Công nghiệp ô tô: Tiềm năng chưa đáp ứng nhu cầu
Vì sao ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa thể phát triển được như kỳ vọng? Đó là trăn trở lâu nay của nhà quản lý cũng như giới chuyên gia trong ngành.
Ô tô khó phát triển nếu các DN không liên kết.
Bao giờ hết thách thức?
Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển công nghiệp ô tô, vấn đề đầu tiên là thị trường nội địa, từ đó mới hình thành mạng lưới các nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ.
Bởi vậy, muốn hình thành cụm ngành công nghiệp ô tô, rất cần thu hút được những doanh nghiệp (DN) đầu tàu, từ đó kéo cả đoàn tàu đi về một hướng.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020 đặt mục tiêu hình thành các chuỗi sản phẩm ô tô, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, hướng đến một số các dòng sản phẩm chính là ô tô dưới 9 chỗ ngồi cũng như các ô tô tải, ô tô phục vụ cho các nhu cầu vận chuyển trong sản xuất và sinh hoạt.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công thương được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng gói chính sách phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, với mục tiêu làm giảm chi phí cho DN và người tiêu dùng, đưa ngành sản xuất ô tô trong nước thực sự phát triển hiệu quả.
Tuy nhiên, dù nhà quản lý đã nỗ lực đưa ra khá nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp này, song theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, nền công nghiệp sản xuất vật liệu yếu kém (công nghiệp luyện kim, công nghiệp sản xuất vật liệu phi kim loại…) vẫn đang là nguyên nhân chính khiến cho ngành công nghiệp ô tô của ta hiện nay chỉ đơn giản là gia công.
Để cải thiện được thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc xây dựng chính sách phù hợp, ngành ô tô cần phải hình thành các cụm công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô.
Trong khi Việt Nam là thị trường rất tiềm năng, nhưng cụm công nghiệp ô tô vẫn loay hoay chưa được hình thành, DN sản xuất, lắp ráp ô tô vẫn phân tán, lẻ tẻ dẫn đến ngành công nghiệp này nhiều năm qua vẫn dậm chân tại chỗ, kỳ vọng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa vẫn… xa vời vợi.
Theo chia sẻ của ông Vũ Quang Long, đại diện Công ty ô tô Trường Hải, mặc dù DN đã chủ động xây dựng cụm công nghiệp ô tô với 23 công ty con sản xuất linh kiện phụ trợ cho Trường Hải, tuy nhiên, để sản xuất ô tô đòi hỏi nhiều cụm chi tiết, trong khi 23 công ty con mới chỉ sản xuất được một lượng rất nhỏ chi tiết cho một chiếc xe. Chính vì thế, DN phải tìm mua nhiều linh kiện từ các DN trong nước.
Song đa phần các đơn vị cung cấp linh kiện lại nằm ở địa bàn phía Bắc, khiến DN rất tốn chi phí vận chuyển, trong khi chi phí logistics ở Việt Nam rất lớn, đó là lý do vì sao giá thành xe trong nước bị đẩy lên cao, khó có thể cạnh tranh được với xe cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài.
Chia sẻ với tâm tư của vị đại diện Trường Hải, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban chính sách Hiệp Hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho rằng, Việt Nam dù chỉ có 17 nhà sản xuất ô tô trong VAMA nhưng lại cần rất nhiều nhà sản xuất linh kiện. Ngành ô tô phát triển đòi hỏi ngày càng nhiều các nhà sản xuất linh kiện cũng như các nhà cung ứng nguyên liệu phụ tùng.
Cần thu hút các doanh nghiệp đầu tàu
Theo ông Tuấn, nhập khẩu linh kiện ô tô về lắp ráp phải đóng gói từng chi tiết nên chi phí sản xuất ở Việt Nam rất cao. Ở nước ngoài họ luôn hình thành các cụm công nghiệp bao quanh nhà máy sản xuất ô tô với mục tiêu giảm chi phí vận chuyển.
Khi hình thành được cụm công nghiệp ô tô chắc chắn sẽ giảm được chi phí vận chuyển, nâng cao quy mô thị trường, tăng cường nội địa hoá giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), vấn đề xây dựng cụm công nghiệp ô tô đã được bàn tính từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ chính sách cụ thể nào và cũng chưa làm được gì.
“Việc hình thành các cụm công nghiệp ô tô góp phần giảm chi phí giá thành sản phẩm. Cụm công nghiệp ô tô là sự liên kết vùng cả ngang và dọc giữa các DN, giúp hỗ trợ, thúc đẩy chuyên môi hoá, giúp các bên với nhau, góp phần giảm chi phí cũng như tăng năng lực cạnh tranh”, bà Tuệ Anh nhấn mạnh.
Đề cập đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Viện Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) chỉ rõ, ở Việt Nam, mặc dù có tiềm năng hình thành cụm công nghiệp ô tô, nhưng chưa đạt được đến mức độ tập trung như một số quốc gia lân cận như Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản, vì mạng lưới nhà cung cấp cấp 1 ở Việt Nam rất là ít.
Bên cạnh đó, sự tích tụ để hình thành các cụm công nghiệp ô tô ở Việt Nam còn hạn chế so với các nước là do quy mô thị trường.
Với những sản phẩm xuất khẩu sản phẩm nguyên chiếc dễ dàng có thể thấy rõ, nhà cung ứng điện tử ở Việt Nam hình thành nhanh, dễ dàng thu hút nhà cung ứng nhưng riêng ở lĩnh vực ô tô hầu như chưa phát triển.