Xét xử phúc thẩm đại án tham nhũng tại Vinashinlines: Giang Kim Đạt khoe có nhiều tiền ở nước ngoài
Ngày 17/8, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra xét xử phúc thẩm đại án tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương (Vinashinlines). Bị cáo Giang Văn Hiển có đơn xin vắng mặt vì lý do sức khỏe. Khai tại tòa, Giang Kim Đạt phủ nhận lời kết tội của bản án sơ thẩm, đồng thời khẳng định số tiền 260 tỷ đồng chỉ là một phần, bị cáo còn rất nhiều tiền ở nước ngoài do “làm ăn” có được.
Giang Kim Đạt tại phiên tòa sơ thẩm.
Buộc tội oan?
Theo bản án sơ thẩm, khoảng thời gian từ năm 2006-2008, trong quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, Trần Văn Liêm với tư cách là TGĐ Vinashinlines, Giang Kim Đạt (nguyên Trưởng Phòng Kinh doanh), Trần Văn Khương (nguyên Kế toán trưởng) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thông qua công ty môi giới đàm phán, thỏa thuận với công ty bán tàu, công ty thuê tàu để trục lợi tiền hoa hồng bất chính.
Tòa sơ thẩm khẳng định, thông qua hợp đồng mua bán 3 tàu, hợp đồng cho thuê 9 tàu của Vinashinlines, các bị cáo đã để tiền ngoài sổ sách kế toán của Vinashinlines với mục đích chiếm đoạt số tiền lên tới khoảng 16 triệu USD.
Trong đại án tham nhũng mà dư luận hết sức quan tâm này, bị cáo Trần Văn Liêm bị HĐXX cấp sơ thẩm xác định giữ vai trò chính, Giang Kim Đạt giữ vai trò người thực hiện tích cực, Trần Văn Khương giữ vai trò đồng phạm.
Cũng theo cáo buộc của các cơ quan tư pháp, bằng các thủ đoạn tinh vi qua mắt các cơ quan chức năng, các bị cáo đã chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng của Nhà nước.
Tòa án cấp sơ thẩm cũng nhận định, để che giấu nguồn gốc số tiền bất hợp pháp do con trai tham ô mà có, bị cáo Giang Văn Hiển đã thực hiện hành vi rửa tiền bằng cách mở nhiều tài khoản ngoại tệ tại nhiều ngân hàng khác nhau ở trong nước để nhận tiền từ các công ty nước ngoài chuyển về, rồi sau đó rút ra chuyển cho Đạt để bị cáo này chuyển cho nguyên TGĐ Vinashinlines và mua 40 bất động sản đứng tên Giang Văn Hiển và người thân trong gia đình, mua đi bán lại 13 xe ô tô, gửi tiền tiết kiệm...
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do CQĐT thu thập, lời khai tại tòa của cả 4 bị cáo cũng như những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Trần Văn Liêm và Giang Kim Đạt mức án tử hình, Trần Văn Khương mức án tù chung thân với cáo buộc tham ô tài sản, bố đẻ của Đạt là Giang Văn Hiển bị tuyên mức án 12 năm tù giam với cáo buộc rửa tiền. Tuy nhiên, cả 4 bị cáo đều làm đơn kháng cáo kêu oan.
Bị mớm cung?
Không chỉ kêu oan với bản án đã tuyên của cấp xét xử sơ thẩm, Giang Văn Đạt còn phủ nhận toàn bộ lời khai tại CQĐT và nói rằng mình bị mớm cung.
Trong phần xét hỏi sáng qua, để tránh các bị cáo thông cung nên HĐXX quyết định cách ly bị cáo Liêm và Khương để thẩm vấn riêng Giang Kim Đạt.
Trả lời HĐXX, Giang Kim Đạt khẳng định số tiền gần 16 triệu USD (khoảng 260 tỷ đồng) bị quy kết là tiền tham ô từ tiền “hoa hồng” mua tàu và “chênh lệch giá cước” khi cho thuê tàu là không đúng. Số tiền trên bị cáo có được là từ kinh doanh dịch vụ hàng hải.
Để chứng minh về sự “vô tội” của mình, Giang Kim Đạt còn khoe đang có rất nhiều tiền ở nước ngoài, trong đó có khoảng 3-4 tài khoản ở Singapore với khoảng vài triệu USD, chứ không phải chỉ có 16 triệu USD như các cơ quan tố tụng đã xác định.
Bị cáo Đạt khai rằng, số tiền trên là do bị cáo chớp được thời cơ đầu tư mua bán bất động sản ở nước ngoài.
Giải trình với HĐXX về khoản tiền hơn 711.000 USD, Giang Kim Đạt khẳng định đó là tiền lộc của bị cáo do công ty môi giới trích lại.
“Theo thông lệ quốc tế, mua tàu tất cả đều qua công ty môi giới. Người bán tàu phải trả phí môi giới, còn công ty môi giới cho ai là quyền của họ. Công ty môi giới trích lại cho bị cáo...” – nguyên Trưởng Phòng Kinh doanh Vinashinlines giải trình về khoản tiền 711.000 USD.
Trước câu hỏi về số tiền 15,2 triệu USD còn lại, của HĐXX bị cáo giải trình như thế nào Giang Kim Đạt khai rằng, ngoài 711.000 USD là của công ty môi giới mua bán tàu cho, thì số tiền còn lại hơn 15,2 triệu USD, bị cáo có được từ kinh doanh hàng hải.
Trước lời khai bất nhất của Giang Kim Đạt, HĐXX công bố một số lời khai của bị cáo tại CQĐT cho thấy, có sự thỏa thuận giữa bị cáo và Trần Văn Liêm trong việc nhận tiền hoa hồng khi mua 3 tàu, cũng như việc hưởng chênh lệch giá cước khi cho thuê 9 con tàu, Giang Kim Đạt phủ nhận lời khai tại CQĐT và cho rằng mình bị mớm cung.
Với hàng loạt bút lục lời khai của Giang Kim Đạt, cũng như của bố bị cáo là Giang Văn Hiển được HĐXX công bố, trong đó cho thấy, cứ mỗi lần chuyển tiền vào tài khoản, công ty thuê tàu đều ghi rõ tên tàu của Vinashinlines, bị cáo Đạt ngây người không giải thích được vì sao các công ty nước ngoài lại ghi như vậy.
Còn lời khai của bố bị cáo tại CQĐT về những lần nhận tiền, theo Đạt, bố bị cáo khai không đúng sự thật. Giang Kim Đạt cho rằng, năm 2001, ông Hiển vào Sài Gòn thì bị cáo ra Hà Nội làm việc, nên rất ít gặp nhau.
Trong khoảng thời gian từ năm 2006-2008, bị cáo giúp Vinashinlines mua 3 con tàu và cho thuê 9 tàu nhưng không hề nói với bố. Việc Giang Văn Hiển nhớ tên từng con tàu, từng số tiền, ở đâu, như thế nào, Đạt cho rằng bố mình bị mớm cung.