Chính sách cho nạn nhân da cam: Vẫn còn nhiều vướng mắc
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh- Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, dù Nhà nước đã ban hành chính sách khá đầy đủ song quá trình triển khai tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc nên đến nay vẫn còn hàng nghìn nạn nhân da cam chưa được hưởng chế độ.
Hàng nghìn nạn nhân chưa được hưởng chế độ
Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, đến nay, có khoảng 320.000 người là nạn nhân chất độc da cam được hưởng chính sách ưu đãi người có công.
Đáng chú ý, chỉ tính riêng phong trào “Hành động Vì nạn nhân chất độc da cam”, “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp chủ trì, phối hợp thực hiện từ năm 2011 đến tháng 6/2017 đã vận động được tiền và hiện vật quy ra tiền là 1.518 tỷ đồng, trong đó quỹ Trung ương 111,6 tỷ đồng, quỹ địa phương 1.406,4 tỷ đồng, ủng hộ của bạn bè quốc tế 113,6 tỷ đồng hỗ trợ nạn nhân da cam xây dựng sửa chữa nhà, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, dạy nghề...
Mặc dù vậy, theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong số 4,8 triệu người bị phơi nhiễm có hơn 3 triệu người là nạn nhân của thảm họa.
Hiện nay, chất độc màu da cam đã truyền sang thế hệ thứ ba. Đặc biệt, hàng trăm nghìn nạn nhân còn phải sống trong cảnh đói nghèo.
Thế nhưng do những vướng mắc về chính sách, đến nay vẫn còn hàng trăm nghìn nạn nhân da cam chưa được hưởng chế độ.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cho biết, Hà Tĩnh có khoảng gần 20.000 người trực tiếp tham gia chiến đấu và con đẻ của họ bị phơi nhiễm.
Trong đó, mới giải quyết chế độ được khoảng 7.500 trường hợp. Nguyên nhân do một số chủ trương chính sách chưa thống nhất, còn thay đổi nhiều.
Trong khi đó, phần lớn nạn nhân tham gia chiến đấu nhưng hiện không giữ lại được giấy tờ. Bên cạnh đó, theo Quyết định 09 của Bộ Y tế quy định 17 danh mục bệnh tật hưởng chính sách thì có những người chưa phù hợp với điều kiện danh mục được hưởng đó.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, chính sách của Nhà nước, về mặt pháp lý tương đối đầy đủ.
Nhưng hướng dẫn thực hiện còn nhiều vướng mắc, trong đó vướng mắc nhất hiện nay là nạn nhân không còn giấy tờ để chứng minh chiến đấu ở vùng nào và nhiễm ở vùng nào, từ đó không có cơ sở để được hưởng chế độ.
Bên cạnh đó, một số chế độ cụ thể dành cho người nhiễm chất độc hóa học còn chưa phù hợp, cụ thể: Trợ cấp hàng tháng cho thế hệ thứ 2 còn thấp, nhất là mức trợ cấp của đối tượng suy giảm khả năng lao động 81% trở lên.
Mở rộng đối tượng được hỗ trợ
Liên quan đến danh mục xác định bệnh tật đối với nạn nhân da cam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng thừa nhận, về cơ bản, cho tới nay Bộ Y tế phối hợp với Bộ LĐTB&XH đã hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến việc xác nhận đối tượng nhiễm chất độc da cam.
Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin không có dấu hiệu đặc trưng riêng biệt, vì vậy, việc xác định đối tượng là nạn nhân chất độc hóa học/dioxin một cách khoa học rất khó khăn, phát sinh kẽ hở cho tiêu cực, dẫn đến dễ lạm dụng chính sách của Đảng và Nhà nước gây bất ổn về an sinh xã hội.
Trên thực tế, hầu hết hồ sơ của những nạn nhân chất độc da cam đủ điều kiện về mặt pháp lý đều đã được các cấp, ngành thẩm định, nhanh chóng giải quyết chế độ cho các đối tượng.
Những trường hợp chưa đủ điều kiện đã được trả lời cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay, những đối tượng tham gia hoạt động kháng chiến không có hồ sơ gốc, tham gia kháng chiến sau năm 1975 tại địa bàn quân đội Mỹ rải chất độc hóa học và những người dân sinh sống trên địa bàn Mỹ rải chất độc hóa học từ tháng 8/1961 đến 30/4/1975 chưa được giải quyết chế độ.
Theo các địa phương, để giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với nạn nhân nhiễm chất độc da cam, Chính phủ cần sớm có văn bản hướng dẫn quy định thủ tục giải quyết đối với người có thời gian tham gia kháng chiến ở vùng bị rải chất độc hóa học nhưng không còn lưu giữ được giấy tờ gốc chứng minh có tham gia hoạt động ở chiến trường B, C, K từ ngày 10/8/1961 đến ngày 30/4/1975; sớm ban hành danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, quy định rõ những bất thường về sinh sản và cơ sở pháp lý để được công nhận.