Phó Thủ tướng: Quản lý việc thu phí, kiểm soát giá phí BOT

PV 15/08/2017 15:10

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đến vấn đề quản lý tốt công tác khai thác, sử dụng các công trình giao thông bằng hình thức BOT; quản lý việc thu phí, kiểm soát giá phí phù hợp; xử lý kịp thời tranh chấp giữa người dân và nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát khu vực chịu ảnh của lũ quét tại Mù Cang Chải.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có chương trình giám sát chuyên đề về đầu tư theo hình thức BOT ngành Giao thông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan, các địa phương nghiêm túc báo cáo trên tinh thần khách quan, trung thực để làm rõ những mặt được, cũng như những tồn tại, hạn chế, vướng mắc của hình thức đầu tư PPP nói chung, Hợp đồng BOT nói riêng.

Phát biểu tại phiên họp TVQH sáng 15/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc thực hiện giám sát chuyên đề của UBTVQH về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT là cần thiết và kịp thời.

Nguyên nhân của những tồn tại trong đầu tư BOT

Kết quả giám sát cũng đã khẳng định chủ trương huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức BOT là đúng đắn, được xác định cụ thể trong Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và Nghị quyết số 05-NQ/TƯ ngày 1/11/2016 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, kết quả giám sát cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó.

“Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ những tồn tại từ khâu chuẩn bị đầu tư (công tác lập, thầm định và phê duyệt dự án) đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, xác định tổng mức đầu tư để làm cơ sở tính giá phí; việc lựa chọn nhà đầu tư (vẫn chủ yếu là chỉ định thầu); công tác huy động vốn; khâu thực hiện đầu tư (thời gian kéo dài, chất lượng một số công trình thấp); công tác khai thác, vận hành công trình (việc xác định vị trí các trạm thu phí chưa hợp lý, gây bức xúc cho người dân; việc định giá phí còn cao…)”- Phó thủ tướng nói.

Tại phiên giám sát, Phó Thủ tướng cho biết, ngay từ khi có dư luận bức xúc về các dự án đầu tư theo hình thức BOT, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương phải đánh giá lại các dự án giao thông BOT (có sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước) để chỉ rõ những mặt được, tồn tại hạn chế, những giải pháp khắc phục của hình thức này.

Tính toán lại và rà soát quyết toán của tất cả các dự án để tính lại thời gian thu phí, đến nay đã thực hiện xong với 54 dự án.

Rà soát lại toàn bộ hệ thống trạm thu phí để xử lý những bất cập, bố trí lại một số trạm thu phí cho hợp lý hơn. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thí điểm các trạm thu phí không dừng trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 để triển khai mở rộng.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng theo hình thức PPP. Cụ thể, sửa Nghị định 15 về Hợp tác PPP, Nghị định 30 về Lựa chọn nhà đầu tư; Thông tư 55 của Bộ Tài chính; Ban hành Thông tư 49 của Bộ GTVT về các quy định trạm thu phí.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng, thì quá trình đầu tư xây dựng bằng hình thức PPP nói chung, hợp đồng BOT nói riêng vẫn còn những bất cập, tồn tại cần khắc phục như Báo cáo Giám sát của UBTVQH đã nêu.

9 trọng tâm để BOT phát triển đúng định hướng

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xin tiếp thu những ý kiến, kiến nghị đã nêu trong Báo cáo giám sát của TVQH, ý kiến các đại biểu phát biểu tại cuộc họp và cho biết 9 trọng tâm mà Chính phủ sẽ thực hiện trong thời gian tới:

Một là, tập trung rà soát lại chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của từng lĩnh vực (đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, hàng không…) của quốc gia, khu vực, thậm chí của các địa phương. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cho phù hợp với yêu cầu CNH-HĐH đất nước cũng như phù hợp với nguồn lực của nền kinh tế trong từng giai đoạn.

“Việc kế hoạch hoá đầu tư đang là khâu yếu nhất hiện nay, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đầu tư phong trào, tràn lan, dàn trải, gây lãng phí nguồn lực”.

Hai là, hoàn thiện thể chế về đầu tư xây dựng (trong đó có nhiều luật liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây Dựng, Luật GTVT, Luật BVMT…). Đặc biệt là, cần nhanh chóng xây dựng, ban hành Luật Đối tác Công – Tư để tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Ba là, lựa chọn các dự án ưu tiên về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để đầu tư trong giai đoạn từ nay đến 2020 và chuẩn bị cho giai đoạn 2020-2030.

“Từ nay đến 2020, phải cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc quan trọng từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Từ 2020-2025 có thể làm một số đoạn ưu tiên của đường sắt tốc độ cao; sân bay quốc tế Long Thành. Cần phải xác định rõ thứ tự ưu tiên” - Phó Thủ tướng nói và cho biết thêm lý do, tại sao đường sắt, đường thuỷ lại khó đầu tư bằng hình thức BOT.

“BOT là hình thức đầu tư, thu phí để thu hồi vốn và có lợi nhuận trong một thời gian nhất định. Rõ ràng việc đầu tư hạ tầng đường sắt rất khó thu hồi vốn, do đó các nhà đầu tư không mấy “mặn mà”. Thực tế đa số các nước đầu tư hạ tầng đường sắt đều dùng vốn nhà nước. Hình thức BOT có thể phù hợp khi đầu tư thiết bị (toa xe, đầu máy…); khai thác, vận hành hệ thống. Tương tự như vậy, đầu tư hạ tầng đường thuỷ nội địa cũng rất khó thu hồi vốn. Việc đầu tư hệ thống cảng biển cũng cần có vốn nhà nước, bên cạnh phần vốn doanh nghiệp.

Với ngành hàng không, việc đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, các công trình đảm bảo an toàn bay… nhất định phải dùng vốn nhà nước. Doanh nghiệp có thể đầu tư xây dựng nhà ga, bãi đỗ xe và các công trình dịch vụ khác”, Phó Thủ tướng cho biết.

Bốn là, tăng cường kiểm soát chất lượng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải từ khâu lập, thẩm định, quyết định đầu tư đến thực hiện đầu tư, khai thác… Yêu cầu đặt ra là phải tính đúng, tính đủ tổng mức đầu tư của từng dự án để làm cơ sở đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, cơ sở để tính giá phí, bố trí trạm thu phí, thời gian thu phí… Nếu tính đúng, tính đủ thì sẽ có mức giá hợp lý, từ đó đảm bảo được quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân.

Năm là, công khai minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Chính phủ yêu cầu cầu phải đầu thầu công khai lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu triển khai thực hiện dự án.

Sáu là, xây dựng cơ chế để huy động các nguồn vốn đầu tư. Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, ngoài tiêu chí chính sách, môi trường đầu tư phải minh bạch, rõ ràng. Thông thường họ sẽ yêu cầu Chính phủ phải bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh vay vốn… Đây đều là các yêu cầu “quá sức” bởi quy định pháp luật hiện nay chưa cho phép, do đó chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp thực sự mong muốn đầu tư dù nhìn thấy cơ hội. Để tháo điểm nghẽn này, kiến nghị QH cho thí điểm các chính sách để có thể thu hút các nhà đầu tư lớn của nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách huy động vốn của các tổ chức tín dụng cho phát triển hạ tầng giao thông; các chính sách đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước để hỗ trợ cho việc giảm thời gian thu phí của các dự án.

Bảy là, tăng cường việc kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện đầu tư; các địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB; quy hoạch các mỏ vật liệu XD cho các dự án; có giải pháp hiệu quả để kiểm soát chất lượng công trình.

Tám là, quản lý tốt công tác khai thác, sử dụng các công trình giao thông bằng hình thức BOT; quản lý việc thu phí, kiểm soát giá phí phù hợp; xử lý kịp thời tranh chấp giữa người dân và nhà đầu tư.

Chín là, tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng bằng hình thức BOT, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân liên quan.

PV