Nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng: Người du mục vác trên lưng những tờ giấy
“Tôi nghĩ tâm khảm con người, thiên nhiên và phong vị của từng thành phố tôi qua, những bí ẩn về đời sống, những chuyến đi vô định hình ngẫu nhiên gặp được những người giỏi và lạ kì để học hỏi ở họ là những nguồn giúp tôi có thể sáng tác”. Nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng - người chọn con đường tiên phong trong biểu đạt ngôn ngữ thơ theo dạng cách thức mới, chia sẻ về điều gợi cảm hứng sáng tác để cho ra nhiều tác phẩm trong mười năm viết của chị.
Chân dung nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp).
“Đêm qua họ nói: cô là loài du mục, cô vác trên lưng những tờ giấy, mà sau này nó được vẽ lại thành một bản đồ dành cho những kẻ xa xứ”… Nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng tự sự về hành trình viết của mình. Để độc giả biết rõ số phận của năm cuốn sách, chị quyết định thực hiện một triển lãm cá nhân về hành trình viết, làm sách và sáng tác nghệ thuật “Lịch sử cuộc viễn du: cát trong tai tôi, trôi dạt thế giới” (từ 9/6 – 23/7 tại TP HCM) với 170 ấn phẩm.
Nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng sinh năm 1978 tại quận 5, trong một gia đình khá “nề nếp”, được giáo dục nghiêm khắc từ cách ăn mặc đến ứng xử, nhưng ngược lại cũng đầm ấm, hài hước và có sự phóng khoáng của người miền Nam.
“Tôi có được một tuổi thơ rất đẹp và rất nghịch. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là năm tám tuổi có lần tôi nghịch đến mức rơi thẳng từ lầu một xuống đất và…ngất. Phải nằm bệnh viện Xanh-pôn (Điện Biên Phủ, Q3) đến cả tháng, suýt chết”. Nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng nhớ lại.
“Từ bé tôi đã thích đọc sách và vẽ. Năm 14 tuổi tôi gia nhập câu lạc bộ Văn học thuộc Nhà thiếu nhi Quận 5, tập viết lách cùng bạn bè, làm báo và bán trong hệ thống các trường trung học Quận 5. Tôi không nghĩ mình theo nghệ thuật cho đến khi tình cờ thi đỗ trường ĐH Mỹ Thuật. Tôi đã quyết định theo con đường sáng tác cả về văn chương và thị giác từ lúc còn là sinh viên trong trường”.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP HCM, chị chọn đi theo hai con đường song song: làm nghệ thuật thị giác và văn chương:
“Mặc dù tôi làm việc trong hai loại hình này, nhưng tôi không nghĩ đó là một khuôn khổ mà mình nhất định phải theo. Tôi vẫn hay kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật khác như múa, phim và nhạc. Tôi xem nó như một hình thức để làm sao đạt tới ý niệm mà mình muốn một cách tốt nhất. Tôi thật sự không có ranh giới và phân chia hai loại hình này. Tôi để cho nó trôi chảy tự nhiên. Khi kết thúc một đợt tranh hoặc tượng thì tôi viết. Hoặc làm song song cả hai. Và có những ý tưởng trong viết có thể chuyển sang hội hoạ và ngược lại, tự nó nuôi dưỡng nhau. Có lẽ vì không đặt nặng một ranh giới nào nên tôi rất thoải mái đi lại giữa hai thế giới này”. Nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng chia sẻ.
Với lối sống khép kín, rất ít tiếp xúc với người khác, cuộc sống của nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng là sự chuyển dịch không ngừng từ thành phố này sang thành phố khác, từ đất nước này đến đất nước khác. Thời điểm quan trọng để mọi sự khởi đầu là quãng thời gian chị sống bên Mỹ từ 2003 đến 2005. Các sáng tác là những ghi chép đầy tâm trạng. Cảm xúc, suy nghĩ cá nhân được biến ảo thành bức tranh đầy sáng tạo về nghệ thuật ngôn từ.
Bộ ba cuốn sách “Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý” (NXB Trẻ & Kiến Thức, 2006) là sự biến ngẫu giữa văn chương và thị giác, kết quả của quá trình ba năm sống trên đất Mỹ của chị. Đến “Bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ” (NXB Văn Học & Kiến Thức, 2008) là thời gian chị lưu trú tại Hà Nội cũng trong ba năm. Và sau khi trở về Sài Gòn, quê hương mình, chị cho ra mắt tác phẩm “Họ -Bột hư ảo” (NXB Văn Học & Nhã Nam, 2012).
Trong mỗi cuốn sách chị viết, hay triển lãm cá nhân các tác phẩm sắp đặt thị giác mà chị thực hiện, đều đậm chất ấn tượng của sự chuyên sâu trong thế giới sáng tạo không giới hạn. Nguyễn Thúy Hằng dẫn mọi người cùng thưởng thức những rung động đa chiều trong mỗi sắc thái tinh thần đậm tính cá nhân. Mỗi từ chị sử dụng, hay một chất liệu tạo nên hình tượng thẩm mỹ đều đậm đầy chất của riêng “Nguyễn Thúy Hằng”. Không trình bày, phô diễn khả năng, nghệ thuật ở sâu trong chị như thể là hơi thở, là điều cần làm một cách rất tự nhiên cho một mục đích sống rõ ràng được định trước. Không quá khó khăn để nhận ra khả năng trời phú cho một cuộc đời hướng rõ về nghệ thuật của ánh sáng, để khơi gợi những mảng tối còn đè nặng lên tâm cảm mỗi con người.
Chỉ là mang chính bản thân mình ra mà bóc tách, cũng đủ đốt lên ham muốn sáng tạo bên trong người đọc. Tác phẩm của Nguyễn Thúy Hằng thực sự là ánh lửa truyền nhiệt năng từ ngọn nến này sang ngọn nến tiếp theo, có thể lay động tâm hồn của một nghệ sĩ khác có khả năng đồng cảm. Chúng không dành cho số đông công chúng thưởng thức. Chúng nằm ở không gian của thể nghiệm với ít người cảm thụ, nhưng là ở tầng trên của đỉnh hình nón. Nghệ thuật là sáng tạo, là mở một con đường mới bỏ qua những lối mòn rêu cũ. Chính vì để có được điều đó, nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng cũng chọn không sống cùng đám đông. Chị như đốm nắng nhỏ đi bên lề xã hội một cách lặng lẽ, chậm rãi, từ tốn. Thế rồi, vào một ngày nào đó đầy bất ngờ, Nguyễn Thúy Hằng đột nhiên xuất hiện, với một ý tưởng mới cho một cuốn sách mới, một triển lãm mới, với lần này là cùng lúc cả hai:
“Khi làm triển lãm hoặc ra mắt sách, là một cách để tôi lưu giữ lại những việc mình đã làm, khép nó lại và qua một thời kì mới. Trong triển lãm sách lần này, ngay từ lúc in bộ sách đầu tiên tôi đã có ý định giữ lại những tài liệu trong lúc viết và sưu tập lại những bản in hư, bản kẽm, bản in thử, tranh gốc minh hoạ trong sách… Tôi muốn tái hiện lại cho độc giả và người xem “hậu trường” của một nhà văn từ bản viết tay cho đến làm thế nào để một cuốn sách ra đời.
5 tác phẩm văn chương được trưng bày trong triển lãm của nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng.
Tôi đã đi len lỏi trong những kho giấy ẩm ướt của xưởng in tại Hà Nội. Tôi nằm ngủ trên chồng giấy mà lát nữa đây họ sẽ sử dụng để in ra những câu chuyện của tôi. Chỉ thực sự khi nghe tiếng máy in rào rạo và thấy tôi lướt đi trong bộ máy in khổng lồ đó, từng tờ giấy tuồn qua khe, đưa lên cao, từng tờ hoàn chỉnh được hạ xuống nhẹ nhàng, tôi càng cảm nhận rõ sự lênh đênh một lần nữa.
Có lẽ nó đã dẫn dắt ta vào thế giới êm đềm, nó bắt người ta phải “lắng nghe câu chuyện” (của nó) tốt nhất, và thế giới câu chuyện bắt đầu nuốt chửng chúng ta thầm lặng và chúng ta tự nguyện để nó nuốt chửng. Mặc nhiên tiếng nói của những nhân vật len lỏi vào cơ thể chúng ta và quyến dụ chúng ta. Toàn bộ cuộc du hành diễn ra trong sự phân cách mơ hồ giữa nhiều phạm trù, cá nhân và thế giới, tình yêu và từ khước tình yêu, sự cô đơn và đồng cảm, sự lãng quên và tính bất biến của ký ức lẫn tưởng tượng. Nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng tâm sự.
Nhìn lại quãng thời gian mười năm cho viết, với Nguyễn Thúy Hằng, đó là giai đoạn gập ghềnh, nhiều biến cố nhất trong sự nghiệp và cuộc sống nhưng cũng là quãng tuyệt vời để chiêm nghiệm và sống trọn vẹn với tác phẩm của chị.
“Không có một thói quen định hình, khi muốn viết thì tôi sẽ ngồi xuống bất cứ nơi đâu để giữ lại ý tưởng đó. Nhưng nếu là vẽ hoặc làm điêu khắc thì tôi cần không gian cố định. Đặc biệt là mỗi khi làm việc tôi không muốn thấy ai xung quanh, tôi đóng kín cửa, mua thực phẩm dự trữ dài ngày và sống miên man trong đó cho đến khi hết… thức ăn.
Có thể trong lúc sáng tác tôi rất ngẫu nhiên và tuỳ tiện. Nhưng tôi lại rất khắc nghiệt với bản thân khi làm tác phẩm và có trách nhiệm với những việc mình làm ra. Tôi không nghĩ khi “làm nghệ thuật” thì tôi trở nên nghiêm túc, thái độ chung trong cuộc sống của tôi là nếu không làm thì đi chơi vẩn vơ vậy, nhưng khi làm thì phải làm cho trót và toàn vẹn với cảm giác của mình”.
Thật khó nói tác phẩm nào trong sáng tác cá nhân mà Nguyễn Thúy Hằng thích nhất: “Nhưng có lẽ những cái tôi thật sự thích thì gắn liền với tình cảm riêng tư của mình, vì nó gợi lại cho tôi những gì đã trải qua, và mình trưởng thành cùng nó như thế nào”.
Thời gian thưởng thức sống trong một ngày của Nguyễn Thúy Hằng trong thời gian này diễn ra thật đơn giản và từ tốn. Dù bận thế nào thì chị vẫn nhẩn nha cà phê và nghe nhạc, đọc tin tức từ bạn bè trước rồi sau đó mới làm việc. Vào những lúc rảnh rỗi, điện ảnh và âm nhạc là hai lĩnh vực mà chị ưa thích. Bên cạnh đó, thói quen rất nghệ sĩ là ngồi ở một bar vắng và nhâm nhi rượu.
Về mong muốn trên con đường sáng tạo, nghệ sĩ Nguyễn Thúy Hằng bày tỏ: “Tôi chỉ muốn ngày càng được làm việc nhiều hơn, rộng hơn, và được sử dụng những ý tưởng của mình để làm những show lớn hơn”.