Arab Saudi tuyên bố mở cửa biên giới với người hành hương Qatar
Quốc vương Arab Saudi trong hôm 17/8 đã ra chỉ thị mở cửa biên giới đất liền với Qatar để cho phép những tín đồ đạo Hồi ở nước này tới tham dự lễ hành hương Hajj, bất chấp việc quan hệ giữa hai nước đã trở nên hết sức căng thẳng bắt đầu từ hồi tháng 6 vừa qua trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh.
Quyết định của Quốc vương Salman nhận được cả lời hoan nghênh lẫn chỉ trích. (Nguồn: ABCNews).
Tuyên bố được đăng tải chính thức trên hãng thông tấn nhà nước Arab Saudi hôm 17/8 nói rằng khu vực biên giới ở Salwa sẽ mở cửa chào đón công dân Qatar, những người mong muốn được thực hiện nghi lễ hành hương thường niên, được đi qua mà không cần có sự cho phép nào khác.
Tuyên bố trên còn thêm rằng, Quốc vương Arab Saudi, ông Slaman bin Abdulaziz Al Saud, đã chính thức gửi lời mời những người hành hương ở Qatar tới tham dự lễ Hajj năm nay. Quốc vương Salman cũng yêu cầu các chuyến bay tư nhân của nước này tới sân bay Doha để "mang tất cả người hành hương Qatar với chi phí do ông trả".
Cửa khẩu Salwa đã bị đóng cửa kể từ khi Arab Saudi, Ai Cập, Bahrain và UAE tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar trong hôm 5/6 vừa qua, cáo buộc chính quyền Doha ủng hộ "chủ nghĩa khủng bố". Qatar đã bác bỏ các cáo buộc trên.
Jeddah là tuyến hàng không chính để những người hành hương di chuyển tới thánh địa Mecca và Medina để tham dự lễ Hajj hàng năm. Theo chỉ thị mà Quốc vương Salman đưa ra, công dân Qatar cũng sẽ được phép di chuyển tới Mecca từ sân bay King Fahad và sân bay Ihsaa ở miền Đông nước này.
Hiện chính phủ Qatar vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào đề cập tới sự việc.
Hồi tháng trước, Arab Saudi đã nói với người dân Qatar muốn tham dự lễ Hajj năm nay rằng họ sẽ được cho phép đặt chân tới lãnh thổ nước này, nhưng sẽ bị áp đặt một số biện pháp hạn chế nhất định, trong đó quy định những người di chuyển bằng máy bay phải đến nước họ thông qua các hãng hàng không có quan hệ làm ăn hợp pháp với Riyadh.
Chính quyền Qatar sau đó đã cáo buộc Arab Saudi chính trị hóa lễ Hajj và đang cố tình làm hỏng nghi lễ hành hương tới thánh địa Mecca bằng cách từ chối đảm bảo sự an toàn của dân hành hương ở Qatar.
Nhưng sau quyết định mà Quốc vương Salman đưa ra, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Qatar (NHCR) đã lên tiếng hoan nghênh việc mở cửa lại biên giới giữa hai nước, dù vẫn cho rằng quyết định trên còn mập mờ, đặc biệt là đối với những người hành hương ở Qatar.
NHRC, trong một tuyên bố đưa ra hôm 17/8, đã yêu cầu rằng tất cả người hành hương đều nhận được cách đối xử không phân biệt cùng các dịch vụ khác mà không cần xem xét.
"NHCR nhấn mạnh rằng lễ Hajj không thể bị lợi dụng vì mục đích chính trị hay tính toán cá nhân, mà thay vào đó, là một quyền được đảm bảo bởi các thỏa thuận quốc tế về luật Hồi giáo và nhân quyền" - NHCR nói trong tuyên bố.
Trước đó, hôm thứ Bảy tuần trước, NHCR cũng yêu cầu Arab Saudi gỡ bỏ tất cả các hạn chế về đường không và đường bộ đối với người hành hương Qatar khi họ di chuyển tới Mecca để tham dự Hajj.
Arab Saudi, cùng với Ai Cập, Bahrain và UAE đã phong tỏa các tuyến đường di chuyển trên không, dưới biển và trên đất liền đối với Qatar, đồng thời đóng cửa không phận của họ đối với tất cả chuyến bay của hãng Qatar Airways, sau khi cắt đứt quan hệ với nước láng giềng Vùng Vịnh hồi tháng 6 vừa qua.
Như một phần của cấm vận, nhóm các nước mà Arab Saudi dẫn đầu cũng yêu cầu tất cả công dân Qatar phải rời khỏi lãnh thổ của họ. Chính quyền Doha tuy nhiên không đáp trả bằng các lệnh trừng phạt tương tự.
Kênh truyền thông Al Jazeera của Qatar đã hoan nghênh quyết định của Quốc vương Arab Saudi trong việc mở cửa biên giới là một bước đi tích cực và là tín hiệu cho thấy họ đã rút hành động chính trị hóa lễ Hajj.
Nhưng cùng lúc, nhiều người dân Qatar lại chỉ trích động thái trên trên mạng xã hội Twitter và dọa tẩy chay lễ Hajj nếu Arab Saudi không gỡ bỏ hết các hạn chế.
Một tài khoản Twitter nói: "Không có gì đảm bảo rằng người hành hương Qatar sẽ không bị bắt giữ hay bị buộc tội khủng bố".
Được biết, một tín đồ Hồi giáo phải thực hiện lễ hành hương Hajj ít nhất một lần trong đời, bởi có nhiều người không đủ khả năng tài chính để tham dự mỗi năm. Phần lớn người hành hương sẽ đăng ký với một công ty để đảm bảo quyền lợi của họ trong suốt lễ Hajj, bao gồm đồ dùng cần thiết, thực phẩm, phương tiện di chuyển.