Tam giác mạch
Cái tên hoa Tam giác mạch tới nay đã trở nên thân thuộc. Trước đó, nó được ít người biết đến do chỉ nở trên vùng cao nguyên đá phía Bắc đất nước. Nay, Tam giác mạch đã được trồng ở nhiều nơi dưới đồng bằng, nhưng không ở đâu nó lại khoe sắc tuyệt vời như tại những cánh đồng đá Hà Giang.
Ngay trong vườn nhà, trên nương, Tam giác mạch cũng khiến người ta ngây ngất.
Vào tiết cuối thu đầu đông, cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) trở nên huyền ảo hơn bởi bạt ngàn hoa Tam giác mạch. Hoa nở miên man trên những sườn núi, trong những thung lũng mây mờ che phủ. Ngay trong vườn nhà, trên nương, Tam giác mạch cũng khiến người ta ngây ngất.
Thực sự thì không chỉ cao nguyên đá Đồng Văn nới có Tam giác mạch mà ngay từ Mộc Châu của Sơn La phía dưới này cũng đã có loài hoa ấy. Nói nó là loài hoa dân dã cũng được mà bảo là loài hoa tinh khôi cũng được. Tam giác mạch nở rộ ở những vùng đất núi, nơi sương giăng mây phủ, nhiệt độ thấp, không khí khô nhưng nền đất lại ẩm ướt. Tam giác mạch chạy dài từ điểm đầu Tây Bắc cho tới tất cả các tỉnh miền núi cao, kể cả Lạng Sơn vùng Đông Bắc. Nó là loài hoa gần gũi, quen thân với người dân nơi đây. Loài hoa chưa đi đã nhớ bởi vẻ mong manh và sắc màu phơn phớt hồng, như trôi bảng lảng trong không gian cổ tích.
Ngắm Tam giác mạch ở Simacai.
Khi trời se lạnh, những đợt gió mùa đầu tiên thổi về, loài hoa nhỏ bé này lại đồng loạt nở ngập tràn trên các thửa ruộng nơi cao nguyên đá. Nó làm cho những phiến đá tai mèo như ấm hơn và đất trời như dịu dàng thêm.
Với Hà Giang, Tam giác mạch rất nhiều ở Xín Mần, Lũng Cú, Đồng Văn, Hoàng Su Phì... Bên những căn nhà trình tường đơn sơ ở Sủng Là, Phó Bảng… Tam giác mạch đã trở thành người bạn dịu dàng của con người, từ đứa bé cho đến các cụ già. Nhất là với thanh niên nam nữ, mỗi khi Tam giác mạch nở hoa cũng là dịp để họ tìm đến với nhau trao gửi yêu thương. Trong màn sương mù bảng lảng, cùng với sắc hoa Tam giác mạch phớt hồng là tiếng khèn môi dịu dàng da diết. Vì thế, người ta còn gọi Tam giác mạch là loài hoa của tình yêu miền sơn cước.
Du khách trước vẻ đẹp hiếm có của hoa Tam giác mạch.
Bà con người Mông ở miền núi phía Bắc là những người trồng Tam giác mạch rất giỏi. Ngay trong những hốc đá lạnh lẽo khô cằn, cũng trồng được. Những cụm hoa nhỏ bé với những cái lá xanh non mỏng manh khi tạo quả đã giúp dân bản trong những ngày mùa cũ đã qua, vụ mới còn chưa tới. Tam giác mạch có họ hàng với cây lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch. Lá có hình tam giác, và thế là cái tên “Tam giác mạch” ra đời. Sau khi thu hoạch lúa nương, bà con bắt đầu gieo hạt Tam giác mạch. Đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch. Hạt Tam giác mạch được xay thành bột làm lương thực, hoặc nấu với ngô tạo nên một thứ rượu có hương vị vô cùng đặc biệt.
Về loài hoa này, có nhiều huyền thoại nhưng câu chuyện về nàng tiên gạo và nàng tiên ngô được lưu truyền rộng rãi nhất.
Chuyện kể rằng, nàng tiên gạo và nàng tiên ngô đi gieo hạt nơi hạ giới. Mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì hai nàng tiên bèn đổ vào khe núi. Từ đó xuất hiện một loài cây khi nở hoa thật tuyệt vời, còn khi ra hạt lại có mùi vị khác lạ. Một năm kia trời làm đói kém, cái đói làm bản làng u ám. Thế rồi mọi người họp nhau lại bên bếp lửa lạnh tanh, bàn cách tìm lương thực cho qua những ngày đói rét. Người ta chia nhau đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Ngày này qua ngày khác, bụng vẫn cồn cào mà thức ăn không thấy đâu. Thế rồi một buổi chiều nọ, một toán người chợt nghe thoảng bay trong gió mùi hương lạ. Họ cùng nhau đi theo làn gió, tới một khe núi. Ai nấy đều ngỡ ngàng trước một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia. Lá của chúng có hình tam giác ẩn nấp dưới hoa. Người ta lấy hạt của chúng đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Từ đó, Tam giác mạch trở thành cây lương thực giữa mùa giáp hạt cho bà con nơi đây.
Hoa Tam giác mạch vùng cao Hà Giang.
Hôm nay, đến Hà Giang, du khách không nên bỏ qua những món bánh thơm ngon, bổ dưỡng làm từ hạt hoa Tam giác mạch với mùi vị thơm ngon lạ lùng. Hạt Tam giác mạch được xay thành bột mịn rồi nhào cùng nước, cho vào khuôn, đúc thành những chiếc bánh nhỏ, hấp chín trên bếp lửa.
Chưa hết, theo nghiên cứu đông y, Tam giác mạch còn có thể coi là một dược liệu quý. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, Vitamin E và một số dưỡng chất khác có trong cây Tam giác mạch suốt giai đoạn phát triển. Chất ox- tocopherol (thành phần chính của Vitamin E) được tìm thấy trong tất cả bộ phận của cây và có liên quan với nhiệt độ, hạn hán, độ chiếu sáng (bức xạ mặt trời). Với người ăn kiêng thì Tam giác mạch rất phù hợp, đặc biệt là lá và hoa của chúng, tăng khả năng chống lại bệnh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp.
Theo TS Nguyễn Đức Quang, Tam giác mạch có vị chát, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, làm tăng độ chịu đựng và giảm độ thấm của mao mạch, có tác dụng lợi tiểu. Lá và phần non của Tam giác mạch có thể được dùng như thực phẩm. Khi lá khô, xay thành bột được sử dụng như phẩm màu tự nhiên, là chất bảo vệ da ngăn ngừa ung thư da do tác dụng chống oxy hoá và hấp thụ tối đa ánh nắng trên da.
Cùng với việc dùng Tam giác mạch làm thực phẩm, nếu dùng như một vị thuốc thì có thể làm theo một số cách sau:
-Nước sắc: Lá Tam giác mạch tươi 100g, ngó sen 4 cái, sắc uống trong ngày. Chữa tăng huyết áp, xuất huyết đáy mắt, ban xuất huyết.
-Bột: Tam giác mạch sao vàng xay thành bột mỗi lần uống 10 - 15g, ngày uống 2 lần chiêu với nước sôi còn ấm. Chữa đầy bụng, tiêu chảy, mụn nhọt, bạch đới, lỵ.
-Bánh: Tam giác mạch 500g, cho đường đỏ (đường mía) sau đó cho nước vừa đủ nhào trộn làm thành bánh, rồi nướng chín ăn liên tục trong mấy ngày liền. Chữa suy nhược cơ thể, ra mồ hôi trộm.
-Hấp: Hạt Tam giác mạch hấp cùng nấm rơm, hạt lựu có tác dụng bổ dưỡng, thanh nhiệt giải độc.
-Làm sữa rửa mặt: Bột Tam giác mạch trộn sền sệt, rồi thoa đều lên da mặt, trị mụn đầu đen, làm mịn da...