Công cụ đánh giá cán bộ

Hoàng Mai 16/08/2017 08:00

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Với những quy chuẩn về cán bộ lãnh đạo vừa mang tính định tính, vừa mang tính định lượng, Quy định sẽ dễ dàng hơn trong việc đánh giá cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, cũng như trong nhiều hội nghị lớn khi nói về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở trước việc một bộ phận cán bộ đảng viên sa sút phẩm chất, thiếu ý chí chiến đấu.

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác dân vận do Ban Dân vận Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 27/5/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh”.

Từ đó, ông cho rằng, “những hành động đó tuy không phải là phổ biến nhưng rất nghiêm trọng, nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối với Đảng”.

Và cũng chính vì thế mà hơn lúc nào hết, thời gian gần đây, Đảng đã đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đã có những kết quả ban đầu; cũng đã có một số đảng viên giữ cương vị lãnh đạo ở nhiều cấp khi đang đương chức hay nghỉ hưu phải chịu kỷ luật Đảng.

Điều đau xót ấy chả ai muốn; nhưng, nói như Tổng Bí thư là: “Kỷ luật một người để cứu muôn người”; nên dù đau xót mấy cũng phải làm. Xét cho cùng, kỷ luật cũng chỉ là bước cuối cùng khi mọi sự đã rồi và là lúc chúng ta đã mất cán bộ do quản không chặt và do chính cán bộ lãnh đạo ấy không tự tu dưỡng, rèn luyện.

Có lẽ, cũng vì lý do này mà Bộ Chính trị ban hành Quy định số 89 và 90 trong đó đề ra những khung tiêu chuẩn cụ thể về chức danh lãnh đạo quản lý các cấp; đặc biệt là chức danh lãnh đạo cấp cao. Việc ấy nếu thoạt nghe có vẻ là không cần thiết vì khi bổ nhiệm đã có những thang bậc tiêu chuẩn khá cụ thể. Vấn đề là ở chỗ bằng cách này hay cách khác đã có sự lách luật trong quá trình ứng cử; trong kê khai.

Liệu có phải những trường hợp kê khai sai là do quá tin đồng chí của mình hay không thể giám sát được. Có lẽ có cả 2 nguyên nhân kể trên. Nhưng, nếu làm chặt chẽ; có tiêu chuẩn rõ ràng thì dân cũng dễ giám sát; mà cán bộ khi kê khai cũng không dám làm sai; người thẩm tra dù có định làm ngơ cũng khó. Việc ra đời 2 quyết định kể trên chính là một bước để công khai hóa trong cử tri và nhân dân về công tác cán bộ của Đảng, để dân có điều kiện giám sát. Bên cạnh đó, sự ra đời của 2 Quy định kể trên cũng sẽ góp phần đáng kể giúp Đảng, giúp Nhà nước và nhân dân kiểm soát quyền lực đối với các cán bộ giữ vị trí lãnh đạo.

Tại Quy định số 90-QĐ/TW, Bộ Chính trị nêu rõ tiêu chuẩn chung cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Ngoài ra, còn những tiêu chí khác cũng rất đáng lưu tâm như: Mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Tuyệt đối không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện ”tự diễn biến”, ’’tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Rồi, cán bộ cấp cao phải chỉ đạo quyết liệt chống tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ trong công tác cán bộ.

Về năng lực và uy tín, để đáp ứng với đòi hỏi cao từ thực tiễn, Quy định cũng nêu tiêu chí cán bộ cần có khả năng phân tích và dự báo tốt… Kịp thời phát hiện những mâu thuẫn, thách thức, thời cơ, vận hội, vấn đề mới, vấn đề khó, hạn chế, yếu kém trong thực tiễn; chủ động đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi và hiệu quả.

Là người có nhiều năm nghiên cứu công tác xây dựng Đảng, cũng là người đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến bộ 10 tiêu chí đạo đức đảng viên, nhà báo Nhị Lê- Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đặt vấn đề: Quyền lực giao cho người không có đạo đức thì không khác gì thả con thú hoang vào thế giới. Ở một Đảng cầm quyền, sự say mê quyền lực mà quyền lực không có đạo đức, thì nó nguy hiểm đến mức nào. Cho nên Đại hội XII nêu vấn đề xây dựng Đảng về mặt đạo đức; đồng thời Hội nghị Trung ương 4 khóa XII chỉ ra những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái càng cho thấy tính cấp bách của công tác xây dựng Đảng.

“Nếu chúng ta không làm tốt 2 quyết sách của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII thì không ai dám chắc vị thế uy tín của Đảng được bảo đảm đến đâu? Và năng lực, uy tín của Đảng trước vận mệnh dân tộc, đến một mức độ nào đó, sẽ hết sức nguy hiểm. Sự suy thoái đến độ nào đó thì Đảng không chỉ khó giữ được vị thế là người lãnh đạo, đồng thời là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; mà nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng khó có thể là đứa con nòi của nhân dân lao động, kể cả về mặt đạo lý cũng như pháp lý. Mà sự tiêu vong về đạo lý sẽ dẫn đến sự tiêu vong về pháp lý”- ông Nhị Lê nói.

Nói thế để thấy, đã rất cần thiết trong việc ban hành Quy định đánh giá cán bộ quản lý và cũng đã đến lúc coi đây là một bộ công cụ để góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng vững mạnh, trong sạch hơn.

Hoàng Mai