Thầy giỏi không đồng nhất với điểm đầu vào đại học cao
Đó là ý kiến của PGS.TS Đỗ Văn Xê- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ khi trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về câu chuyện nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm- trước tình trạng tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ sư phạm đang là mối quan tâm của toàn xã hội hiện nay.
PGS. TS Đỗ Văn Xê.
PV:Là một nhà giáo, ông suy nghĩ thế nào về câu chuyện ngành sư phạm “mất giá” những năm gần đây khi ít học sinh điểm cao đăng ký vào?
PGS. TS Đỗ Văn Xê: Phải phân biệt rõ, điểm đầu vào ĐH, CĐ thể hiện năng lực học tập, tiếp thu chương trình THPT. Khi vào học bậc ĐH, chương trình, nội dung khác hẳn với bậc phổ thông. Vì thế, chưa chắc điểm đầu vào cao thì sẽ trở thành sinh viên giỏi. Đó là sai lầm lớn của chúng ta khi quá quan trọng hóa vấn đề điểm đầu vào đối với ngành sư phạm. Đừng đồng nhất thầy giỏi với điểm đầu vào ĐH phải cao.
Tôi cho rằng điểm đầu vào của trường, của ngành bất kỳ, trong đó có sư phạm nên được hiểu là học sinh đó đã đủ kiến thức căn bản để học ở bậc ĐH, CĐ.
Từ năm 2018, Bộ GD&ĐT sẽ bỏ điểm sàn để các trường tự quyết định và chịu trách nhiệm với chất lượng đào tạo của mình. Nhưng riêng ngành sư phạm sẽ có điểm sàn riêng?
- Tôi ủng hộ bỏ điểm sàn, cũng không cần thi ĐH nữa. Các nước đã thực hiện điều này từ lâu rồi. Học ĐH là rèn luyện kỹ năng, kiến thức chuyên môn.
Bộ GD&ĐT đưa ra điểm sàn cho riêng ngành sư phạm, đó là một giải pháp cho chất lượng đào tạo sư phạm nhưng sâu xa hơn, theo tôi là do người học không mặn mà đăng ký vào sư phạm dẫn đến đầu vào thấp. Nếu quy định điểm sàn riêng cho sư phạm mà quá cao có thể sẽ không còn người học, khi đó không đáp ứng được nhu cầu xã hội, vì vậy Bộ GD&ĐT cần cân nhắc kỹ. Làm sao để thầy cô được xã hội tôn trọng, lương khá, nhiều người thích vào thì điểm chuẩn sẽ lên cao thôi.
Nếu không có điểm sàn, liệu có tình trạng các trường ĐH, trong đó sư phạm cũng lấy mức 10 điểm 3 môn để tuyển sinh bằng mọi giá?
- Như tôi đã nói ở trên, yếu tố đầu vào chỉ quyết định 1 phần. Chất lượng đội ngũ giảng viên đào tạo sẽ quyết định phần lớn chất lượng sinh viên.
Cái dở của ngành sư phạm hiện nay kéo theo ảnh hưởng đến nền giáo dục nước nhà, theo tôi đó là chương trình đào tạo sư phạm đang tập trung học nhiều về phương pháp giảng dạy, không chú trọng rèn chuyên môn.
Tôi quan niệm muốn dạy Toán trước hết phải giỏi Toán. Muốn dạy Vật lý phải giỏi Vật lý. Khi anh giỏi rồi thì phương pháp giảng dạy mới phát huy. Còn một sinh viên dở Toán mà học nhiều phương pháp giảng dạy toán thì cũng đâu có tác dụng gì.
Trong mùa tuyển sinh 2017, có những trường tính điểm đầu vào bằng cách nhân hệ số môn chính, không tính điểm bình quân như cách thông thường, ông nghĩ sao?
- Hồi chúng tôi học, tuyển đầu vào ngành Toán thì Toán nhân hệ số 4 còn bây giờ làm bình quân. Sư phạm Toán, Lý, Hóa đều tuyển khối A nhưng một học sinh đạt 20 điểm, trong đó 5 Toán, 5 Hóa, 10 Lý đăng ký sư phạm Toán liệu có giảng dạy tốt hơn nếu đăng ký môn Lý không? Thành ra hệ số của môn chính đóng vai trò rất quan trọng. Thậm chí, theo tôi nhân hệ số 2 như cách làm của một số trường mùa tuyển sinh vừa qua là còn ít, cần phải nhân nhiều hơn.
Nhìn vào điểm trúng tuyển ngành sư phạm của ĐH Cần Thơ nói riêng và nhiều trường khác, có thể thấy có những ngành điểm cao trên 25 điểm, trong khi có ngành chỉ bằng hoặc trên mức điểm sàn một ít. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đó là vấn đề của xã hội chứ không phải của nhà trường. Sinh viên tốt nghiệp không có việc làm nhiều khi không phải do thầy dạy dở đâu mà nếu xã hội không có nhu cầu công việc ấy thì sinh viên giỏi cách mấy cũng vẫn không có việc làm. Như vậy, phải quay trở lại vấn đề nền kinh tế phải phát triển để tạo công ăn việc làm phù hợp, nhà trường chỉ cần làm tốt công tác đào tạo của mình.
Bên cạnh đó, học ngành sư phạm nhưng không nhất định sau này phải trở thành giáo viên, tương tự các ngành khác cũng thế. Sinh viên muốn không bị thất nghiệp trong nền kinh tế thị trường thì chỉ có thể học thật giỏi. Nếu bảo đảm toàn bộ sau khi ra trường đều có việc làm thì các em sẽ ít có động cơ cố gắng.
Có quan điểm cho rằng cần siết đầu vào, thậm chí ngừng đào tạo đối với những ngành xã hội không có nhu cầu, trong đó có sư phạm?
- Tôi cho rằng vẫn phải tiếp tục tuyển, tất nhiên cần tính toán tuyển bao nhiêu. Ở đời, khi này khi khác là chuyện bình thường. Bây giờ thấy ngành đó xuống thấp thì xóa sổ, sau này cần thì lấy gì để bù vào. Đào tạo con người cần 4 năm chứ có phải 4 tháng là xong đâu. Đừng ăn xổi ở thì, nhất là trong giáo dục.
Trân trọng cảm ơn ông!