẵn đất sạch chào mời.
Còn về vốn, phía NHNN cũng cho biết gói ưu đãi 100.000 tỷ để phát triển nông nghiệp CNC; theo kêu gọi đến nay đã có nhiều ngân hàng cam kết thực hiện, thậm chí vốn mà ngân hàng dồn vào còn hơn 100.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, theo thống kê hiện nay, chỉ mới có 2 khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại Hậu Giang và Phú Yên được Thủ tướng thành lập và một vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thẻ chân trắng được công nhận tại Kiên Giang . Tính ra cả nước mới có 28 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Group), đầu tư vào nông nghiệp CNC vẫn còn 1 thách thức khác nữa là thị trường.
Cơ sở nền tảng để quyết định đầu tư vào nông nghiệp CNC phải là nhu cầu của thị trường và chỉ những nông sản có giá trị cao mới có thể ứng dụng trọn gói CNC vào sản xuất, vì chi phí sản xuất sẽ cao hơn rất nhiều. Nên rất ít thị trường chấp nhận giá sản phẩm cao.
Tại cuộc hội thảo phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Bộ NN&PTNT tổ chức vào sáng 14/8, nhiều quan điểm cũng cho rằng: Làm nông nghiệp CNC phải có đủ ba yếu tố: Thị trường, công nghệ và quan trọng nhất là có doanh nghiệp thực thi. Nếu có vốn mà không định hình được sản phẩm, không định hướng được thị trường thì nguy cơ thất bại là rất lớn.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các chương trình cho vay vốn tại Tây Nguyên còn chỉ ra rằng: hộ nông dân ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch thiếu thông tin đầy đủ và cập nhật về thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, các mô hình ứng dụng CNC trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều, chưa đảm bảo giảm thiểu được ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu bất thuận đến sản xuất nông nghiệp. Nửa đầu năm 2017 cho thấy, còn rất nhiều bất ổn về thị trường tiêu thụ nông sản, việc sản xuất sạch, sản xuất theo chuỗi còn chậm.
Công tác triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng CNC thường bị kéo dài do những chậm trễ liên quan đến công tác quy hoạch, khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đầu tư.
Để phát triển nông nghiệp CNC hiện có 2 chức năng cần thực hiện đồng bộ đó là: Nhà nước đầu tư nguồn ngân sách tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư nguồn lực đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiên cứu, chuyển giao, ươm tạo doanh nghiệp đúng tầm, có khả năng đầu tàu về công nghệ để triển khai trong vùng và hợp tác quốc tế.
Đồng thời có chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước có thế mạnh về tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng quản lý tốt, có trình độ.