Tăng thuế giá trị gia tăng: Cần cân nhắc kỹ lưỡng
Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% lên 12% mà Bộ Tài chính muốn thực hiện đã nhận được nhiều ý kiến. Cho dù đã có sự giải thích từ Bộ này nhưng giới chuyên gia vẫn cho rằng vẫn cần cân nhắc kỹ.
Ảnh minh họa.
Bộ Tài chính: Nhiều quốc gia tăng thuế
Trong định hướng sửa các luật về thuế mà Bộ Tài chính vừa đưa ra, tại Luật Thuế GTGT phía cơ quan quản lý cho rằng, sửa đổi các quy định về thuế GTGT để bao quát được các hoạt động kinh tế mới phát sinh và cơ quan này đề nghị nâng mức thuế suất 10% theo một trong hai phương án.
-Phương án 1: Tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019.
-Phương án 2: Tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021.
Trong đó Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1, tức tăng thuế GTGT từ 10% lên 12%. Thời gian thực hiện từ 1-1-2019. Và để có luận cứ cho việc xây dựng bổ sung một số điều các luật về thuế, Bộ Tài chính cũng có phân tích xu hướng và hiện trạng cải cách thuế của một số nước trên thế giới
Theo đó, nếu tính cả các sắc thuế có tính chất tương tự như thuế GTGT là thuế tiêu dùng/thuế hàng hóa dịch vụ thì số quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hóa và dịch vụ ngày càng tăng lên một cách rõ rệt, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014 và 166 nước năm 2016. Đặc biệt trong những năm gần đây các nước có xu hướng chuyển từ thuế trực thu sang thuế gián thu, trong đó đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường vai trò huy động của nguồn thu từ thuế GTGT.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng, tăng thuế suất thuế GTGT và mở rộng cơ sở thu thuế nhằm đảm bảo nguồn thu cho ngân sách trong bối cảnh nợ công tăng nhanh. Cùng với việc thực hiện giảm thuế suất thuế TNDN để khuyến khích đầu tư, kinh doanh thì xu hướng chung của các nước trong những năm gần đây là tăng thuế suất phổ thông và mở rộng cơ sở thuế GTGT nhằm bảo đảm nguồn thu cho ngân sách.
Trong giai đoạn 2009-2014, có khoảng hơn 20 quốc gia, đặc biệt là các quốc gia thuộc EU, thực hiện điều chỉnh tăng thuế suất phổ thông thuế GTGT. Hiện nay, mức thuế suất phổ thông thuế GTGT bình quân ở các nước OECD khoảng 19%, ở các nước khu vực EU khoảng 22%. Tại khu vực châu Á, Nhật Bản cũng đã điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% nhằm tăng nguồn thu mỗi năm khoảng 8.000 tỷ yên cho ngân sách quốc gia để góp phần kiểm soát nợ công tăng cao.
Giới chuyên gia: Cơ quan quản lý tận thu
Phản hồi trước việc đề xuất tăng thuế giá GTGT, người dân, lẫn doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia đều lo lắng. Giám đốc Công ty Thiên An Phúc Nguyễn Tuấn cho biết, nếu thuế GTGT tăng từ 10% lên 12% thì tất cả các mặt hàng trong nước sẽ tăng giá thêm khoảng 2%. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của toàn dân.
“Theo lộ trình thì thuế suất sẽ phải giảm, nhưng người dân chưa được hưởng gì từ những hàng hóa ở các nước đã ký hiệp định thương mại tự do FTA mà đã phải chịu thuế GTGT thêm 2% sẽ tác động tiêu cực đến đời sống của đại bộ phận người dân. Nếu các danh mục hàng hóa được giảm thuế vào Việt Nam mà giá thành rẻ hơn hiện tại từ 5-15%, lúc đó hãy tính đến tăng thuế GTGT để bù vào ngân sách.
Trong khi đó, trao đổi với Đại Đoàn Kết vào sáng ngày 18-8, ông Lê Xuân Nghĩa- nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, ví thuế GTGT ”như vãi thóc cho cả đàn gà, gà to gà nhỏ gì đều bị cả”. Nếu tăng thuế lên 12% thì người nghèo sẽ bị tác động mạnh- theo ông Nghĩa.
Cụ thể hơn, ông Nghĩa phân tích, người nghèo thu nhập được 6 triệu đồng/tháng, thì họ chi tiêu sinh hoạt thiết yếu như ăn, ở, mặc, đi lại… khoảng 4 triệu đồng nên tỷ trọng chịu thuế cao. Trong khi người thu nhập 20 triệu đồng/tháng, thì họ cũng chỉ chi từng ấy, tỷ trọng chịu thuế ít hơn, phần còn lại họ được tích lũy.
Vẫn theo ông Nghĩa, ở Mỹ, cũng có thuế GTGT nhưng không phải bang nào cũng có. Nhiều người dân khi muốn mua hàng rẻ hơn họ chọn cách đến bang không có thuế GTGT. Bởi thuế này làm cho giá cả hàng hóa tăng lên, tức là chi phí tiêu dùng của người dân tăng lên. Tác động ngược trở lại doanh nghiệp, vì khi giá hàng hóa cao thì sức mua sẽ giảm đi. Nó tương tự như câu chuyện, hàng Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ, khi giá đồng USD tăng lên thì giá hàng hóa Việt Nam ở Mỹ tăng lên. Doanh nghiệp Việt không thể cạnh tranh nổi.
Ông Vũ Thành Tự Anh- Giám đốc Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam cũng cho rằng, khi tăng thuế GTGT thì thuế đó tác động người thu nhập thấp nặng nề hơn. Bởi người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế GTGT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Tuy nhiên người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế GTGT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn.