An sinh xã hội cho lao động di cư - Đối tượng yếu thế được hỗ trợ - Bài 1: Thiệt thòi phận di cư

Lê Minh Long 19/08/2017 10:05

Công việc bấp bênh, thu nhập thấp, dễ mắc bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động (TNLĐ). Đây cũng là đối tượng dễ bị sa thải nhất khi ngoài 35 tuổi, thế nhưng phần lớn trong số họ không tham gia BHYT, BHXH. Hệ quả là đây là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những rủi ro, biến động. Vậy đâu là giải pháp để giúp lao động di cư được tiếp cận đầy đủ các chính sách an sinh xã hội?.

Lao động di cư phải đối mặt với nhiều rủi ro do công việc bấp bênh.

Tại các đô thị lớn, nhóm yếu thế dễ nhận ra nhất chính là lực lượng lao động từ các tỉnh di cư vào thành phố làm việc. Mỗi biến động dù nhỏ hay lớn như người lao động (NLĐ) bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng, bị vi phạm quyền lợi về BHXH, BHYT; chủ nhà trọ tăng giá thuê phòng trọ, điện nước sinh hoạt; bị dụ dỗ, lừa đảo… họ đều có thể bị tổn thương.

Thiếu đủ thứ

Từ quê lên Hà Nội tìm kiếm việc làm, chị Nguyễn Thị Dung (quê ở Cẩm Khê, Phú Thọ) gặp rất nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống nơi đất khách quê người. Dù đã có gần 10 năm làm việc và sống ở thủ đô nhưng chị Dung chưa một lần được vào nội đô.

“Học hết cấp 2 vì nhà nghèo nên tôi theo bạn xuống KCN Bắc Thăng Long làm công nhân tại nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử. Những lúc có nhiều đơn hàng thì căng mình làm ca nhưng cũng có lúc không có việc nghỉ hàng tuần nhưng cũng không dám đi đâu vì sợ tốn kém. Lúc chưa có gia đình thì mấy phòng rủ nhau nấu ăn chung, có gia đình thì họa hoằn 1 năm có khi mới dám tổ chức 1 bữa tăng chất tươi cho các con” – chị Dung kể.

20 tuổi, lẽ ra ở tuổi này Hoa phải có cuộc sống sôi nổi với nhiều hoạt động, nhưng cuộc sống của Hoa đơn điệu với một quy trình lặp sẵn ngày nào cũng như ngày nào. Sáng đến công ty, chiều tan tầm về đi chợ nấu ăn rồi ngủ. Có nhiều hôm trời hè oi bức, Hoa cũng chỉ dám ra quán đầu ngõ uống cốc nước chè giải nhiệt.

“Quê em ở Phú Thọ, bố mẹ đau ốm, đứa em trai đang học cấp 3 nên mọi chi tiêu đều trông vào em. Tổng thu nhập được từ 6 đến 7 triệu thì trong đó tiền nhà trọ, điện, nước, ăn đã mất gần 3 triệu, thế nên những lúc rảnh em lấy ngủ làm niềm vui”- Em Nguyễn Thị Hoa công nhân Công ty Sakarai KCN Bắc Thăng Long tâm sự.

Tại buổi họp báo về chiến dịch “Chúng tôi cùng bạn tạo lên sự khác biệt” do tổ chức Plan Intenatinal Việt Nam tổ chức ngày 17/8, khi kể về những khó khăn, vất vả trong quá trình di cư xuống thủ đô mưu sinh, nhiều nữ thanh niên nhập cư đã rơi lệ kể về cuộc sống của mình: “Chúng em đã từng phải ở nơi có đầy rác, chuột chạy khắp nơi. Mọi sinh hoạt của 3, 4 người chỉ vỏn vẹn trong 15m2, nhà trọ thì ẩm thấp vào mùa đông, mùa hè thì nóng vì mái tôn. Là thanh niên nhưng cuộc sống về tinh thần của chúng em rất đơn điệu, không ti vi, không sách báo, không có bất kỳ hoạt động giải trí nào. Dù vậy chúng em vẫn phải cố bám trụ vì lương thấp” – em Nguyễn Thị Hạnh kể.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đông Anh (Hà Nội), tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long có hơn 30.000 lao động nhập cư, trong đó có 90% là lao động nữ. Lực lượng lao động này đã đáp ứng nguồn nhân lực cho các nhà máy, doanh nghiệp tại Khu công nghiệp nhưng cũng đạt ra nhiều vấn đề về xã hội liên quan đến thuê nhà trọ, nhà trẻ mẫu giáo cho con em công nhân...

“Bất ổn” trong công việc

Không chỉ có một cuộc sống nghèo nàn về tinh thần lao động di cư còn phải đối mặt với nhiều “bất ổn” trong công việc. “Là lao động nhập cư chúng tôi không chỉ lo lắng vì cuộc sống bấp bênh, rủi ro khi thuê phòng trọ mà còn chịu áp lực rất lớn trong công việc nhất là khi bước vào ngưỡng tuổi 30. Trong công ty rất nhiều người bị cho thôi việc với lý do không có đơn hàng nhưng thực chất công ty muốn loại để tuyển lao động trẻ tuổi không có vướng bận gia đình con cái”- Phạm Thị Hằng, công nhân KCN Bắc Thăng Long kể.

Cuộc điều tra hồi tháng 5/2017 của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho thấy, hiện có tình trạng khá phổ biến là công nhân lao động độ tuổi ngoài 30, đặc biệt là lao động nữ và lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, sau khi bị sa thải, khoảng 43,1% công nhân lao động làm công việc tự do, 17,2% làm công việc buôn bán, 15,3% về nhà làm công việc nội trợ, 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do...

Tại KCN Bắc Thăng Long, TP Hà Nội, theo kết quả khảo sát với nữ công nhân và phụ nữ nhập cư đang sinh sống tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh do các đơn vị triển khai dự án tiến hành vào tháng 11/2016, hơn 80% số người tham gia khảo sát cho biết công việc hiện nay tại khu công nghiệp mang tính thủ công không giúp họ có một nghề ổn định sau khi nghỉ việc.

Điểm đáng lưu ý có 53,3% số được hỏi cho biết không thích công việc hiện tại và mong muốn chuyển sang công việc ổn định hơn; 75% trong tổng số tham gia khảo sát bày tỏ mong muốn được bắt đầu công việc kinh doanh để ổn định thu nhập.

Theo ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công đoàn - Công nhân, Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện nay đã xuất hiện tình trạng rất đáng lo ngại, đó là nhiều DN đang tìm cách sa thải những NLĐ ở độ tuổi trung niên (từ khoảng 35- 40 trở lên). Theo dự báo, trong thời gian tới, số NLĐ ra khỏi khu vực sản xuất ở độ tuổi này sẽ còn tiếp tục tăng với quy mô lớn, có thể làm “tan vỡ” từng mảng của thị trường lao động.

Phó Tổng Giám đốc BHXH VN Phạm Lương Sơn cũng cho rằng, việc sa thải công nhân lao động trên 35 tuổi đang tác động lớn hệ thống an sinh xã hội, làm gia tăng việc nhận bảo hiểm thất nghiệp, nhận BHXH một lần. Đồng thời đây là sự lãng phí lớn đối với nguồn lao động của quốc gia. Trong khi đó, Luật Lao động quy định nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ 55.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2015- 2016, cả nước có khoảng 1,2 triệu NLĐ ở độ tuổi trung niên bị sa thải (bằng nhiều hình thức) và tách hẳn thị trường việc làm. Trong số này vẫn có những NLĐ tự thân vận động để tìm việc làm mới, nhưng hầu hết nhìn chung rất khó tìm được việc làm, gây quan ngại cho xã hội…

Lê Minh Long