Khẩn trương hợp tác quốc tế, chia sẻ và sử dụng nguồn nước

Quốc Trung 19/08/2017 17:10

Trong khuôn khổ của Tuần lễ an ninh lương thực APEC 2017, các nước đặc biệt quan tâm tới vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh hưởng tới việc sử dụng, chia sẻ nguồn nước. Các nước cho rằng cần khẩn trương hợp tác quốc tế cùng nhau chia sẻ, sử dụng nguồn nước hợp lý…

Hội thảo “Thách thức đối với an ninh lương thực và tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu trong khu vực APEC”.

Biến đổi khí hậu và thách thức nguồn nước

Từ lâu, nước là một nguồn lực quan trọng và là một trong những yếu tố sống còn cho sản xuất lương thực và theo tính toán, nông nghiệp của cả thế giới đang phải sử dụng tới 70% lượng tiêu thụ nước. Tuy nhiên những năm gần đây tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cùng với việc sử dụng chưa hợp lý khiến nguồn nước ngày càng trở nên khan hiếm. Một số nước trong khu vực APEC đã và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất lương thực.

Với những nguyên nhân trên, trong Tuần lễ an ninh lương thực APEC năm 2017, các nước đặt vấn đề “Thách thức đối với an ninh lương thực và tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu trong khu vực APEC” lên đầu tiên. Các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế APEC cùng nhau bàn bạc đi đến việc tăng cường mối quan hệ và hợp tác trong tương lai giữa các cơ quan chức năng, các chuyên gia, khu vực tư nhân và các nhà khoa học trong việc sử dụng nguồn nước sao cho hợp lý trước tình trạng biến đổi khí hậu đang hiện hành.

Hàng loạt các thách thức về an ninh lượng thực và tài nguyên nước được các nền kinh tế, các chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ( gọi tắt là OECD ) và cùng đưa ra trao đổi như: vấn đề khan hiếm nguồn nước, biến đổi khí hậu, nhu cầu sản xuất nông nghiệp và đồng thời các kinh nghiệm của các nền kinh tế với quản lý nguồn nước, với canh tác nông nghiệp tốt, tưới tiêu tiên tiến nuôi trồng thủy sản….

Các chuyên gia đã thảo luận và đưa ra chính sách và quản lý tài nguyên nước ở các nước như: Úc, Philipine, Peru. Những khoảng cách trong việc quản trị nguồn nước của các nền kinh tế APEC và đi sâu phân tích những tác động của biến đổi khí hậu tại các nền kinh tế Việt Nam, Nhật bản.

Ông Aaron Magenheim, chuyên gia về công nghệ nông nghiệp của Mỹ cho rằng: Thực tiễn canh tác tốt và khoa học công nghệ là những giải pháp dẫn tới thành công.

Biến đổi khí hậu đang thách thức nguồn nước.

Khẩn trương hợp tác, chia sẻ để sử dụng nguồn nước bền vững

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế nhấn mạnh: Nước không chỉ là tài nguyên của một quốc gia mà là tài nguyên xuyên biên giới của các nền kinh tế. Do đó, cần khẩn trương xây dựng và thực hiện các chiến lược quản lý tổng hợp, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trong quản lý tài nguyên nước.

Tại APEC này, các nền kinh tế sẽ tập trung thảo luận và đi đến thống nhất về các vấn đề làm thế nào để liên kết các khu vực tư nhân và công cộng, trách nhiệm xã hội của khu vực tư nhân đối với tài nguyên nước, vai trò của chính phủ và người dân của các nền kinh tế và các nội dung cần thực hiện của các nền kinh tế.

Theo nhận định của các chuyên gia đến từ các nước trong khu vực APEC, biến đổi khí hậu có tác động trực tiếp đến việc cung cấp nước, làm ảnh hưởng đến sản xuất lương thực, tạo nên những hạn chế về tăng trưởng kinh tế và gây ra xung đột xã hội. Vì vậy vấn đề tăng cường mối quan hệ hợp tác nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và nguồn nước cho toàn khu vực APEC được các nước chú trọng trong đợt này.

Các nước đều thống nhất cho rằng: Nước không chỉ là tài nguyên của một quốc gia mà là tài nguyên xuyên biên giới của các nền kinh tế. Do đó, cần khẩn trương xây dựng, thực hiện chiến lược quản lý tổng hợp, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trong quản lý tài nguyên nước, ông Long cho biết.

Về hướng tới trong việc hợp tác sử dụng nguồn nước giữa các thành viên trong Uỷ ban sông Mê Kông, ông Lê Đức Trung, Chánh văn phòng Uỷ ban sông Mê Kông Việt Nam cho biết: Thời gian tới chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc tác động của thượng nguồn cũng như tự nhiên đối với ĐBSCL và sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc quản lý tài nguyên nước cho vùng ĐBSCL.

Trong khuôn khổ của hội thảo, ông Lê Đức Trung đại diện cho Uỷ ban sông Mê Kông Việt Nam đã đưa ra đề xuất một số giải pháp trọng tâm để bảo vệ tài nguyên nước: Thứ nhất, chúng ta phải tăng cường mạng lưới quan trắc, vì thiếu thông tin dữ liệu chúng ta không thể nào có được giải pháp tốt. Việc quan trắc phải bao gồm cả số lượng nước.

Thứ hai, chúng ta phải tăng cường quản lý lưu vực sông. Hiện nay Chính phủ đang xem xét việc thành lập một tổ chức lưu vực sông Cửu Long ở khu vực ĐBSCL để chúng ta tăng cường điều phối liên ngành, liên tỉnh. Thời gian qua việc quản lý tài nguyên nước chỉ theo từng tỉnh hay từng nhóm tỉnh, nhưng để quản lý cho cả vùng ĐBSCL thì cần phải cả vùng cùng chung tay giải quyết.

Thứ ba, cần tăng cường quy hoạch tài nguyên nước, cũng như quy hoạch những hộ, ngành sử dụng nước ở ĐBSCL. Trên cơ sở đó chúng ta có phân bổ nguồn nước, chúng ta có những quy hoạch để làm thế nào đảm bảo được an ninh nguồn nước cho ĐBSCL. Ngoài ra việc tham vấn, kế hoạch, chiến lược cần có sự tham vấn rộng rãi trong các tỉnh, các địa phương, các ngành có liên quan, đặc biệt là người dân ở vùng ĐBSCL.

Ông Lê Đức Trung nhấn mạnh: “ĐBSCL chúng ta phụ thuộc 95% nguồn nước từ nước ngoài, chúng ta phải tăng cường hoạt động hợp tác Quốc tế, tăng cường hoạt động chia sẻ nguồn nước và việc sử dụng nước xuyên biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Tăng cường hợp tác trong lưu vực với Uỷ hội sông Mê Kông Quốc tế và với những sáng kiến hợp tác vùng”.

Theo ông Trung thời gian tới: Một mặt chúng ta tích cực đàm phán với nước ngoài đảm bảo an ninh nguồn nước cho chúng ta, mặt khác chúng ta phải nhìn vào chiến lược an ninh lương thực của nước mình.

Ông Trung dẫn chứng: “Ví dụ thời gian qua Việt Nam là Quốc gia xuất khẩu gạo nhiều, mà xuất khẩu gạo cũng như xuất khẩu nước, vì gạo sử dụng nước rất nhiều. Nếu an ninh nguồn nước không được đảm bảo, chúng ta cần phải điều chỉnh lại chiến lược để đảm bảo an ninh lương thực. Thực tế thời gian qua chúng ta đảm bảo an ninh lượng thực rất ổn, trong khi đó phần dư thừa đã được xuất khẩu...”.

Mục tiêu của chúng ta là đảm bảo an ninh về nguồn nước, lương thực, năng lượng, 3 yếu tố này gắn kết với nhau vì vậy chúng ta phải có quy hoạch cho phù hợp. Ví dụ, với nguồn nước như thế này thì chúng ta phải có nguồn lương thực và năng lượng tương ứng, chứ không phải cứ tất cả nhắm vào mục tiêu xuất khẩu gạo để rồi tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, thì lúc đó chúng ta có thể thiếu nguồn nước vì chúng ta đang phụ thuộc vào nguồn nước. Tôi cho rằng, chiến lược cuả chúng ta phải làm sao hài hoà giữa các yếu tố, trên cơ sở có sự cân bằng nguồn nước trong nước và phụ thuộc vào nước ngoài...

Quốc Trung