Xuất khẩu sang Mỹ vẫn gặp trở ngại
Xuất khẩu sang Mỹ dù vẫn đang tăng trưởng tốt nhưng theo dự báo còn gặp trở ngại do ảnh hưởng dài từ chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ với “hàng rào” áp thuế chống bán phá giá.
Trong các mặt hàng xuất sang Mỹ, sản phẩm tôm luôn chịu nhiều hàng rào kỹ thuật.
Canh cánh nỗi lo
Số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch gần 19,7 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Nổi bật trong các nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ 6 tháng qua là nhóm hàng dệt may, chiếm 48,9% trị giá hàng dệt may xuất khẩu của cả nước, với kim ngạch 5,75 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, phải kể đến các nhóm hàng: Điện thoại và các loại linh kiện (đạt 2,05 tỷ USD, giảm 1,1%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 1,35 tỷ USD, tăng 0,2%); máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác (đạt 1,22 tỷ USD, tăng 22,7%); gỗ và sản phẩm gỗ (đạt 1,51 tỷ USD, tăng 18,7%); hàng nông sản (1,04 tỷ USD, tăng 15,3%).
Qua các con số thống kê này cho thấy, đa phần nhóm hàng chủ lực xuất sang thị trường Mỹ có mức tăng trưởng tốt, duy chỉ có nhóm hàng điện thoại, điện tử vốn là thế mạnh của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc đứng yên hoặc sụt giảm. Bên cạnh những con số lạc quan trong 6 tháng qua với thị trường Mỹ thì vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề mà các nhà xuất khẩu Việt Nam luôn canh cánh, trong đó có vấn đề phải đối mặt với chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ khi họ khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số mặt hàng quan trọng từ Việt Nam.
Đơn cử như mới đây Uỷ ban Thương mại quốc tế của Mỹ đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu với máy giặt nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Thực chất của vụ việc này là nhắm vào hai nhà sản xuất sản phẩm máy giặt lớn của Samsung và LG tại Việt Nam, xuất phát từ cáo buộc của phía nguyên đơn là Tập đoàn Whirlpool (Mỹ). Nguyên do bởi thị phần máy giặt của Whirlpool tại Mỹ quý I năm nay giảm chỉ còn 17,3% và bị Samsung giành mất vị trí dẫn đầu, còn LG giữ vị trí thứ ba.
Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) thì hai nhà sản xuất Samsung, LG đều có nhà máy sản xuất máy giặt tại Việt Nam, nên Việt Nam được coi là một bên có liên quan của vụ việc. Hồi tháng 6 - 2017, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sợi polyester nhập khẩu từ Việt Nam. Theo số liệu trong thông báo khởi xướng, trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu khoảng 13 nghìn mét tấn sản phẩm bị điều tra sang thị trường Mỹ (trị giá khoảng 12,4 triệu USD), đứng thứ ba chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Tìm thế cân bằng
Hồi năm ngoái, trong khoảng 100 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài tiến hành điều tra và áp dụng liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thì phía Mỹ chiếm nhiều nhất, đến 19 vụ. Điều này được cho là vì Mỹ muốn cân bằng lại xuất nhập khẩu, nhất là khi năm 2016 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã đạt con số 38,46 tỷ USD. Vấn đề nằm ở chỗ các vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kim ngạch xuất khẩu chung của Việt Nam, đến các DN xuất khẩu, đến các nhà cung cấp, đến môi trường đầu tư và người lao động...
Chẳng hạn, trong vụ kiện chống bán phá giá máy giặt mà phía Mỹ nhắm vào nhà máy của Samsung và LG tại Việt Nam, giới chuyên gia đang quan ngại nó sẽ ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu trong năm nay khi mà Samsung đang có sức ảnh hưởng lớn với nền kinh tế Việt Nam. Thậm chí, nhiều nhà máy sản xuất máy giặt của các DN FDI tại Việt Nam để nhắm vào thị trường Mỹ có thể sẽ đối mặt khó khăn từ vụ kiện này.
Khi đó, ảnh hưởng có tính dây chuyền sẽ là hàng ngàn người lao động đứng trước nguy cơ mất việc nếu như các DN này cắt giảm xuất khẩu, cắt giảm lao động. Ngay như Samsung, vốn đang có khoảng 1.400 lao động Việt, nhằm sản xuất dự kiến 1 triệu máy giặt để xuất sang Mỹ trong năm nay cũng sẽ đối mặt nhiều bất trắc từ vụ kiện. Điều này dễ dàng đẩy DN xuất khẩu Việt Nam (gồm DN nội địa và DN FDI) vào thế khó khăn hơn và sẽ còn gặp dài dài trong thời gian tới.
Giới chuyên gia lưu ý, vấn đề là việc đối phó các vụ kiện chống bán phá giá ở thị trường Mỹ đối với ta vẫn còn nhiều hạn chế. Những phản ứng của DN và cơ quan có thẩm quyền Việt Nam khi bị kiện chống bán phá giá ở Mỹ vẫn thể hiện sự bị động, chạy theo vụ việc. Vì thế, để ứng phó hiệu quả và bền vững với vấn đề bị kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ xem ra không thể giải quyết rốt ráo trong một sớm một chiều.