Lắng nghe phản biện
Cuối cùng thì Chính phủ đã có kết luận như đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất từ hoạt động nạo, vét cảng, vũng quay tàu của nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ra khu vực biển Vĩnh Tân, mà sử dụng vật, chất nạo vét để san lấp mặt bằng lấn biển. Đây là kết quả của quá trình lắng nghe những ý kiến phản biện trong xã hội để điều chỉnh kịp thời phương pháp thực hiện một dự án gây hiệu quả xấu tới môi trường.
Ảnh minh họa.
Theo kết luận này, trước mắt sẽ cho phép sử dụng vật, chất từ hoạt động nạo vét cảng chuyên dùng của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 để san lấp mặt bằng khu vực lấn biển của Cảng tổng hợp.
Có nghĩa là Dự án Cảng tổng hợp Vĩnh Tân có tổng diện tích hơn 141 ha sẽ được tiếp nhận ngay khoảng 1,1 triệu m3 vật, chất từ hoạt động nạo vét.
Cũng theo tinh thần cuộc họp đưa ra kết luận này do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, trong thời gian tới, sẽ có quy hoạch về các vị trí nhận chìm vật, chất ở biển, cũng như các khu vực cần sử dụng loại vật, chất như vậy để san nền, lấn biển, chống xói lở bờ biển.
Cho dù cuối cùng đã có một kết luận hợp lý thì điều đáng nói ở đây, là khoảng 1 triệu m3 vật chất suýt nữa đã được nhận chìm xuống biển Vĩnh Tân mà chưa lường hết được tác động của nó tới môi trường biển nếu không có những tiếng nói phản biện mạnh mẽ từ các nhà khoa học và dư luận xã hội.
Điều này đồng nghĩa với việc ở góc độ quản lý nhà nước về môi trường các cơ quan liên quan đã hoàn toàn vô trách nhiệm. 1 triệu m3 vật, chất rất có thể đã được nhấn chìm “chót lọt” cho tới khi nó bị “phát giác”. Cũng không thể nói là các cơ quan quản lý nhà nước đã không biết việc này.
Chỉ có thể nói họ hoặc đã yếu kém tới mức không đánh giá hết tác động môi trường, hoặc biết nhưng cố tình làm sai. Đây là điều đáng lo ngại nhất trong hoạt động của một nền quản trị công khi rất nhiều vụ việc nếu không bị “phát giác” bởi dư luận, nó vẫn đang được cho phép một cách vô trách nhiệm.
Nhìn lại toàn bộ quá trình về vụ việc nhận chìm vật, chất của nhà máy Vĩnh Tân 1 sẽ thấy rất rõ điều này. Khi dư luận bắt đầu dậy lên rất nhiều ý kiến cho rằng an toàn môi trường biển sẽ bị đe dọa nếu dự án này được thực thi, chính Bộ Tài nguyên và Môi trường và đơn vị trực tiếp làm dự án nhận chìm bùn thải đó vẫn còn có những lý lẽ, dẫn chứng quanh co tìm cách bảo vệ tính đúng đắn, hợp pháp và khoa học của Dự án nhận chìm bùn thải ra biển này.
Cho đến khi các nhà khoa học lên tiếng tố cáo việc bị mạo danh trong hồ sơ xin cấp phép nhận chìm bùn thải, Bộ Công thương đã phải kỷ luật cán bộ liên quan đến việc mạo danh đó.
Và cuối tháng 7, Chính phủ phải yêu cầu đánh giá tác động môi trường toàn diện vụ nhận chìm bùn thải, giao Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan khoa học chuyên ngành nghiên cứu.
Như vậy, động thái đề xuất với Chính phủ không nhận chìm bùn thải xuống biển Vĩnh Tân chỉ được cơ quan chức năng (ở đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện khi đã có những ý kiến chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, khi mọi việc đã quá rõ ràng bằng sự vào cuộc của các nhà khoa học.
Điều này tương đương với việc trước đó, khi cho phép đơn vị trực tiếp làm Dự án nhận chìm bùn thải, các cơ quan có trách nhiệm đã không hề có căn cứ khoa học trong đánh giá tác động môi trường.
Trong khi đó, nếu quản lý nhà nước được thực thi đúng trách nhiệm, thẩm định một cách khoa học, khách quan, công tâm thì sẽ không để tồn tại những dự án kinh tế mà không gắn với bảo vệ môi trường, cũng như sẽ không khiến dư luận xã hội phải mất thời gian tranh luận.
Quản lý nhà nước trong trường hợp này đã không vì lợi ích chung, lợi ích của đất nước mà hơn nữa lại chỉ “chịu” thay đổi khi dư luận xã hội tạo ra áp lực quá lớn.
Tất nhiên, dù thế nào việc lắng nghe ý kiến dư luận xã hội, để điều chỉnh một dự án hợp lý cũng là rất đáng hoan nghênh. Chỉ đạo của Chính phủ và việc thay đổi kịp thời sau khi nghe ý kiến phản biện là nhất quán với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.
Trong quá trình phát triển, sẽ còn có nhiều dự án được triển khai chưa phù hợp, nhiều quyết định, chính sách chưa hợp lý thì việc cần có những tiếng nói phản biện trong xã hội là cần thiết. Chỉ có phản biện mới là động lực cho phát triển.
Vụ việc này một lần nữa vai trò quan trọng của phản biện xã hội đối với sự phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Nhưng với điều kiện những tiếng nói phản biện phải trên tinh thần xây dựng, trên cơ sở khoa học thì mới có giá trị để đẩy lùi những việc làm sai trái, vô trách nhiệm.
Khi tiếng nói phản biện xã hội đúng đắn được lắng nghe và tiếp thu, trí tuệ và tinh hoa của xã hội được đón nhận một cách cầu thị là lúc xã hội ngày càng tiến dần hơn tới minh bạch, công khai, dân chủ.
Một mặt trách nhiệm công dân của các nhà khoa học, của nhân sĩ trí thức là cần có những tiếng nói phản biện kịp thời một cách đúng đắn, nghiêm túc, xây dựng nhưng về phía nhà nước cần thể hiện sự trân trọng và cầu thị, lắng nghe. Chỉ có như vậy mới có được những điều chỉnh kịp thời và những sai trái được xử lý, ngăn chặn.