Đùa với tử thần
Sự việc cưa đạn pháo dẫn đến phát nổ làm 6 người thiệt mạng và một số người khác bị thương ở thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) vừa qua khiến dư luận xót xa. Đây không phải là lần đầu tiên và chắc cũng chưa phải là lần cuối cùng xảy ra sự việc đau lòng, cướp đi sinh mạng của nhiều người vì hành vi thiếu hiểu biết của không ít người dân. Đau lòng ở chỗ, dù “báo động đỏ” đã được gióng lên từ rất lâu rồi, song có vẻ như nhiều người chưa biết sợ mà vẫn muốn đùa với tử t
Trong những năm qua, liên tiếp xảy ra những vụ việc thương tâm khiến nhiều người chết và bị thương do một số người dân đi “mót” đạn pháo, bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh về cưa ra để bán sắt vụn.
Vẫn biết là đói thì đầu gối phải bò, vì miếng cơm manh áo thì phải bươn trải, song điều đó không có nghĩa là liều mạng với bom mìn. Những người làm nghề thu gom sắt phế liệu đã bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi: Nếu bom, mìn, đạn pháo nổ thì đến cái mạng còn chẳng giữ được, nói gì đến cuộc sống của bản thân và gia đình?
Tuyên truyền xem ra cũng chẳng ăn thua gì với một số người “ngoan cố”, mà phải có chế tài nghiêm khắc thì mới mong lập lại trật tự trong lĩnh vực quản lý vũ khí và vật liệu nổ. Song, đâu phải chưa có hành lang pháp lý để quản lý, chế tài những hành vi tương tự?
Từ luật đến nghị định, thông tư đã có đủ cả, quy định chặt chẽ về việc quản lý vũ khí và vật liệu nổ. Quy định pháp luật cũng nêu rất rõ là ai, đối tượng nào mới được phép cất giữ, xử lý các vật liệu nổ, nhất là bom, mìn, đạn pháo còn sót lại sau chiến tranh. Và đương nhiên là pháp luật cấm mọi người dân tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ.
Theo đó, khi phát hiện đạn pháo, bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh, thay vì hè nhau khiêng về nhà cưa sắt vụn, người dân phải lập tức báo cho cơ quan chức năng xử lý giải quyết, tuyệt đối không được phép động đến. Quy định trên của pháp luật hoàn toàn là vì sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân, chứ không phải là “triệt đường sinh sống” của họ.
Nói cho đến tận cùng của cái lý thì đói một vài bữa sẽ không thể chết, không thể bị thương tật, nhưng nếu “chơi” đạn pháo, bom, mìn thì sẽ lập tức mất mạng, hoặc có may mắn thì cũng mang thương tật suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nhiều người dân còn tự tin lý sự rằng họ từng là cựu lính công binh, được đào tạo bài bản về tháo gỡ bom, mìn nên chẳng có gì để sợ. Xin thưa rằng, đó là một cách nghĩ hết sức sai lầm. Bởi lẽ khi họ còn ở trong Binh chủng Công binh, ngoài kỹ năng tháo gỡ bom, mìn thì họ còn được “trang bị đến tận răng” các thiết bị chuyên dụng để tháo gỡ.
Trong những trường hợp không thể tháo gỡ thì đã có những boong ke để ép nổ đạn pháo, bom, mìn mà không gây sát thương đến con người. Còn khi họ giải ngũ về làm dân thường thì họ có gì ngoài một chiếc cưa sắt để “tháo gỡ” đạn pháo, bom, mìn?
Dù họ có giỏi lý thuyết đến mấy thì cũng không thể tránh được mối nguy hiểm rình rập khi họ cưa đầu đạn, bom, mìn, bởi nguyên lý rất đơn giản là khi cưa sẽ phát sinh nhiệt, tia lửa – đó là những thứ tối kị của thuốc nổ.
Đó là mới bàn về phía người dân. Còn chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về vũ khí và vật liệu nổ cũng không khỏi có trách nhiệm liên đới.
Nếu như cảnh sát khu vực, chính quyền sở tại thường xuyên “thăm hỏi” các cơ sở kinh doanh sắt phế liệu, không chỉ để thường xuyên tuyên truyền, thuyết phục người dân đừng vì tiền mà bất chấp mạng sống cưa các đầu đạn, bom, mìn, thì còn có thể kịp thời phát hiện việc họ tàng trữ trái phép vũ khí và vật liệu nổ.
Việc lực lượng chức năng kịp thời phát hiện người dân tàng trữ trái phép đầu đạn, bom, mìn thu lượm được là điều quá tốt, bởi nó sẽ tránh được những thảm cảnh đau lòng như đã từng xảy ra không ít lâu nay.
Song, ngay cả khi không phát hiện được thì việc thường xuyên nhắc nhở về mối nguy hiểm khi cưa các vật nổ còn sót lại sau chiến tranh cũng sẽ tác động vào đầu người dân theo kiểu mưa dầm thấm lâu, khiến họ chùn tay khi thực hiện hành vi liều lĩnh đùa với tử thần.
Chẳng phải khi một ai nói với ta việc gì đó một lần ta không tin, hai lần không tin, nhưng quá nhiều lần, lặp đi lặp lại thì ta buộc phải tin đó sao? Áp dụng vào trường hợp cụ thể này, nếu người dân liên tục được nghe về nguy cơ mất mạng, mang thương tật khi cố cưa bom, mìn thì có lẽ họ cũng sẽ biết sợ.
Song, đáng tiếc đó chỉ là trường hợp giả lập “nếu” của người viết bài, chứ nó hầu như không xảy ra trong thực tế. Hiếm có cảnh sát khu vực nào, chỉ huy quân sự phường xã nào, hay thậm chí là chính quyền địa phương nào chịu hạ mình ghé qua các cửa hàng kinh doanh sắt phế liệu, thì làm sao có thể phát hiện kịp thời đạn pháo, bom, mìn mà người dân thu lượm được để mà thu hồi, nói gì đến tuyên truyền pháp luật, thuyết phục người dân không đùa giỡn với tử thần.
Đó chính là lý do mà dù hành lang pháp lý đã đầy đủ, song trong thời gian qua vẫn liên tiếp xảy ra những vụ việc đau lòng, gây tang tóc cho biết bao gia đình bởi hành vi cưa đầu đạn, bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Vậy nên, ngoài việc tuyên truyền người dân đừng đùa với tử thần thì các cơ quan chức năng cũng cần xem lại trách nhiệm của mình trong những thảm cảnh thương tâm đó.