Ngọn gió lành Tháng Tám
72 năm đã qua, thời gian đủ để thấy giá trị vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945- một cuộc cách mạng long trời lở đất. Người dân Việt Nam đã chặt đứt xiềng gông “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Ngọn gió mát lành từ mùa thu năm ấy lồng lộng khắp giang sơn, tạo nên sức mạnh thần kỳ để dân tộc Việt Nam tiến hành những cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước.
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19 - 8 - 1945. Ảnh: Tư liệu.
Cách mạng Tháng Tám của người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thực tế đã là đề tài cho nhiều công trình nghiên cứu của các sử gia, học giả, nhà văn, nhà báo quốc tế. Nhiều học giả phương Tây, tuy rằng với những góc nhìn khác nhau, cũng đều có chung nhận định: Một dân tộc đã vùng lên!
Người Pháp dù thất bại trước cuộc kháng chiến của người Việt Nam nhưng cũng lại có nhiều tác phẩm ngợi ca cuộc cách mạng này. Trong đó có thể kể đến cuốn “Lịch sử Việt Nam (1940-1952)” của Phillip Devillers, 1952; “Việt Nam: Xã hội học về một cuộc chiến” của Paul Mus, 1952. Năm 1988, Philippe Devillers lại viết tiếp cuốn “Paris - Sài Gòn - Hà Nội: Văn thư lưu trữ về chiến tranh 1944-1947”.
Năm 1967, một nhà thương thuyết nước Pháp với chính quyền của Nhà nước Việt Nam non trẻ thời điểm lúc bấy giờ- Jean Sainteny- đã xuất bản cuốn “Lịch sử về một nền hòa bình bị đánh mất - Đông Dương 1945-1947”... Tất cả đều thừa nhận tinh thần, ý chí của người Việt Nam và bản lĩnh chính trị tuyệt vời cũng như thiên tài xuất chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Không chỉ những tác giả người Pháp viết về Cách mạng Tháng Tám mà học giả nhiều nước khác cũng dành những nhận định sâu sắc về cuộc cách mạng này của dân tộc Việt Nam. Nhà sử học Nauy S.Tonnesson trong cuốn “Cách mạng Việt Nam 1945 - Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong một thế giới chiến tranh”, xuất bản năm 1991, viết: “Cuộc cách mạng ở Việt Nam năm 1945 là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Không chỉ có vậy, đó còn là một cuộc cách mạng chính trị chống lại nền quân chủ thối nát, và là một cuộc cách mạng xã hội chống lại chủ đất và những người thu thuế”.
Còn sử gia người Mỹ William Duiker trong tác phẩm của mình đã cho thấy tinh thần dân tộc và tính nhân văn của một chính phủ cách mạng non trẻ trong hoàn cảnh khó khăn chất chồng: “Chính phủ mới đã thông qua một loạt biện pháp khẩn cấp để chống nạn đói (...) Thuế nông nghiệp được giảm và sau đó miễn hoàn toàn, một sở tín dụng nông nghiệp được lập ra để giúp nông dân vay vốn dễ dàng hơn”.
Duiker còn đặc biệt ghi nhận việc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cụ Hồ trong bộn bề khó khăn và nghèo túng đã yêu cầu tất cả mọi người Việt Nam trong thời gian ngắn nhất phải biết đọc, biết viết. “Chính nhờ sự quyết tâm của chính quyền, đến mùa thu năm sau, trên 2 triệu người đã thoát nạn mù chữ”- Duiker viết.
Theo giới nghiên cứu quốc tế, cuộc Cách mạng Tháng Tám của dân tộc Việt Nam là sự kiện đặc biệt ấn tượng. Thắng lợi của cuộc cách mạng ấy đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là với các nước châu Phi.
Thời gian càng lùi xa, người ta càng cảm nhận sự vĩ đại của cuộc cách mạng ấy. Một dân tộc trải qua hàng ngàn năm phong kiến và gần 100 năm thuộc địa, tưởng chừng khí lực đã cạn. Nhưng không, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc ấy đã đứng dậy từ đau thương mất mát. Một nước Việt Nam mới ra đời- nước Việt Nam của người Việt Nam.
Tinh thần bất diệt của cuộc Cách mạng Mùa Thu năm ấy đã hồi sinh cả một dân tộc, tạo nên sức mạnh bất diệt để chúng ta bước vào và giành chiến thắng trong những cuộc kháng chiến gian khổ, đầy mất mát hy sinh nhưng quyết không chịu làm nô lệ, quyết không để ngoại bang đô hộ một lần nữa.
Sức mạnh tinh thần từ cuộc cách mạng vĩ đại ấy đã làm nên sức mạnh để chúng ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến 9 năm đánh đuổi thực dân Pháp, mà đỉnh cao là chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ năm 1954. Rồi với khí thế đó, tinh thần đó, cả dân tộc lại bước vào cuộc chiến tranh thần thánh kéo dài 21 năm giành độc lập, thống nhất đất nước vào tháng 4/1975.
Ngọn gió mát lành mùa thu 72 năm trước tới nay vẫn lồng lộng trên khắp non sông. Hôm nay, trong hòa bình kiến thiết, tinh thần Cách mạng Tháng Tám vẫn chói ngời. Cùng với nhiệm vụ dựng xây đất nước, thì chúng ta đã và đang tiến hành một cuộc đấu tranh mới chống “giặc nội xâm”- đó là diệt trừ nạn tham nhũng. Thành quả của Cách mạng Tháng Tám; máu xương dân tộc này đổ xuống trong suốt những cuộc kháng chiến vệ quốc một mất một còn không thể để “giặc nội xâm” hủy hoại.
Càng ngày, cuộc đấu tranh ấy càng đi vào chiều sâu, được toàn xã hội nhiệt liệt hưởng ứng. Nhiều vụ bê bối đã được đưa ra ánh sáng. Cá nhân những kẻ tha hóa, biến chất bị vạch mặt chỉ tên. Nhưng, đây là cuộc đấu tranh lâu dài, cần phải bền bỉ và quyết liệt. Sự quyết tâm của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh với tham nhũng đã và đang khơi dậy niềm tin trong toàn xã hội.
Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chống tham nhũng giờ đây đã trở thành một xu thế mà không ai có thể đứng ngoài cuộc. Thông tin từ phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng mới đây cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm, 4/6 vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã bị đưa ra xét xử với 2 bị cáo bị tử hình, 1 bị cáo chung thân, 17 bị cáo bị phạt tù từ 20 tháng đến 24 năm. Cùng với đó, hàng loạt cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật. Đó là tín hiệu cho thấy bước chuyển quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực.
Kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám năm nay, tự hào về thế hệ cha ông càng thấy trách nhiệm nặng nề hơn. Không thể để thành quả của cuộc cách mạng ấy bị hủy hoại bởi bất cứ thế lực nào. Mang trong lòng tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám, toàn dân tộc vững vàng đi lên để “bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ kính yêu hằng mong mỏi.