Điểm nóng khủng bố được báo trước
Sau khi những kẻ khủng bố dùng xe hơi lao vào đám đông người đi bộ hôm thứ Năm vừa qua khiến 14 người thiệt mạng tại Catalonia (Tây Ban Nha), thì khu vực này vốn là điểm hút du khách quốc tế này bỗng nhiên trở thành một điểm nóng của chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, đối với một số người, điều này đã được dự báo trước.
Cảnh sát vũ trang tuần tra trên đường phố Barcelona hôm 18/8, sau sự kiện khủng bố kinh hoàng. (Nguồn: AP).
Dấu ấn khủng bố ở Catalan
Khu nghỉ dưỡng bờ biển Cambrils, nơi mà chiếc xe hơi thứ hai tấn công người đi bộ, vốn đã quá quen thuộc đối với giới chuyên gia chống khủng bố quốc tế. Đây là một thị trấn nơi mà 2 người đàn ông bị cáo buộc là kẻ tổ chức chủ chốt trong sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, Ramzi Binalshibh và Mohamed Atta đã gặp gỡ với những kẻ phiến quân Hồi giáo khác vào tháng 7/2001 để lên kế hoạch tấn công New York và Washington; theo ông Fernando Reinares, Giám đốc chương trình khủng bố toàn cầu thuộc Viện Hoàng gia Elcano ở Madrid.
Năm 2001, Tây Ban Nha đã là một trong số những căn cứ đầu tiên của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda ở khu vực Tây Âu. Nhưng mối đe dọa gây ra bởi tổ chức này cùng các chi nhánh của nó chỉ bắt đầu trỗi dậy vào năm 2004, khi một số vụ tấn công bằng thuốc nổ nhằm vào tuyến đường sắt của nước này khiến 191 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.
Dù kể từ sau đó Tây Ban Nha luôn là một quốc gia yên bình suốt hơn một thập kỷ mà không hứng chịu thêm bất kỳ vụ tấn công khủng bố nào, Barcelona và các vùng lân cận vẫn là “trung tâm cực đoan hóa lớn của nước này”- ông Reinares nói. Ngày nay, thay vì Al-Qaeda, tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng luôn tìm cách chiêu mộ những công dân Tây Ban Nha trẻ tuổi.
“Khi các tổ chức khủng bố nhìn vào châu Âu, chúng coi Tây Ban Nha như một quốc gia từng là một phần của nhà nước Caliphate, nhưng đã bị tuột khỏi tay chúng”- Raffaelo Pantucci, Giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế thuộc RUSI, trụ sở tại London, cho hay.
Những kẻ chiêu mộ khủng bố hay những kẻ tuyên truyền tư tưởng độc hại đã đạt được mục đích của chúng ở Catalonia, hơn rất nhiều thành phố khác ở Tây Ban Nha, trong việc biến những thanh niên trẻ tuổi thành người chống lại đất nước của chính họ. Có khoảng 1/3 tổng số nghi phạm khủng bố người Tây Ban Nha bị bắt giữ trong khoảng 1996-2013 là ở Catalonia; theo con số mà Viện Hoàng gia Elcano công bố, trong khi khu vực này chỉ đóng góp khoảng 15% tổng dân số của toàn quốc gia.
Viện nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng có khoảng 1/2 tổng số nhà thờ Hồi giáo Salafist ở Tây Ban Nha- một số trong số này bị chính quyền cáo buộc là truyền bá tư tưởng cực đoan là ở Catalonia.
Khác biệt
Có nhiều lý giải về vấn nạn cực đoan của khu tự trị này, và một số trong số đó từng khiến cho chính quyền Tây Ban Nha và cả các nước láng giềng hết sức quan ngại về khả năng trỗi dậy của phiến quân Hồi giáo, đặc biệt khi chúng có thể phối hợp với những tổ chức cực đoan ở miền Nam nước Pháp hay Bắc Phi.
“Người ta phát hiện ra có một số lượng lớn người Tây Ban Nha chuyển sang đạo Hồi, điều càng khiến vấn đề cực đoan trở nên nghiêm trọng hơn bởi một số người sau khi chuyển đạo muốn chứng tỏ với người khác rằng họ thực sự sùng đạo, bởi vậy mà càng có xu hướng bạo lực”- Claudia Carvalho, nhà nghiên cứu về chủ nghĩa khủng bố tại ĐH Leiden (Hà Lan), cho hay.
Trong những thập kỷ gần đây, Catalonia còn phải tiếp nhận một số lượng lớn người nhập cư. Khu vực này đã tiếp nhận hàng triệu nhân công nước ngoài trong đợt bùng nổ kinh tế những năm 1990, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã đặt dấu chấm hết cho tình trạng thiếu nhân công của nó.
“Phần lớn cộng đồng người nhập cư ở Barcelona đến từ Morrocco, nhưng cũng có nhiều người đến từ Pakistan hay Afghanistan”- bà Carvalho nói và nhấn mạnh “Những hệ tư tưởng khác biệt mà họ mang tới Catalonia đã khiến cho công tác chống khủng bố ở đây trở nên đầy thách thức”.
Vào thời điểm xảy ra vụ đánh bom ở Madrid năm 2004, Tây Ban Nha vốn đã có kinh nghiệm dạn dày trong việc chống khủng bố nhờ phải đối phó với hàng loạt vụ tấn công thực hiện bởi nhóm cánh tả ETA hay tổ chức ly khai Basque mà mãi đến năm 2006 mới có lệnh ngừng bắn.
“Không hẳn là chính quyền Catalan đã thất bại hoàn toàn trong chống khủng bố”- Peter Neumann, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cực đoan và Bạo lực Chính trị (ICRS), nhận định. “Thực tế, chính quyền Catalan đã chuẩn bị một cách hệ thống để ngăn chặn các vụ tấn công trong những năm gần đây”.
Những nỗ lực đó càng được tăng cường sau khi có ít nhất một kế hoạch tấn công khủng bố lớn bị triệt phá nhờ sự giúp sức của các cơ quan tình báo nước ngoài. Năm 2008, chính quyền Barcelona đã ngăn chặn được âm mưu tấn công khủng bố quy mô lớn nhằm vào mạng lưới giao thông của họ, mà những kẻ chủ mưu là các thành viên của cộng đồng người Pakistan sinh sống tại đây.
Cảnh sát Phần Lan hôm 19/8 cho hay họ đã bắt giữ được 5 nghi phạm tại một khu căn hộ ở Turku trong một cuộc điều tra vụ đâm chém khiến 2 người thiệt mạng. Sự việc diễn ra chỉ một ngày sau loạt tấn công khủng bố xảy ra ở Tây Ban Nha. Trước đó, trong hôm 18/8, cảnh sát đã nổ súng và làm bị thương một nghi phạm mang dao, bắt giữ kẻ này chỉ vài phút sau khi vụ đâm chém xảy ra tại một khu chợ ở Turku. Cũng trong hôm thứ Bảy vừa qua, cảnh sát đã nâng tổng số người bị thương trong vụ việc từ 6 lên 8. Hồi tháng 6 vừa qua, cơ quan tình báo và an ninh của Phần Lan (Supo) đã nâng mức cảnh báo khủng bố lên một cấp độ, từ “thấp” lên “gia tăng”. Vào thời điểm đó, chính quyền nước này nói rằng họ chứng kiến rủi ro xảy ra các vụ khủng bố mà tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây ra gia tăng đột biến. |
Hạn chế trong cuộc chiến chống khủng bố
Sau vụ tấn công khủng bố ở Madrid và âm mưu bị triệt phá ở Barcelona, Tây Ban Nha “nhận ra rằng họ là một quốc gia đang mang vấn đề rất lớn, và thực sự cố gắng để kiểm soát được vấn đề đó”- ông Pantucci nói, ám chỉ tới vấn nạn Hồi giáo cực đoan ở nước này.
Bởi vậy, giới chức Catalan đã luôn tìm cách chiêu mộ những quan chức chống khủng bố có khả năng nói được nhiều giọng bản xứ. Hiểu rõ về sự cần thiết phải chia sẻ thông tin xuyên quốc gia, vẫn đang còn nhiều thiếu sót ở nhiều phần của châu Âu, cảnh sát Catalan còn thực hiện rất nhiều cuộc truy kích phối hợp với các đối tác Bỉ và Morocco.
Và trong lúc chính quyền ở Anh và Đức hứng chịu vô số chỉ trích vì thất bại trong việc bắt giữ các nghi phạm từng có dấu hiệu cực đoan trước khi chúng thực hiện tấn công khủng bố, thì Tây Ban Nha lại lựa chọn con đường ngược lại. Các bộ luật khắt khe hơn, được áp dụng trong suốt 12 năm qua và được tăng cường kể từ năm 2010, đã giúp cho chính quyền nước này dễ dàng bắt giữ những kẻ được xác định là nghi phạm.
“Nếu ai đó xem các đoạn video về chủ nghĩa khủng bố trên Internet, người đó sẽ bị theo dõi", bà Carvalho nói.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha vẫn không thể tránh khỏi mức tăng đột biến trong các vụ bắt giữ nghi phạm liên quan tới khủng bố ở trong nước kể từ năm 2013 đến nay, chủ yếu là do sự trỗi dậy của phiến quân IS cùng các thay đổi về luật. Đất nước này hiện có tỷ lệ bắt giữ nghi phạm liên quan tới chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cao nhất trong số các nước ở châu Âu, dù rằng có số lượng cá nhân bị thấm nhuần tư tưởng cực đoan thấp hơn so với Anh hay Đức.
Cả Anh và Đức đều tỏ ra rất thận trọng khi bắt giữ các nghi phạm như một biện pháp ngăn chặn tấn công khủng bố xảy ra, do vấn đề về thu thập thông tin tình báo và lo về vấn đề nhân quyền. Một số quốc gia cũng sợ rằng nếu họ quá mạnh tay với người Hồi giáo, họ sẽ càng khiến cho cộng đồng người Hồi giáo cảm thấy bị ghẻ lạnh và tách xa khỏi phần còn lại.
Nhiều quốc gia cũng không dám mạnh tay với người Hồi giáo bởi chính cộng đồng này là bên cung cấp thông tin tình báo cho chính quyền về các cá nhân có dấu hiệu cực đoan. Và cho đến mãi sau loạt vụ tấn công khủng bố vừa qua xảy ra, chính quyền Catalonia mới có thể tự tin nói rằng các vụ bắt giữ nghi phạm thường xuyên có thể là điều gây tranh cãi, nhưng đó là điều cần thiết.
“Tuy nhiên mô hình chống khủng bố kiểu ngăn chặn trước này cũng không phải là không có hạn chế. Một ví dụ điển hình chính là các vụ tấn công mới xảy ra ở Barcelona và Cambrils”- ông Reinares nhận định.