Khó khởi nghiệp vì thiếu hành lang pháp lý
Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đặt mục tiêu, đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cho thấy Chính phủ đang rất tập trung đầu tư và khuyến khích các doanh nhân khởi nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, bên cạnh các chính sách hỗ trợ được đưa ra, rất cần thêm những hành lang pháp lý cụ thể để hướng dẫn, tạo đà cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cần hành lang pháp lý rõ ràng để tạo thuận lợi cho DN khởi nghiệp.
Cần tạo thêm đà
Mặc dù thừa nhận, Việt Nam hiện đã có hành lang pháp lý cơ bản để doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp phát triển, có hệ thống các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và cũng đã bắt đầu hình thành các quỹ cá nhân đầu tư cho khởi nghiệp… Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn cần thêm những quy định cụ thể, rõ ràng về pháp lý để DN khởi nghiệp yên tâm hoạt động.
Cụ thể, theo ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch Nhóm công tác khởi nghiệp Sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) thì: Đã đến lúc cần phải chính thức hóa việc dịch chuyển Quỹ đầu tư khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo lên các phương tiện thông tin chính thống. Điều này giúp giới khởi nghiệp không chỉ của Việt Nam mà các nước có thể tìm hiểu và trợ giúp cần thiết.
Ông Giang cho rằng, hiện có nhiều DN vừa là các công ty khởi nghiệp, vừa là nhà đầu tư cho các DN khởi nghiệp nhưng chưa có hành lang pháp lý để các DN thuộc diện này hoạt động. Hành lang pháp lý cho các công ty, DN thông thường đã có, nhưng pháp lý riêng cho công ty khởi nghiệp thì chưa có. Nếu áp dụng quy tắc thông thường thì khó áp dụng.
Cũng theo ông Giang, Chính phủ cố gắng hỗ trợ để xây dựng được Nghị định riêng cho lĩnh vực khởi nghiệp trong năm nay nhằm tạo điều kiện cho các DN khởi nghiệp. “Vừa rồi, tại Đà Nẵng có sự kiện về khởi nghiệp với tham gia của các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước, chúng tôi có chia sẻ về vấn đề này và đã nhận được sự đồng tình của nhiều đối tác, DN lớn và họ cho biết sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp nếu có hành lang pháp lý” – ông Trịnh Minh Giang nói.
Trên thực tế, trong thời gian qua, cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ trong hệ sinh thái khởi nghiệp được đánh giá là hỗ trợ sát sườn cho DN khởi nghiệp. Mặc dù đây là tổ chức làm việc trong không gian làm việc chung, vườn ươm khởi nghiệp… nhưng hiện các mô hình này chưa có mã ngành, chưa có khái niệm hay đăng ký kinh doanh cụ thể cụ thể cho các đối tượng.
Khuyến khích sáng tạo
Ông Trần Thanh Nam, CEO của Moca cho rằng, trong lĩnh vực này, mặc dù vốn đầu tư theo khoản vay chuyển đổi hoặc trái phiếu DN chuyển đổi, nhưng ở Việt Nam, DN khởi nghiệp không được phát hành trái phiếu. Chính vì điều này đã khiến nhiều DN đã phải tìm cách “lách” luật.
“Quy định khoản vay chuyển đổi có thể ký hợp đồng giữa hai đối tác, nhưng khi ký hợp đồng theo thông lệ quốc tế thì phải căn cứ hợp đồng vốn để góp vào. Thường DN khởi nghiệp qua 3 năm đầu được hỗ trợ tốt, vì thế nên khuyến khích thu hút DN, khi đó khởi nghiệp có nguồn lực vì có chi phí thấp hơn, bù đắp điểm yếu của thị trường lao động”, ông Nam đánh giá.
Nhận định về những động thái hỗ trợ các DN Startup hiện nay, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng, Chính phủ nên khuyến khích phát triển khởi nghiệp sáng tạo, sớm có khung pháp lý cho khởi nghiệp sáng tạo đặc biệt là Nghị định về quỹ khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó có thể ban hành các chính sách đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, tao lập môi trường hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo…cũng như ban hành nguyên tắc chỉ đạo: Hỗ trợ tối đa và tức thì cho các vấn đề mới, phát sinh trong quá trình phát triển Startup.
Cũng theo ông Chính, việc thí điểm mô hình hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nên xây dựng theo chuẩn thế giới, theo các tiêu chuẩn ISO cho những thành phố tại Việt Nam để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực trong ngành công nghệ thông tin. Chính phủ cũng cần thúc đẩy sớm các chương trình đào tạo nguồn nhân lực để đạt mục tiêu có 100.000 kỹ sư công nghệ thông tin vào năm 2020, vì đây chính là lực lượng cốt cán để tạo được khởi nghiệp thành công.
Bên cạnh đó, Chủ tịch CMC cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, rà soát các văn bản luật và nghị định; dỡ bỏ mọi rào cản với DN đặc biệt là DN tư nhân; tránh bất bình đẳng và tạo ra các giấy phép con mới, tạo cơ chế xin- cho, gây nhiều bất cập và tăng phí phí cho DN.
Theo Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5-2016, mục tiêu đến năm 2020 hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đô#i mới sáng tạo; thiết lập được cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính 1.000 tỉ đồng. Đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. |