Khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến bay
Yêu cầu ngành hàng không khắc phục ngay và triệt để vấn đề dư luận rất bức xúc là tình trạng hoãn, hủy các chuyến bay- đó là một trong những yêu cầu của Thủ tướng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt lại với ngành hàng không, tại buổi làm việc ngày 16/8.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng yêu cầu các Tổng công ty báo cáo, giải trình về vấn đề bảo đảm an toàn an ninh. Đây là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, ngành tiếp tục tăng trưởng nhưng phải bảo đảm an ninh, an toàn, đây là điều kiện tiên quyết.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không để xảy ra tình huống mất an toàn”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và nhắc tới các vấn đề như kiểm soát không lưu như sự cố xảy ra gần đây tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Theo ông Dũng, Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo về nâng tần suất cất, hạ cánh. Nhiều sân bay quốc tế có tần suất cất, hạ cánh khoảng 2 phút/chuyến, thậm chí 1 phút/chuyến, trong khi tại các sân bay Việt Nam khoảng 5-7 phút/chuyến.
“Tần suất này tương đối thấp, do quản trị, điều hành hay hạ tầng? Chúng ta hay đổ hết cho hạ tầng, không nói đến con người? Thủ tướng nói hãy hỏi lại các anh xem do hạ tầng hay con người? Liệu có thể nâng gấp đôi công suất gần 25 triệu khách mỗi năm của Tân Sơn Nhất không khi chúng ta chưa thể nâng cấp sân bay này và chưa xây dựng xong sân bay Long Thành?”- ông Dũng đặt vấn đề.
Một vấn đề nữa cũng được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt là việc Thủ tướng yêu cầu các đơn vị hàng không báo cáo, giải trình tình trạng hủy, hoãn chuyến bay. Trong 7 tháng qua, tỷ lệ đúng giờ của VNA có tăng so với năm trước, nhưng số chuyến bay bị hủy, hoãn của các hãng hàng không giá rẻ khác còn nhiều, do hạ tầng hay kỹ thuật, thiết bị? Theo Bộ trưởng, tuy trong ngành hàng không có sự cạnh tranh quyết liệt, phát triển tốt, chất lượng được nâng lên rất nhiều, nhưng tình trạng hủy, hoãn chuyến bay được dư luận hết sức quan tâm. Các bên cần quan tâm, phối hợp chặt chẽ khắc phục sớm, trước hết là việc hủy, hoãn chuyến bay do ý thức, trách nhiệm chủ quan.
Giải trình vấn đề trên, ông Lại Xuân Thanh- Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không VN cho biết, trong các nguyên nhân gây chậm huỷ chuyến bay thì trên 60% là do máy bay về muộn. Trong hoạt động hàng không, vấn đề điều hành bay, phục vụ mặt đất và kết cấu hạ tầng là dịch vụ cung cấp chung và giống nhau đối với tất cả các hãng nhưng tỉ lệ chậm, huỷ chuyến của mỗi hãng lại rất khác nhau.
Cụ thể, ông Thanh cho biết, tỉ lệ chậm huỷ chuyến của VNA là 11-13% nhưng của Vietjet và Jetstar lại lên đến 30%. Điều này chứng tỏ nguyên nhân chậm, huỷ chuyến là do năng lực vận hành của các hãng mà trực tiếp là sắp xếp, tính toán kế hoạch khai thác máy bay. Nếu đặt kế hoạch khai thác máy bay dày quá, khi có ảnh hưởng là sẽ gây phản ứng chậm dây chuyền đến hàng loạt chuyến bay khác.
Không đồng tình cách lý giải này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng chậm chuyến, hủy chuyến bay cần tìm ra lỗi khách quan và chủ quan. Đặc biệt là lỗi chủ quan. Đừng đổ lỗi cho hạ tầng kém. Vấn đề ở khâu quản lý vận hành. Thực tế có chuyện chỉ cần vướng một lỗi nhỏ như chuyển nhầm hành lý của khách chuyến bay cũng có thể bị đình lại tới 45 phút. Đây là lỗi nhỏ thành lớn. Do vậy cần nhanh chóng khắc phục lỗi chủ quan để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn.
Cuối năm 2017, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có thêm 10 vị trí đỗ mới Trả lời báo chí, ông Lại Xuân Thanh cho biết, đơn vị đang triển khai tích cực khu đỗ 21ha cho sân bay Tân Sơn Nhất. Với việc đưa vào khai thác 21ha diện tích đỗ mới, ông Thanh cho biết cơ bản khu bay Tân Sơn Nhất được xử lý về ách tắc. Về tiến độ, đến cuối năm 2017 sẽ đưa hơn 1/3 năng lực khu đỗ 21ha vào khai thác. Khu đỗ 21ha có 29 vị trí đỗ thì có 10 vị trí đỗ sẽ được đưa vào khai thác cuối năm nay. “Như vậy, với 10 vị trí đỗ mới cộng các vị trí khác, hiện có đủ cho công suất thiết kế 45 triệu khách. Còn những vị trí đỗ còn lại tại khu 21ha sẽ đưa vào khai thác tiếp trong quý 1-2018”- ông Thanh cho biết. |